You are here

Khi xã hội lên tiếng về cứu trợ nhân đạo

Ảnh của nguyenvubinh

     Đối với các nước cộng sản, xã hội chủ nghĩa nói chung và Việt Nam nói riêng, tất cả mọi việc ở tất cả các lĩnh vực và địa phương đều phải có sự tham gia, quản lý của nhà cầm quyền các cấp. Việc cứu trợ nhân đạo, từ thiện nói chung và cứu trợ thiên tai, lũ lụt nói riêng cũng không nằm ngoài sự quản lý của nhà nước. Đã có nhiều người lên tiếng, chia sẻ những khó khăn, cản trở từ phía nhà cầm quyền khi đi thực hiện việc làm từ thiện, hoặc cứu trợ nhân đạo. Đó là việc nhà cầm quyền các địa phương đòi hỏi phải đưa hàng cứu trợ cho địa phương, đại diện là mặt trận tổ quốc, hội chữ thập đỏ của địa phương để họ toàn quyền, tùy ý phát cho người dân. Nhẹ nhàng hơn một chút, cần phải đăng ký với địa phương để địa phương tổ chức người dân nhận quà cứu trợ, từ thiện. Khi không làm được hai việc đó, họ ngăn cản không cho đoàn cứu trợ tiếp cận người dân, không ngăn cản được thì họ tổ chức thu tiền với giá cao để cho thuê thuyền, ghe như đang xảy ra ở Quảng Bình, Quảng Trị hiện đang bị lũ lụt hành hoành. Điều đau lòng nhất là người dân vùng lũ đang đói khát khổ sở chờ cứu trợ từng giờ mà các cấp lãnh đạo thản nhiên để cho cấp dưới ngăn cản và làm tiền các đoàn cứu trợ, nhiều đoàn đã phải đổ, vứt hàng cứu trợ và ra về. Không thực hiện được việc cứu giúp đồng bào của mình trong cơn hoạn nạn.

     Cơ sở cho những can thiệp của nhà cầm quyền vào việc cứu trợ nhân đạo giữa người dân với nhau là nghị định 64 năm 2008 "Nghị định Về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo" của Chính phủ; căn cứ vào việc Nghị định này, chỉ cho phép một số tổ chức nhất định, được phép kêu gọi ủng hộ giúp khắc phục thiên tai. Các luật sư đã phân tích ý nghĩa của việc cứu trợ nhân đạo, xác định quan hệ pháp luật của hành động cứu trợ. Đó là việc cho, tặng tài sản giữa các cá nhân. Việc cho, tặng tài sản hoàn toàn không vi phạm bất cứ một điều luật hiện hành nào. Ý nghĩa đạo đức là giúp đỡ người dân trong cơn hoạn nạn. Còn nghị định 64 là nghị định của chính phủ, đó là văn bản dưới luật. Chỉ có văn bản luật pháp do Quốc hội ban hành mới được phép cấm, như vậy sử dụng nghị định 64 cấm việc cứu trợ  của người dân là hoàn toàn không đúng pháp luật.

     Nguyên nhân sâu xa của việc ban hành nghị định 64 và sử dụng nghị định này trong việc ngăn cản người dân cứu trợ nhân đạo, cứu trợ thiên tai, lũ lụt đó là việc nhà cầm quyền cộng sản không muốn và không cho người dân giúp đỡ lẫn nhau. Điều này lại xuất phát từ việc các chế độ cộng sản không cho phép người dân yêu thương nhau. Đó là một chiến lược, một thủ thuật cai trị và một nguyên tắc của các chế độ cộng sản. Người dân yêu thương nhau sẽ dẫn tới việc liên kết, hỗ trợ và lên tiếng cho nhau dẫn tới sự phản kháng của người dân. Ngoài nguyên nhân sâu xa nhưng ít người biết này, nhà cầm quyền còn muốn độc quyền sử dụng các nguồn cứu trợ trong và ngoài nước để thêm vào nguồn lực duy trì chế độ. Việc độc quyền sử dụng các nguồn cứu trợ tất nhiên cũng sẽ dẫn tới việc việc ăn chặn, tham nhũng đối với các quan chức và cán bộ. Cuối cùng là gia đình cán bộ cũng sẽ hưởng lợi ít nhiều trong những nguồn cứu trợ trực tiếp được nhà cầm quyền các cấp thực hiện. Người dân đen thấp cổ bé họng chỉ còn lại những mảnh vụn của nguồn cứu trợ mà thôi.

     Trước đây, khi mà người dân còn chưa biết, chưa hiểu được luật pháp hay các luật sư chưa quan tâm vào cuộc để phân tích pháp luật cũng như khi nhà cầm quyền sử dụng bộ máy của mình để ngăn cản, cản trở và cấm đoán người dân thì tất cả đều phải chịu đựng sự sắp đặt và thao túng của nhà cầm quyền trong việc cứu trợ nhân đạo. Nhưng hiện nay, mạng xã hội rộng mở, nhận thức của người dân được nâng cao, những trí thức, luật sư và nhiều người đã lên tiếng thì việc sử dụng nghị định 64 hay việc dùng bộ máy cầm quyền ngăn cản việc cứu trợ nhân đạo bị lên án mạnh mẽ, kịch liệt. Nếu như nhà cầm quyền còn cố tình bỏ ngoài tai những góp ý, phản biện của xã hội trong việc ngăn trở cứu trợ nhân đạo, họ sẽ bị toàn thể nhân dân lên án, nhất là những người dân đang quằn quại trong vùng tâm lũ, rốn lũ ở các tỉnh miền Trung hiện nay. Hi vọng với áp lực của dư luận nhân dân và mạng xã hội, nhà cầm quyền sẽ không còn ngăn trở các đoàn cứu trợ đang khẩn cấp ngày đêm tới miền Trung thực hiện cứu trợ giúp đỡ đồng bào./.

Hà Nội, ngày 23/10/2020

N.V.B