You are here

Vì sao phong trào dân chủ Việt Nam mất dần sức sống?

Sau hàng chục năm hình thành và hoạt động, với hàng trăm nhóm nhỏ, hàng chục đảng phái hình thành (không “chính qui”) và hàng chục tổ chức mang tên theo chủ trương hành động phong trào, hàng trăm hoạt động từ kêu gọi bảo vệ môi trường đến chống độc tài, chống bất công… Để rồi, cho đến ngày hôm nay, nếu nói về dân chủ Việt Nam, người ta chỉ còn nhắc đến một biểu tượng khả thể là Trần Huỳnh Duy Thức, một người đang ngồi tù chế độ và chưa biết sức khỏe, trí huệ, sinh mệnh ra sao. Đáng buồn hơn là tôi đã đọc được khá nhiều status và comment của cư dân mạng tỏ ra hả hê khi một nhà đấu rtanh dân chủ ở miệt Tây Nam bộ bị bắt, bị ghép tội 331 Bộ Luật hình sự xã hội chủ nghĩa. Điều này cho thấy gì?

Có thể nói rằng phong trào dân chủ Việt Nam là một phong trào tự nhiên và thành công ngoài mong đợi. Nhưng nó cũng cho thấy rằng các nhà hoạt động, đấu tranh dân chủ tại Việt Nam đã thất bại. Vậy thành công chỗ nào? Thất bại chỗ nào?

Thành công ở chỗ ý thức về dân chủ, hiểu biết và hành sự một cách dân chủ ngày càng lan tỏa trong mọi khía cạnh, thành phần xã hội. Một người nông dân hay anh phu xe vốn dĩ sống trong cam chịu, chấp nhận, dựa vào mồ hôi, cần lao và cả nước mắt để tồn tại qua ngày, chính quyền bảo đứng thì đứng, bảo ngồi thì ngồi, bảo đi thì đi, dừng thì dừng… Bỗng dưng trở nên mạnh mẽ, hiểu được giá trị bản thân và sẵn sàng đấu tranh cho lẽ phải, sẵn sàng đứng lên nói tiếng nói bảo vệ công lý cho bản thân và cộng đồng.

Để có được hành động này, người nông dân hay anh phu xe phải có một quá trình thụ đắc các tri thức và giá trị dân chủ, và để có được sự thụ đắc này, đương nhiên sự lan tỏa của các nhà dân chủ là thiết yếu, nếu không có họ hoạt động, phổ biến và làm mẫu về dân chủ, chắc chắn không có các hiệu ứng nói trên.

Sự thành công của các phong trào dân chủ Việt Nam không chỉ dừng ở khía cạnh người lao động mà ngay cả các trí thức, văn nghệ sĩ trực thuộc nhà nước, thậm chí ngay cả các cán bộ, đảng viên Cộng sản cũng được đánh thức bởi phong trào dân chủ, họ có nếp nghĩ và tư duy cởi mở, hiện đại hơn. Hay nói khác đi là họ bớt rừng rú trong hành xử nhờ vào các giá trị và thước đo dân chủ mà họ tình cờ nhặt được trong lúc truy đuổi các giá trị này.

Và còn một thành công khác, đảng, chính phủ hiện hành bắt buộc phải điều chỉnh các qui định, mặc dù sự điều chỉnh này không đáng kể nhưng rõ ràng là có điều chỉnh nhằm đảm bảo quyền con người và các giá trị tự do không bị bóp nghẹt đến mức như trước. Giả sử trước đây hai mươi năm, bạn ngồi nói chuyện với bạn bè, chê đảng Cộng sản xấu, bảo đảm trong vòng chưa đầy hai giờ đồng hồ sau công an có mặt và tóm bạn lên ủy ban, nhẹ thì đập gãy hết răng, nặng thì mạng sống của bạn bị đe dọa. Sở dĩ có chuyện này bởi không chừng, chính bạn của bạn đi tố cáo bạn, vì họ thấy bạn là kẻ phản động, vì họ không hiểu điều bạn đã nói là nằm trong quyền tự do ngôn luận của cả bạn và họ. Nhưng đó là chuyện của hai mươi năm trước, nếu mười năm trước, thì bạn sẽ bị bắt vì trốn thuế hoặc bắt trong nhà trọ bởi cái bao cao su đã qua sử dụng hoặc bắt vì có người tố cáo bạn ăn cắp gà, buôn ma túy… Hiện tại, mọi chuyện không đến nỗi như trước, vẫn có bắt bớ, nhốt tù nhưng lý do nghe có vẻ sang trọng hơn cho bạn, đó cũng đã là một bước thành công của phong trào dân chủ.

Thế nhưng, bên cạnh sự thành công này lại có một sự thất bại đáng sợ: Khi dân chủ đã len lỏi vào được tâm thức quần chúng, nhân dân, thì chính các nhà dân chủ lại có thể trở thành cái gai trong mắt của người dân đã tỉnh thức bất kì lúc nào. Vì sao lại có chuyện tréo ngoe, mâu thuẫn này?

Ở vấn đề thứ nhất, về phía các nhà hoạt động dân chủ, dường như các bạn luôn tự thấy mình là nhà cấp tiến, các bạn đã tự đặt mình trên nhân dân một vài bậc, và trong một số dự án về dân chủ, các bạn cũng không ngần ngại biến người dân thành công cụ lấy điểm của các bạn với một số tổ chức bên ngoài, thậm chí các bạn không ngần ngại đánh bóng tên tuổi của mình như một ngôi sao. Điều này đương nhiên có thể mang đến thành công cho nhà hoạt động, một số nhà hoạt động trở thành ngôi sao trong mắt nhiều người trước khi họ lòi đuôi và có dấu hiệu trở cờ (ở đây, khái niệm trở cờ nên hiểu rằng họ đã phản lại nhân dân vì các quyền lợi bản thân và dễ thỏa hiệp chứ không phải họ phản lại lý tưởng ban đầu để làm chân rết cho đảng Cộng sản), và ở mức độ nặng hơn, nhiều người trở cờ, lộ rõ chân tướng làm chân rết cho nhà độc tài của họ. Điều này dẫn đến hệ quả hình ảnh các nhà dân chủ có gì đó không đáng tin cậy và không đủ thuyết phục.

Bên cạnh đó, tình trạng nhà dân chủ tự thấy mình như một lãnh tụ tinh thần trong tầm ảnh hưởng của mình và có những phát biểu mang đậm dấu ấn giáo chủ, thậm chí mạ lị các nhà lãnh đạo độc tài một cách không còn gì để bàn, vô hình trung, lời mạ lị này giúp cho nhiều người hả hê, thỏa chí, nhưng tự sâu thẳm bên trong, nó lại hình thành, nhen nhóm một sự tan vỡ hình ảnh, một sự thất vọng…

Rồi thêm chuyện mục tiêu cuối của một số nhà dân chủ là đi Mỹ, việc hoạt động dân chủ là một cách lấy đà và mỗi cái giấy mời, giấy triệu tập của công an như là một tấm vé để bổ sung bộ sưu tập vé tị nạn chính trị ngày càng dày thêm, khi đủ điểm thì vù. Điều này càng rõ hơn khi một số nhà đấu tranh tại Việt Nam rất hăng hái, chịu mọi khổ cực và họ đương nhiên là một biểu tượng về sự hi sinh trong đấu rtanh, thế nhưng khi sang đến Mỹ, những gì họ nói ra đều có tính phản dân chủ, đầy tị hiềm và mang hơi hướm xôi thịt… Điều này gây thất vọng cho cả người Việt trong nước và ngoài nước.

Trong khi các nhà dân chủ như vậy, thì về phía chính quyền Cộng sản, mặc dù họ đang diễn thôi, nhưng mức độ gần dân và lắng nghe nhân dân, không áp đặt nhân dân của họ ngày càng cao. Các nhà dân chủ gân guốc, thậm chí thách thức quyền lực, người dân cũng gân theo, nhưng khi bị bắt, không thiếu người yểu xìu, kêu cứu, cầu cạnh… Các cán bộ địa phương của Cộng sản (diễn) xơ xác, hèn nhát, nhưng khi họ nói ra điều gì, đằng sau câu nói của họ có sự sắc lạnh, đe nẹt và hàm chứa cả sự trừng phạt… Người dân có không muốn nghe cũng phải theo. Và nếu lựa chọn thuần túy của một người dân, đương nhiên là đời sống bình an, yên ổn, làm ăn suông sẻ, dễ thở… Họ sẽ không chọn nhà hoạt động đấu tranh dân chủ mặc dù về mặt tâm lý, họ bị thuyết phục bởi nhà dân chủ hơn… Điểm yếu của hầu hết các nhà dân chủ là không tạo ra được một sức mạnh tinh thần cho những người họ tương tác, và có một số trường hợp, các nhà hoạt động còn làm những người được tương tác đánh mất niềm tin, xem việc từng qua lại với họ như một vết đen, một sự tự gây khó.

Vì sao, vì hình như đa phần các nhà hoạt động dân chủ, tiến bộ đều vấp phải sự phản biện quá đà, lố đà, chê cái xấu, chửi cái xấu thì hay, nhưng cái chưa biết xấu, tốt cũng gân lên chửi, như chuyện chống dịch Covid-19 là một sự thất bại của những người đã cười cợt, chửi… Thậm chí, không phải nhà cầm quyền không có cái hay, nếu không hay, họ sẽ không tồn tại đến bây giờ, đó là sự thật, nhưng hầu như trong mắt nhà hoạt động, bất kì cái gì của nhà nước, nhà cầm quyền đều là sai, dở, không ra gì… Điều này động chạm không thương tiếc đến rất nhiều người và nhanh chóng làm cho mọi thứ trở nên méo mó, khó nhận dạng.

Cho đến lúc này, cuối năm 2020, khi mà một lãnh đạo tối cao Cộng sản sau cơn tai biến, nói năng không bình thường vẫn vững chãi trên ghế quyền lực, khi mà mọi trò chơi đốt lò chỉ chuyển tiền và quyền lực từ túi này sang túi khác, người này sang người khác và mọi cuộc chơi đều được điều khiển bởi cây gậy của người bệnh này mà nhân dân vẫn cảm thấy đó là chuyện thường tình, chẳng có gì để hi vọng mà cũng chẳng còn gì để thất vọng. Thì có vẻ như, các nhà hoạt động dân chủ Việt Nam vẫn chưa có ai chạm ngưỡng cần có để đi đến một cuộc cách mạng làm thay đổi toàn triệt! Và nó cũng cho thấy rằng phong trào dân chủ Việt Nam đang mất dần sức sống, đang chuyển hóa sang một bước mới, thuộc về thế hệ khác!