You are here

Cứu trợ thiên tai: Lời giải nào cho bài toán khó?

Ảnh của nguyenhuuvinh

Trái nghề?

Câu chuyện các nghệ sĩ và nhiều cá nhân, tổ chức tôn giáo xông vào cuộc cứu trợ người dân Miền Trung trong cơn “đại hồng thủy” được gọi là lũ lịch sử tại đây đã gây nên nhiều điều bàn tán trên mạng xã hội và trong dư luận, mọi nẻo đường quê, quán cóc thành phố cho đến khắp năm châu.

Câu hỏi đặt ra là: Tại sao, một trận bão lụt hàng trăm người chết, hàng trăm ngàn gia đình đã ngập chìm trong biển nước dọc theo một dải đất Miền Trung với hàng triệu người bị ảnh hưởng, nhà cửa tan nát, tài sản trôi theo dòng nước lũ, bao nhiêu người đã động lòng trắc ẩn lao vào cứu giúp người dân, mà một “Nhà nước của dân, do dân, vì dân” đã lề mề chậm chạp và không mấy năng nổ, kịp thời giúp đỡ dân mình.

Một vấn đề không phải là chuyện nhỏ, đó là việc kêu gọi cứu trợ cho người dân Miền Trung được phát ra từ Trung ương Mặt trận Tổ Quốc, Hội chữ thập đỏ, là các cơ quan có trách nhiệm xã hội trong vấn đề này, đã hết sức chậm chạp và không hiệu quả? Cho đến ngày 17/10/2020, nghĩa là 12 ngày sau khi trận lũ lụt xẩy ra ở Miền Trung, người dân đã chìm trong đói rét, đang vắt vẻo trên nóc nhà, trên bờ tường, ngọn cây chờ cứu trợ nhưng họ đã biệt tăm.

Và người ta đặt câu hỏi: Liệu có nên tồn tại các tổ chức tiêu phá hàng đống tiền dân hàng năm như Mặt Trận, Hội chữ thập đỏ, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Thanh Niên… và biết bao nhiêu hội đang ăn ngân sách nhà nước? Bởi khi người dân trong nguy khốn, hoạn nạn mà họ không có mặt, trong khi luôn tự xưng là “để phục vụ nhân dân” thì họ đang phục vụ ai?

Hiện nay, vẫn còn đó cái Nghị định 64/2008 của Chính phủ, được sử dụng như luật lệ hiện tại cho vấn đề này trong xã hội. Ở đó quy định rằng:

Điều 4. Tổ chức kêu gọi, vận động đóp góp tiền, hàng cứu trợ

1. Khi thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng xảy ra gây thiệt hại lớn về người, tài sản và phương tiện sản xuất của nhân dân thì tùy theo mức độ, phạm vi thiệt hại, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện tổ chức kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp tiền, hàng cứu trợ nhân dân và các địa phương bị thiệt hại.

2. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ra lời kêu gọi ủng hộ theo hệ thống Chữ thập đỏ trong nước và ngoài nước.

Điều 5: Các tổ chức, đơn vị được tiếp nhận và phân phố tiền, hàng cứu trợ

1. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội chữ thập đỏ Việt Nam; cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương, địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương.

2. Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện quy định tại Nghị định số 148/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2007 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện.

3. Các tổ chức, đơn vị ở Trung ương được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép.

Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.

Như vậy, theo quy định của Nghị định này, thì những việc đó, các tổ chức trên phải chịu trách nhiệm tổ chức, cứu trợ và giúp đỡ người dân kịp thời. Nhưng họ đã không làm hoặc chậm chạp chuyển động.

Những việc đó, hẳn nhiên cũng không được giao cho các nghệ sĩ, những người nổi tiếng hoặc các tổ chức tôn giáo như Nhà thờ, hoặc người dân tự phát giúp nhau.

Nhưng, thực tế đã diễn ra ngược lại.

Những ngày qua, công tác cứu hộ đã diễn ra tên toàn quốc từ miền Nam ra Miền Bắc, từ miền núi đến miền xuôi, từ những vùng không bị lũ lụt đến vùng bị lũ lụt nhẹ hơn… tất cả đều ra tay cứu giúp những nạn nhân lũ lụt ở Miền Trung.

Oái oăm thay, khi Trung ương Mặt Trận Tổ Quốc ra lời kêu gọi, thì lại không mấy ai hứng thú hưởng ứng, ngoài mấy ông quan chức cầm mấy cái phong bì bỏ vào thùng để làm mồi. Và Trung ương Mặt trận, Hội Chữ thập đỏ, các cơ quan công quyền đã phải thất thu và thất thủ trước phong trào đùm bọc lẫn nhau của người dân và qua đó, họ nhận rõ vấn đề để biết mình cần hành động như thế nào thì tốt nhất.

 Họ thất thủ, vì cái Nghị định kia vẫn còn, và theo ông Thủ tướng chính phủ, thì nó vẫn nguyên giá trị và “không bị lạc hậu”. Thế nhưng, khi cả nước xuống đường cứu trợ, họ không thể ngăn chặn dòng người đã xuống đường vì tình thương yêu đồng bào, đồng loại. Một vài việc ngăn chặn, gây khó khăn, không tạo điều kiện cho người dân cứ giúp nhau không làm nản lòng những người có tinh thần tương ái, tương thân lãn nhau trong hoạn nạn.

Họ thất thu, bởi dù đã kêu gọi, dù đã bám vào cái Nghị định 64/2008 kia để đe dọa người dân, Tuyên giáo khuyên người dân không góp tiền cho những người mà họ gọi là”Đánh bóng tên tuổi cá nhân” và “các tổ chức bất minh”, thậm chí ban hành công văn “hỏa tốc” yêu cầu nộp tiền bạc, hàng hóa cứu trợ vào cơ quan chính quyền…

Nhưng, họ đã thất bại trong việc cưỡng ép tình yêu thương của người dân.

Bởi người dân không thể phung phí tình thương của mình để đặt vào tay các tổ chức như Mặt Trận, Hội chữ thập đỏ là cánh tay nối dài của đảng và các cơ quan công quyền.

Bởi người dân không thể yêu thương các cơ quan này bằng cô ca sĩ, bằng chàng MC hoặc các tổ chức tôn giáo, không vì họ nổi tiếng mà chỉ bởi lòng tin vào sự vô tư và minh bạch với những đóng góp, những đồng tiền máu xương của họ.

Bởi người dân đã hết lòng tin vào những tổ chức do nhà nước đặt ra, họ đã nếm đủ những sự khuất tất, những sự khinh bỉ và căm phẫn qua một quá trình mấy chục năm chỉ được đặt niềm tin, hoặc dù không còn niềm tin, thì vẫn phải đặt tiền của của mình vào những tổ chức đó.

Họ sẽ thấy thất bại lớn hơn, đó là dù nhà nước quy định như vậy, thì người dân vẫn cứ bất chấp, vẫn cứ làm những việc mà xã hội cần, lương tâm mỗi người đòi hỏi. Qua đó, cái gọi là luật lệ thông qua cái Nghị định 64/2008 chỉ là thứ vứt bỏ.

Và chính vì thế, tất cả đều đã làm trái nghề nghiệp của mình. Các Tổ chức, cơ quan nhà nước đặt ra để lo những việc cho dân, thì nay lại đi lo những việc cho đảng. Còn những cá nhân, tổ chức sinh ra để lo những công việc riêng của mình, lại phải đi lo cho dân trong thảm họa, thiên tai.

Thậm chí, khi nhà nước ra tay bằng những tổ chức được gọi là “chủ lực”, là sức mạnh của hệ thống chính trị cộng sản như quân đội, công an, thì ngay lập tức đã thất bại từ đầu bằng việc với 35 quân nhân từ cấp tướng, cấp tá cho đến quân lính đã bỏ mạng ngay khi chưa làm được một việc gì trong việc cứu nạn.

Xã hội dân sự ra tay

Có thể nói, những ngày qua, là hình ảnh sống động nhất cho một xã hội dân sự đã hoạt động một cách hiệu quả nhất, thiết thực và kịp thời nhất trong xã hội Việt Nam.

Những cá nhân theo từng nhóm, những Nhà thờ, các tổ chức dân sự được huy động kịp thời và rất có hiệu quả trong việc cứu trợ, cứu nạn cho người dân khi nguy cấp đã cho thấy sự hơn hẳn của cả bộ máy lề mề và khệnh khạng của nhà nước.

Nhiều nhóm, cá nhân đã kịp thời băng vượt mọi sự khó khăn, nhằm cứu giúp những người dân bị đe dọa giữa thiên tai, bất kể đêm, ngày và sự nguy hiểm. Họ có nhiều cách làm, nhiều hành động phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của mình, cũng như nhu cầu của các nạn nhân ở khu vực thiên tai.

Thay vì những thùng mì tôm, cháo khô như mọi năm, lần này, nhiều nơi đã có những cách làm sáng tạo hơn như cùng nhau gói bánh, làm thực phẩm, mua máy móc thuyền bè, ca nô và máy lọc nước cho bà con vùng lũ…

Thay vì tổ chức họp hành nhiêu khê, kế hoạch dài dòng và văn tự trau chuốt, họ kêu gọi nhau trên mạng xã hội, bằng điện thoại di động và cùng hành động vì niềm tin, vì tấm lòng trắc ẩn, bằng sự lương thiện của mình.

Và điều họ làm được nhưng các cơ quan công quyền không thể làm được, đó là họ tự minh bạch mọi hoạt động của mình không cần đòi hỏi. Những khoản thu, chi được công bố rõ ràng và những nhà tài trợ, người hảo tâm đều thấy rõ những đóng góp của minh đã làm nên điều gì. Mọi hoạt động của họ, đều chấp nhận sự giám sát, kiểm tra và đóng góp ý kiến của mọi người.

Điều này, hẳn nhiên là các cơ quan, tổ chức nhà nước không bao giờ có thể làm được. Bởi nếu công khai, minh bạch như vậy, thì sẽ có rất nhiều điều bất lợi cho các tổ chức, cá nhân đó khi mọi sự được bạch hóa. Và nếu chấp nhận những ý kiến đóng góp của mọi người, thì làm gì còn “sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng”?

Điều cần nói, đó là việc mà nhà nước không thể làm, thì xã hội dân sự đã giải quyết vấn đề không mấy khó khăn.

Và hẳn nhiên, điều ai cũng thấy rõ, là nếu tình trạng đó càng ngày càng phát triển lâu dài, thì sẽ đặt nhà nước “Của dân, do dân, vì dân” vào thế hết sức oái oăm và bị động. Họ sẽ trở thành lực cản lớn nhất và đi ngược lại những quyền lợi chính đáng của người dân trước dư luận xã hội và con mắt mọi người.

Lời giải nào cho bài toán khó

Theo định nghĩa thông thường, thì Xã hội dân sự (XHDS) cấu thành từ tổng thể của các tổ chức xã hội và dân sự tự nguyện mà các tổ chức này tạo nên cơ sở của một xã hội tự vận hành, khác với các cấu trúc quyền lực của một nhà nước và các thể chế thương mại của thị trường.

XHDS bao gồm không gian gia đình và lĩnh vực tư nhân, được gọi là "khu vực thứ ba" của xã hội, phân biệt với chính phủ và kinh doanh. Đôi khi thuật ngữ XHDS được sử dụng theo nghĩa tổng quát hơn, là "các yếu tố như tự do ngôn luận, tư pháp độc lập,..., tạo nên một xã hội dân chủ" (Theo Từ điển tiếng Anh Collins).

Hoạt động tình nguyện và sự độc lập từ các cơ quan sử dụng quyền lực nhà nước thường được xem là 2 đặc tính của các tổ chức cấu thành XHDS.

Trên thế giới, các tổ chức XHDS được hình thành và tự do phát triển, đã đóng góp lớn lao cho xã hội trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là khi đất nước, khu vực, cộng đồng bị thiên tai, địch họa… thì các tổ chức XHDS đã phát huy vai trò của mình nhiều khi giải quyết được cơ bản những vấn đề đặt ra mà không mấy khi nhà nước phải can thiệp quá nhiều.

Thế nhưng, tại Việt Nam, XHDS được xếp vào lĩnh vực kiêng kỵ. Bởi chế độ độc tài không bao giờ muốn có bất cứ tổ chức, cá nhân nào thoát ra ngoài sự cai trị của đảng cộng sản luôn được tụng niệm là “lãnh đạo tuyệt đối” mọi lĩnh vực đời sống xã hội.

Và đó là nút thắt của vấn đề. Từ ngày ĐCSVN cướp được chính quyền và nắm chắc quyền lực trong tay, XHDS thực chất đã bị triệt tiêu trong đời sống xã hội. Các tổ chức, các nhóm XHDS hình thành và hoạt động, đều được đặt trong mục tiêu cảnh giác của nhà cầm quyền.

Các tổ chức XHDS đã bị nhà nước tìm mọi cách o ép, tiêu diệt để dựng nên các tổ chức XHDS giả hiệu và lại nuôi bằng tiền của ngân sách, của nhân dân.

Và hậu quả của nó là hôm nay, nhà nước mắc kẹt giữa một thực tế đòi hỏi do đời sống người dân, do đời sống xã hội và bên kia là nắm chắc “sự lãnh đạo tuyệt đối” nhằm giữ chắc cái ghế cai trị trong sự sợ hãi của riêng mình.

Chính vì vậy, khuôn mặt nhà nước và thể chế chính trị đã dần dần lộ rõ trước mắt người dân rằng đó là sự bất nhân, sự ù lì và bảo thủ đến tận cùng, chỉ chăm lo đến lợi ích của riêng đảng phái cộng sản. Điều đó, chỉ làm cho lòng dân thêm uất hận, chút niềm tin còn lại nhanh chóng bị bóc gỡ.

Và khi để mâu thuẫn này tăng cao, dẫn đến bùng nổ, thì hẳn nhiên, người dân sẽ tự chọn lựa cho mình một con đường sống tốt hơn sự cai trị độc tài nhơ bẩn.

Và điều rất đơn giản để giải quyết bài toán khó này, đó là nhà nước cộng sản cần tự vượt qua nỗi sợ hãi của riêng mình, để hòa nhập vào dòng chảy thế giới. Qua đó, để cho các tổ chức xã hội dân sự được tự do phát triển và phát huy khả năng của mình trong xã hội.

Chỉ có như vậy, những vấn đề hiện đang nan giải sẽ dễ dàng nhanh chóng được xã hội giải quyết mà không đưa nhà nước vào thế bí như hiện nay.

Ngày 24/10/2020

J.B Nguyễn Hữu Vinh