You are here

Chuyện nhỏ, tháng 12

Tháng 12, làm nhớ thật nhiều điều, nhớ cả những người đã mất.

Tôi chứng kiến tháng 12 lần lượt đưa hai người mình yêu mến về với trời xanh: Nhạc sĩ Việt Dzũng - một người anh với nhiều kỷ niệm khó quên, và Duy Quang, giọng ca đã dẫn dắt tuổi hoa niên của tôi dạo chơi trong khu vườn thơ mộng, và đến với âm nhạc Phạm Duy từ thuở nhỏ.

Ca sĩ Duy Quang mất 19-12 năm 2012, lúc 62 tuổi. Còn nhạc sĩ Việt Dzũng thì mất 20-12, năm 2013, lúc 55 tuổi. Cả hai chuyến du hành định mệnh đó, đều làm tôi ngẩn ngơ.

Với Duy Quang, là những bài hát đầu tiên gây choáng váng về âm nhạc lẫn người trình bày. Đó là thuở non dại của cuối thập niên 70, của thằng con nít đang thiếu niềm vui, vô tình bấm vào cái máy cassette của bà chị trong nhà. Giọng hát như kẹo mạch nha của Duy Quang làm bài Đốt lá trên sân (Bé Ca 6) của Phạm Duy, lẫn lời bài hát như loại ma túy LSD không gian, có khả năng làm bàng hoàng đến nửa ngày sau.

Nếu bé yêu anh, anh mời đến ở
Dưới mái thô sơ, nơi vườn xanh cỏ
Ngày thì chia nhau sách đọc, mới cũ
Để chiều còn ra tưới vườn, quét lá

Nếu gọi đó là ngôn tình, thì đó là thể loại ngôn tình chân nguyên nhất, bùa ngải nhất trong trí nhớ, đủ sức để mấy chục năm sau, thằng con nít đó nghe thấy những loại ngôn tình đổ về từ thượng nguồn Trung Hoa chỉ là đồ dỏm. Thứ ma túy LSD đó, nó vẫn mang theo, êm dịu trong từng nhịp thở.

Khi nhạc sĩ Phạm Duy về ở Việt Nam, trong căn nhà ở quận 11, tôi đến thăm và hỏi ông rằng, nghe nhạc Việt Nam hiện nay, ông nghĩ rằng tương lai sẽ còn đất cho kiểu âm nhạc luôn cân nhắc từng câu, chữ, ôm nặng những khối tình như vậy không? Ông cười như bỉu môi, nói chắc khó lắm. "Nhạc mới sẽ đi về hướng nghe trên da, chứ không nghe trong tim. Cái gì làm người trẻ rợn da gà, dựng lông tay và điện tử hóa sẽ chiếm lấy họ nhanh nhất. Nhưng nhạc với ca từ đẹp vẫn sẽ sống theo cách của nó".

"Sống", là một từ khó cảm nhận hết được, lúc đó. Khi ông mất đi, ca sĩ Duy Quang mất đi, tôi mở lại các bài hát cũ của những người không còn hiện diện trên thế gian, mới nhận đủ các ý nghĩa của chữ "sống", bao gồm cả việc tôi sẽ "sống" cùng với những điều ấy.

Quét lá trên sân, vun thành đống nhỏ
Bé sẽ cho anh cái quyền nhóm lửa
Mặt trời đã tan, giữa chiều êm gió
Một ngày ra đi với một chiều mơ

Còn với Việt Dzũng, thì là một câu chuyện khác.

Tôi may mắn được liên tục làm việc, lang thang xuyên bang, hội hè cùng nhạc sĩ Việt Dzũng trong một thời gian dài. Cứ ngồi gần anh, trò chuyện suy tư hay tán gẫu, anh luôn là nguồn năng lượng đổ vào người, khiến da thịt cứ ngứa ngáy, cứ muốn làm điều gì đó, vì sợ thời gian nham hiểm sẽ cướp mất cảm hứng của mình.

Việt Dzũng làm việc bằng ba người cộng lại. Có lúc phải bàn việc với anh, thấy anh đang nói chuyện A, nhưng tai thì vẫn nghe tin từ đài Mỹ, dịch trực tiếp để gửi đi, lại thấy nhắn chuyện B gì đó với ai đang có việc với anh. Nhiều khi nhìn anh bần thần : "Sao anh siêu vậy?", Việt Dzũng cười hề hề :"Đời ép anh mày phải siêu!". Quay về phòng thu, mấy tiếng sau lại thấy anh chống nạng đi vào, "Nghe thử bài anh mới viết nha". Lại là một bài nhạc mới, theo yêu cầu của nơi nào đó.

Những ngày trước khi mất, giọng anh khàn đục và mất hơi.  Ghi âm cho anh hát mà cảm thấy buồn buồn, nhưng lại không dám nói. Là một người Công giáo nhưng rất ngang tàng, Việt Dzũng đột nhiên chuyển sang viết và hát nhiều bài về Chúa và con đường đi của đời người sẽ đến, bằng giọng rất ngoan, suy nghĩ cũng đằm thắm hơn.

Anh kể rằng bác sĩ muốn thay một số mạch máu trong tim anh, vì đã hư. Nếu như người thường thì sẽ lấy những mạch máu dưới đùi hay bắp chân đưa lên. Khổ nỗi chân anh lại không đủ khỏe nên không thể tìm được những mạch máu đủ tốt thay thế. Bác sĩ đề nghị thay bằng một số mạch máu lấy từ tim heo. Anh thoái thác, nói để về suy nghĩ đã. Về quán cafe, anh lại cười khùng khục :"Ghê quá, em thử nghĩ tự nhiên mình có trái tim chơi đồ của heo, được không?". Tôi thúc "được", chỉ mong anh đồng ý, chỉ mong anh khỏe với cả đống ý tưởng anh luôn kể với tôi, bao gồm ước mơ một ngày Việt Nam thay đổi, anh sẽ về mở một đài phát thanh tại Saigon.

Trái tim có mạch máu heo? Có gì đâu đáng sợ. Trong đời mình, tôi đã thấy đủ những người sinh ra đã có sẳn trái tim như heo thật sự, kể cả đàn em, bạn bè lẫn quan chức chính quyền. Nhưng với Việt Dzũng, chắc chắn phần heo không thể lấn được phần người của anh.

Ấy vậy mà không kịp. Buổi sáng tháng 12 năm đó, nghe tin anh mất như chuyện đùa. Anh lên cơn đau tim ngay tại bàn làm việc, đưa đến bệnh viện thì đã muộn.

Sau đám tang của anh, tôi quay về Việt Nam, tôi như bị tuột hết năng lượng. Rồi năm sau, nghe tin tên anh được chính quyền địa phương đặt cho một đoạn đường trên đại lộ Beach, là "Việt Dzũng Human Rights Memorial Highway". Anh ngầu thiệt!

Chắc ít người biết câu chuyện tôi vừa kể, về một người đã sống và chết, kiêu hãnh với cuộc đời tự do, và không muốn mang trong mình trái tim thú vật.