You are here

Hiệu ứng tình cờ sau cái chết của một nghệ sĩ hài

Năm nay là một năm của nghệ sĩ. Mở màng, Thủy Tiên đã làm thay đổi mọi quan niệm và qui chiếu về tính chất hội, đoàn trực thuộc nhà nước trong cứu trợ, từ thiện (mặc dù trước đây, MC Phan Anh từng làm điều này với số tài khoản qui tụ không nhỏ, nhưng để lật tẩy mọi chiêu trò mang dáng dấp chính quyền địa phương và chấp nhận lời ong tiếng ve như một trạng thái thường tình của xã hội, có lẽ, Thủy Tiên là người tiên phong). Tiếp đến, cái chết của danh hài Chí Tài, thoạt nhìn, cũng như bao cái chết khác, giã từ cõi tạm, về một nơi xa lắc. Nhưng vấn đề đáng nói ở đây là hiệu ứng xã hội ngoài mong đợi và dự đoán của nhà cầm quyền. Người ta thương tiếc anh rộng khắp và ân cần, không cần phải qui định “quốc tang” nhưng hình như anh đã có được một quốc tang đúng nghĩa!

Vì sao trên các trang mạng từ nghệ sĩ đến giới lao động, giới trí thức đều xuất hiện lời ai điếu, phúng điếu, chia buồn và thương tiếc anh?

Lật ngược vấn đề, Chí Tài có phải là một nghệ sĩ lớn, mang danh dự về cho đất nước, dân tộc hoặc làm một việc gì đó to tát, hoặc là một nghệ sĩ nhân dân chẳng hạn? Không, anh là một nghệ sĩ giữa hàng ngàn nghệ sĩ, anh là nghệ sĩ hài, sứ mệnh của một nghệ sĩ hài chưa bao giờ chiếm lĩnh bất kì sân khấu nào với vị trí chính yếu, tâm điểm. Hầu như người nghệ sĩ hài xuất hiện chỉ để làm giãn chương trình, trong lúc ca sĩ giải lao, trong lúc vở kịch lên đến kịch tính hoặc trong lúc chương trình cần một tiếng cười xả căng thẳng… Chỉ đơn giản vậy thôi, người nghệ sĩ hài không có live show riêng. Đặc biệt, với Chí Tài, anh là một nghệ sĩ của khán giả hài, đơn giản vậy, anh không có danh hiệu nghệ sĩ ưu tú hay nghệ sĩ nhân dân mà cũng chẳng phải nghệ sĩ ba phải, cháo cũng thích mà chè cũng ưng.

Điểm đặc biệt của Chí Tài là người Cộng Hòa cũng yêu mến anh, người Cộng sản cũng hâm mộ anh. Không mích lòng ai, cũng không xu phụ thời cuộc, thậm chí, không gây ra bất kì một cơn sóng truyền thông nào để đánh bóng tên tuổi. Nhìn từ xa, cuộc đời anh đi về như chiếc bóng, lúc làm việc, cánh gà sân khấu mở ra, vui buồn đời sống bỏ lại, anh phải tạo ra tiếng cười cho khán giả, cười càng sảng khoái càng tốt, khi cánh gà khép lại, anh cùng chiếc bóng trở về chốn riêng tư. Một cuộc đời không mượn hào quang và hình như cũng không gây hot bằng cách xin danh hiệu này, xây nhà thờ kia… Dường như anh đến và đi trong thế giới sân khấu và cả cuộc đời một cách trong trẻo, đúng nghĩa của một nghệ sĩ. Khi cần diễn đệm đàn thì anh tỏ ra mình là một tay guitar flamenco tầm cỡ, khi cần mua vui, anh đánh classic điệu nghệ mà gây cười. Đây là những kĩ năng không phải nghệ sĩ hài nào cũng có được.

Nhưng, có một điểm lấy làm lạ là cuộc đời lặng lẽ từ sân khấu cho đến đời tư của anh lại kết dính vào tâm hồn khán giả trong một cách thế khác biệt. Anh hiện hữu, tồn tại như một lẽ đương nhiên, đã là nghệ sĩ thì phải biểu diễn mới có cái ăn, con tằm thì phải nhả tơ, mà đói no gì cũng phải biểu diễn, phải nhả tơ cho hết kiếp tằm. Sự hiện hữu đương nhiên và đôi khi mờ nhạt giữa đời sống của anh bỗng dưng trở nên bất thường khi anh chết đi, dường như cái chết của anh – một nghệ sĩ không thuộc hạng “ông hoàng” hay “Diva” gì đã để lại khoảng trống khó hiểu trong lòng khán giả! Vì sao?

Trên góc độ xã hội học, hiệu ứng phái sinh từ cái chết rất đỗi thường tình của danh hài Chí Tài vô hình trung cho thấy có một hiện tượng xã hội đang xảy ra trong thế giới showbiz và xã hội Việt Nam hiện nay. Chí ít nó cũng phản ánh được hai vấn đề: Người ta tin nghệ sĩ hơn nhà lãnh đạo và; Nhà lãnh đạo cố gắng diễn nghiêm túc chừng nào thì tính khôi hài càng cao chừng đó và ngược lại, người nghệ sĩ sống nghiêm túc với vai diễn hài của họ đã chạm đến lương tri nghiêm túc của con người. Ở đây, nếu như việc kêu gọi cứu trợ của Thủy Tiên khiến người ta xác quyết về niềm tin khi gửi gắm tấm lòng từ thiện của mình cho ai và nó khiến người ta thêm phần xác tín về việc không nên/không thể tin các hội đoàn trực thuộc nhà nước, những đơn vị được xem là những ao cá tra mà ở đó, mọi thứ lương thực, thực phẩm đi qua đều để lại những tăm hơi… Thì việc xã hội thương tiếc, chia buồn, ai điếu một nghệ sĩ hài vốn không tham gia hội đoàn, không cừu thù, không a dua theo thời thế như Chí Tài cho thấy rằng xã hội vẫn còn một khoảng lặng mà ở đó, lương tri, lòng tự trọng và trái tim trong sáng có chỗ đứng, chỗ tỏa sáng của nó.

Không phải tự dưng mà khi thi sĩ Bùi Giáng qua đời, báo chí nhà nước chẳng mấy trang nhắc đến, trang nào nhắc đến cũng chẳng mấy dòng cho ra hồn nhưng người quan tâm thi ca, độc giả vẫn âm thầm tưởng niệm ông, để tang ông theo cách thế của một người hâm mộ, một độc giả yêu thơ, yêu tri thức. Và cũng không dưng mà cái chết của nghệ sĩ Chí Tài khiến cho cộng đồng mạng nói riêng và người dân, đặc biệt là người dân lao động, trí thức, nghệ sĩ, trong đó có cả những người của chế độ Việt Nam Cộng Hòa và người Cộng sản đều thấy tiếc thương anh.

Có thể nói rằng đây là tín hiệu đáng mừng, đáng hi vọng của người Việt. Bởi sau rất nhiều khuất tất, bất công, mệt mỏi và mất mát, người ta vẫn giữ riêng cho mình một góc khuất tâm hồn mà ở đó, không có sự thù hận hay thành kiến, đơn giản, nó dành cho tình yêu thương và cả sự tri ân cho những gì bình thường, giản dị, không mang dấu vết toan tính, xu thời hay cơ hội. Có lẽ, đó là thứ hiệu ứng mà nhà cầm quyền độc tài rất sợ, bởi nó chứng minh rằng mọi động tác tuyên truyền và nhồi nhét ở mọi ngóc ngách đời sống của họ dành cho nhân dân dường như đang phá sản, và sự phá sản này ngày càng rõ nét!