You are here

Bỏ Tết âm lịch, ăn Tết dương lịch: Được gì, mất gì?

Kỳ 1: Những lập luận vớ vẩn, không có căn cứ

Cái vớ vẩn thứ nhất, chắc chắn những người nghĩ ra điều này phải là người có chữ nghĩa, có của ăn của để, chứ người lao động bình dân, người nghèo không bao giờ dám nghĩ đến chuyện này. Vì sao?

Vì kẻ có chữ nghĩa mới quan tâm đến lịch pháp, quan tâm đến kinh tế, văn hóa Tây – Ta. Thậm chí, người có cái ăn cái để, hay có công ty (xin lỗi các doanh nghiệp, không phải cứ ai có công ty cũng nghĩ tới bỏ Tết âm lịch) mới nghĩ tới kinh tế vĩ mô – vi mô, thậm chí nghĩ đến chuyện bỏ lơ khoản thưởng Tết, vịn vào thoát Á, thoát Tàu… Mặc dù cái sự nghĩ này còn lợn cợn, chưa đâu vào đâu.

Ngược lại, người nông dân chân lấm tay bùn, năm nào cũng như năm nào, đời sống dựa vào Nông Lịch (chứ không phải Âm Lịch – tức lịch Tàu - đây là mấu chốt căn bản để người Việt ăn Tết cổ truyền và đánh dấu, khởi sự mùa màng…). Người nông dân Việt nói riêng và người Việt nói chung chỉ ăn Tết khi khí trời trở nên nhẹ nhàng, ấm áp, dương khí tràn trề mặt đất, vạn vật sinh trưởng, đậm chồi nảy lộc. Đây cũng là thời điểm con người, vạn vật hồi tỉnh sau một mùa đông dài nhì nhằng với mưa lạnh, lụt bão, thiên nhiên khắc nghiệt và tai ương…

Vỡ đất, trồng cây, đó là động thái có từ vô thức của người Việt, có thể việc trồng cây cho mùa Tết không mang lại lợi nhuận, nhưng hành động này đóng vai trò tỉnh thức nhiều hơn là kiếm ăn thuần túy. Việc vác cuốc ra đồng của người nông dân, cài đặt lại chương trình làm việc của người trí thức và cả cài đặt lại chương trình buôn bán của người thương gia sau thời gian dài trú đông/ngủ đông đều có khởi điểm của “vỡ đất vô thức”.

Và đây cũng là thời điểm người ta suy nghĩ về huyết hệ, dòng tộc. Nhìn cái cây nảy mầm từ hạt, người ta suy tư về mùa cây trước và tưởng nhớ đến những bàn tay gieo trồng từ sơ thủy loài người, người ta lại miên man nhớ đến ông bà, cha mẹ, anh chị em, cả người đã khuất và người còn sống nhưng cách xa vạn dặm đường dài. Nghĩ và đi, không nói không rằng, cái chân muốn đi, muốn tìm về nguồn cội, có thể nguồn cội là khái niệm mơ hồ bởi mọi thứ đã tiêu táng theo thời gian, thời cuộc nhưng người ta vẫn cứ muốn quay về. Đương nhiên sự quay về này không phải là động thái vĩnh cửu mà chỉ khuôn giới trong hãn hữu thời gian cho phép, trong khoảnh khắc tâm thức, nó cũng giống như sự luân chuyển của bốn mùa Xuân – Hạ - Thu – Đông. Cây đến mùa xuân lại trổ hoa, dù cho phép hay không cho phép. Và cây chỉ trổ hoa theo tiếng gọi của đất trời chứ không trổ hoa theo tiếng gọi của con người.

Theo thời gian, có nhiều khu nghĩa trang không còn, đã bị xóa dấu, thay vào đó là những khu dân cư, khách sạn, nhà ở, thậm chí biệt phủ… Nhưng cái tâm lý Tết về thắp nhang mộ ông bà là tâm lý chung và thường hằng của người Việt. Bởi đâu phải nén nhang thắp trên mả ngôi to bằng nhà lầu hay mả hoang sè sè nắm đất bên đường là những nắm nhang mà người Việt thắp hàng ngàn năm nay. Đó chỉ là những nắm nhang hiện vật, nhìn thấy được, cái nắm tâm nhang tỏa hương thơm cay trong tâm hồn người Việt hàng ngàn năm nay mới là chuyện để bàn.

Những nắm nhang mang tên đại đoàn tụ gia đình, về để thắp nhang ông bà, về để xớt vạt cỏ trước sân, về để ngồi bên nồi bánh chưng bánh tét nghe cái lạnh cuối đông đang chuyện trò với bếp lửa gia đình, về để ôn lại tuổi ấu thơ trong ngôi nhà cũ, nơi mà có thể bây giờ mọi thứ đã đổi thay, không còn tranh tre vách nứa, không còn cái nghèo thê thiết ghì ôm lấy bữa cơm đạm bạc, không còn dĩa rau khoai luộc, không còn hình ảnh người xưa và không còn cả những gì gần gũi nhất… Nhưng mọi thứ chỉ gắn tại đây, tại nơi này, ngồi trên cái mới người ta chuyện trò với kỉ niệm, chuyện trò với hình hài cái cũ… Chính vì vậy mà người ta về. Bởi chỉ có Tết, thời điểm mà người nông dân dù nghèo cỡ nào, người thương gia dù giàu cỡ nào, người trí thức dù sang trọng hay kiêu mạn cỡ nào thì cũng phải thả lòng mình hòa với đất trời, cúi đầu trước tâm linh tổ tiên và cởi mở lòng mình với con trẻ. Chỉ có Tết con trẻ mới được xúng xính quần áo mới, chỉ có Tết con trẻ mới được ăn kẹo mà không bị la, chỉ có Tết con trẻ mới được lì xì và đón nhận cái giây phút mình “lớn thêm một tuổi”, cái tuổi thiêng liêng ấy, cái giây phút thiêng liêng ấy đi theo cùng năm tháng, đời người.

Và nói rằng Tết Tây cũng có những giây phút ấy. Chính xác, đó là với người Tây, còn với người Á Đông nói chung và người Việt nói riêng, tuổi và đời người được tính theo lịch nông nghiệp, tức một loại lịch gần với lịch mặt trăng, lịch âm. Nghĩa là khi mới hoài thai, đứa trẻ đã cảm nhận, thụ lãnh mọi hạnh phúc và đau khổ từ người mẹ. Người mẹ Á Đông khác với người mẹ phương Tây, người mẹ Á Đông chịu nhiều đau khổ, thiệt thòi và vất vả, cả một đời hi sinh cho con mình bất vụ lợi. Người mẹ Á Đông ký thác niềm tin yêu, hi vọng và mơ ước, kể cả mọi giấc mơ dang dở vào bầu thai. Chính vì vậy, đứa bé Á Đông đã mang một tuổi trong bụng mẹ, hay nói khác đi, đứa bé Việt Nam có một tuổi trước khi ra đời, khi oa oa chào đời, đứa bé đang chuẩn bị nhận tuổi thứ hai. Và cái tuổi 0 của phương Tây, tức tuổi 1 của Á Đông, của người Việt khác nhau hoàn toàn, bởi từ bụng mẹ, đứa bé đã mang mọi khúc xạ số phận con người.

Cái chu kỳ Xuân – Hạ - Thu – Đông đối với người Á Đông là chu kỳ định mệnh, nó gắn với tâm thức nông nghiệp, với mỗi con người. Và nó không thể thay đổi, bởi đặt một giả định rằng bỏ Tết cổ truyền, ăn theo Tết Tây để: Thoát Tàu; Phát triển kinh tế; Tạo ra tác phong công nghiệp; Hiện đại hóa con người; Văn minh hơn… Thì xin thưa, tất cả những luận điểm trên đây là luận điểm cùn, không có cơ sở.

Ở luận điểm thứ nhất; Bỏ Tết truyền thống để thoát Tàu. Nên nhớ, Tết Việt là Tết Việt, Tết Tàu là Tết Tàu, người Việt ăn Tết Việt, thờ ông bà Việt, hướng về quê hương Việt, ăn các món ăn Việt, sinh hoạt theo truyền thống và thói quen Việt, chúc Tết bằng tiếng Việt, hành hương trên xứ Việt. Chưa bao giờ có cuộc hành hương Tết nào trong lịch sử mà người Việt lại hành hương về Tàu, (trừ những người Hoa Minh Hương, Phúc Kiến thì không dám bàn, mà chưa chắc họ đã hành hương Tết về Trung Hoa!). Như vậy, ăn Tết cổ truyền hay không ăn Tết cổ truyền có liên quan gì đến Tàu mà bỏ để thoát?!

Về quan điểm bỏ Tết cổ truyền để phát triển kinh tế thì chẳng hiểu tại sao người ta nghĩ được như vậy. Bởi mọi xung năng kinh tế của Việt Nam đều dồn vào dịp Tết. Đối với kinh tế trong nước, sức mua, sức bán tăng vọt, doanh thu cũng tăng vọt trong dịp này. Đối với ngành du lịch, kinh tế đối ngoại thì Tết là sản phẩm du lịch đốc đáo bậc nhất, nó hàm chứa mọi giá trị vật thể và phi vật thể của dân tộc. Mỗi cái Tết, ngành du lịch thu về một lượng tư bản không lồ. Nếu bỏ Tết, ngành du lịch mất đi một sản phẩm lớn hàng đầu và rồi sẽ phải ngồi nặn óc nghĩ ra những sản phẩm lẻ tẻ như lễ hội, Festival… Đặt giả định các doanh nghiệp Việt sẽ mất đi cơ hội và hợp đồng với đối tác nước ngoài do nghỉ Tết? Đây là cách nói lấy được. Vì thời đại internet, mọi thứ đều giao dịch dựa trên căn bản này, mọi hợp đồng giữa các tập đoàn được chốt thông qua internet, thậm chí, trong thời đại dịch cúm, các hợp đồng ký kết hầu hết qua không gian mạng, thậm chí các diễn đàn khu vực, diễn đàn quân sự giữa các quốc gia đều diễn ra trên không gian mạng. Thì hà cớ gì cứ phải bay tới bay lui? Việc chọn bay tới bay lui, ăn ở, gặp nhau, nhìn cựa, nhìn gà nhau trong kinh tế trước khi ký kết hợp đồng mới là lạc hậu, bất cập!

Nghỉ Tết để tạo ra tác phong công nghiệp? Càng sai! Vì tác phong công nghiệp, người sống trong thời đại công nghiệp có những kỳ nghỉ Vacation dài ngày, cả tháng trời, thậm chí hai, ba tháng trời. Điều này đâu ảnh hưởng gì đến tác phong làm việc? Tác phong công nghiệp không liên quan gì đến việc nghỉ 5 ngày, 10 ngày để sum họp gia đình. Và hơn nữa, nếu người Việt không có quãng thời gian sum họp đầu năm, không có cởi mở lòng mình với đất trời, thì việc làm quần quật, việc kiếm tiền và kiếm tiền cuối cùng để giải quyết việc gì?

Nói bỏ Tết cổ truyền để hiện đại hóa con người, để văn minh hơn? Vậy có nghĩa là văn minh, hiện đại đồng nghĩa với mất gốc? Bởi dù muốn hay không muốn, người Nhật hiện nay cũng đang cố gắng quay về với Tết truyền thống của họ. Sau nhiều thập kỉ ăn theo Tết Tây, chẳng phải cái giá phải trả của dân tộc Nhật là có quá nhiều người trầm cảm, tự tử bởi họ luôn luôn quấn trong công việc, mà không hiểu kiếm nhiều tiền vậy để làm gì, họ không có đời sống riêng của họ…?

Vì bài đã dài, tôi xin hẹn bàn tiếp ở kỳ tới, mở rộng hơn vấn đề hiện đại hay không và vấn đề lịch pháp khi nói về Tết cổ truyền.