You are here

Trường cũ người xưa ai có hay?!

Báo Nhân Dân ra ngày 14 tháng Mười Một năm 2020 có bài [1] "Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Trường Nguyễn Gia Thiều" tường thuật việc ông Trọng về thăm trường cũ nhân dịp ngôi trường này kỷ niệm 70 năm ngày thành lập và nhận huân chương Độc Lập Hạng Ba do ông Vương Đình Huệ - Bí thư Hà Nội trao tặng.
 
Hình thức và tiêu chuẩn để được nhận huân chương Độc Lập và các loại danh hiệu khác được quy định rõ trong Luật Thi Đua, Khen Thưởng do Quốc hội nước CHXHCNVN ban hành [2] và được sửa đổi, bổ sung [3] vào năm 2013.
 
Huân chương Độc Lập hạng ba (có 1 ngôi sao); hạng nhì (có 2 ngôi sao); hạng nhất (có ba ngôi sao). Hình thức này cho thấy cách trình bày trái khoáy giữa ngôi sao và thứ hạng, vì dễ gây lầm lẫn cho người dân khi thoạt nhìn vào. Chỉ với ba thứ hạng, lẽ ra nên thay kiểu ngôi sao bằng Vàng (hạng nhất), Bạc (hạng nhì), Đồng (hạng ba) sẽ khoa học và hợp lý so với cách giữ hình thức cũ, vốn tồn tại hàng chục năm qua, cùng rất nhiều luật lệ tạo ra sự nghịch lý và gây xung đột dữ dội trong xã hội.
 
Trong buổi tiếp nhận huân chương Độc Lập Hạng Ba, ông Nguyễn Phú Trọng tới dự với tư cách học trò lớp 10B của ngôi trường cũ.
 
Ông Trọng phát biểu cảm nghĩ trong buổi lễ và đọc bốn câu gọi là  "thơ", được trích "nguyên thơ" từ báo Nhân Dân như sau:
 
Tôi vui tôi sướng biết bao nhiêu
Tôi học 10B - Nguyễn Gia Thiều
Nay đã trở nên "người anh cả"
Cuộc đời vui bay bổng cánh diều!
 
Cái gọi là "thơ" gây ồn ào, xôn xao "cõi mạng", lấn át tất cả những đề tài nóng bỏng nhất hiện nay.
 
Thiên hạ men theo đó, đặt ra đủ loại "thơ" xung quanh "bốn câu thơ" nói trên để trào phúng; để cười cợt theo đủ cách mà tự mỗi người có thể nghĩ ra.
 
Những sai lầm của ông Nguyễn Phú Trọng khi làm thơ:
 
- Không được phép dùng "10B" như thượng dẫn. Đó là sai lầm căn bản nhất của một học trò đã học tới lớp Mười. Điều này lại càng đáng trách, bởi ông Trọng học trọn vẹn hệ 10 năm vào lúc bấy giờ.
 
- Thoạt nhìn "bài thơ" có vẻ nó là thơ Tứ Tuyệt nhưng khi so sánh với niêm luật làm loại thơ này, ông Trọng không cho thấy căn bản tối thiểu hiểu nó, dù ông ta được biết là học trò giỏi văn và tốt nghiệp Cử nhân Văn chương tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội hơn 50 năm về trước.
 
- Vốn từ quá nghèo nàn với chữ "tôi" được lặp đi lặp lại rất ngây ngô, tựa như một cậu thiếu niên "mười bảy bẻ gãy sừng trâu" trong lúc bốc đồng mà tự trào phúng bản thân, hơn là một Cử nhân Văn chương - Giáo sư Tiến sĩ ngành Xây Dựng Đảng - Tổng bí thư ĐCSVN - Chủ tịch nước CHXHCNVN với tuổi đời ngấp nghé... bát tuần!
 
- Nội dung "bài thơ" lại càng tỏ rõ chân tướng của ông Nguyễn Phú trọng với sự mồn một về tính ích kỷ, tự tô hồng, tự khoe khoang và phạm vào điều cấm kỵ quan trọng nhất của ĐCSVN và chính bản thân ông ta luôn phê phán - tệ nạn "sùng bái cá nhân".
 
Quả đáng thất vọng cho một chính đảng - ĐCSVN - khi ông Trọng, trong tư cách đứng đầu tổ chức độc tôn - hùng hồn và phấn khởi vừa đọc vừa... nhìn vào trang giấy (!). Thật đáng buồn thương cho toàn thể đảng viên ĐCSVN, khi phải lắng nghe những con chữ ghép lại cho... "có vần có điệu" từ miệng của Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước CHXHCNVN!
 
Tổ quốc thê lương hận bạc đầu
Canh tàn áo não nỗi thương đau
Đêm dài huyết lệ bi ai phận
Hữu khắc lâm chung cố biệt sầu?!
_________________________