You are here

Bộ chính trị 'lừa' dân khi chọn Bí thư không là người địa phương?

Ảnh của nguyenvandai

Nhiều ý kiến đánh giá cho rằng, việc thực hiện bầu chọn bí thư cấp uỷ không là người địa phương có những ưu điểm như tránh được tình trạng nể nang, thân quen, quan hệ họ hàng, gia tộc, bè phái. Đây cũng là một trong những biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa “chạy chức, chạy quyền”.


Vậy thực sự có phải như vậy không hay đây là cách của Bộ chính trị ĐCSVN che mắt, lừa dối Nhân dân. Tôi sẽ phân tích rõ bản chất của vấn đề sau khi nêu lên quan điểm của một số quan chức CSVN về vấn đề này.

Trước tiên việc này xuất phát từ đâu?

Nghị quyết 26 số -NQ/TW ngày 19.5.2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng CS khoá XII về việc đẩy mạnh thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp uỷ cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương.

Hiện nay, các địa phương đang tiến hành Đại hội Đảng cấp tỉnh tiến tới Đại hội XIII của đảng CSVN.

Vừa qua, theo theo số liệu từ Ban Tổ chức Trung ương, Đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở (đảng bộ cấp huyện và tương đương) nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra từ tháng 5.2020 đến hết tháng 8.2020. Qua số liệu tổng hợp cho thấy, tổng số Bí thư cấp uỷ bầu được là 1.141 người. Trong đó có 456 bí thư không phải người địa phương (chiếm 40%).

Tổng số Bí thư Tỉnh ủy bầu được là 48 người. Có 22 bí thư không là người địa phương (45,83%). Có 2 đảng bộ (TP.HCM, Điện Biên) thực hiện việc phân công, chỉ định của Bộ Chính trị về nhân sự tham gia Ban Chấp hành, Ban Thưởng vụ và giới thiệu để bầu bí thư tại phiên họp thứ nhất của Ban Chấp hành đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025. Kết quả, 2 Bí thư mới đều trúng cử với tỷ lệ phiếu 100%. 

Đây là quan điểm của các quan chức cộng sản VN về vấn đề này:

Ông Cựu Đại biểu QH Lê Như Tiến cho rằng: việc bố trí cán bộ chủ chốt không là người địa phương sẽ giúp họ tránh được những chi phối trong bối quan hệ với họ hàng, làng xóm, dòng tộc. Đồng thời, việc này cũng góp phần từng bước hạn chế trong công tác chỉ đạo, điều hành, tránh được tình trạng nể nang, bè phái, cục bộ.

Khi là người nơi khác tới nhận nhiệm vụ tại địa phương này thì buộc họ phải làm việc một cách hết sức khách quan, công tâm, và phải là người có đủ năng lực, phẩm chất, phải là người giỏi mới được tập thể, được cấp dưới và nhân dân tín nhiệm. Việc luân chuyển này cũng nhằm đào tạo, rèn luyện, tạo điều kiện để nhiều cán bộ trưởng thành, đồng thời hướng đến mục tiêu chiến lược bồi dưỡng cán bộ trong quy hoạch, nâng cao chất lượng cán bộ đồng đều giữa các địa phương, ngăn ngừa lạm dụng chức quyền, mưu lợi cá nhân.

Là một trong những địa phương thực hiện Bí thư cấp huyện không là người địa phương với tỉ lệ cao, ông Bùi Văn Cường - Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk cho biết, việc thực hiện bí thư cấp huyện không phải là người địa phương có những ưu điểm như không bị dòng họ thân quen sẽ tránh được việc xử lý công việc không đảm bảo đúng quy định.

“Đồng thời, nếu bí thư không phải là người địa phương, muốn tồn tại, phát triển được thì anh phải là người giỏi. Nếu không giỏi, nói sai, làm không đúng thì sẽ có ý kiến ngay”.

Trao đổi với PV Lao Động, ông Vũ Trọng Kim (ĐBQH Đoàn Hải Dương) cho hay, Việc thực hiện bí thư cấp uỷ không là người địa phương có những ưu điểm như tránh được tình trạng nể nang, thân quen, quan hệ họ hàng, gia tộc.

“Có những vấn đề mà dư luận lo ngại như tình trạng người đứng đầu bị ảnh hưởng bởi người thân, người quen dẫn tới những quyết sách không đúng, hoặc tình trạng lợi ích nhóm, bè cánh, tiêu cực, không trong sáng… thì việc xem xét, bố trí Bí thư không là người địa phương sẽ hạn chế được phần lớn điều này” - ông Kim nói và cho rằng việc này cũng góp phần quan trọng vào việc ngăn chặn, phòng ngừa tiêu cực.

Vậy thực tiễn diễn ra như thế nào?

Trước hết về mặt bản chất của quan chức CSVN là bè cánh, nhóm lợi ích và tham nhũng. Vậy nên cho dù là người địa phương khác về làm người Bí thư, đứng đầu cấp ủy, thì ngay sau khi kết thúc đại hội, các nhóm lợi ích, các phe nhóm sẽ lập tức tiếp cận với Bí thư mới để tạo ê kíp, phe nhóm.

Bí thư mới muốn làm được công việc thì bắt buộc phải chọn một ê kíp hay phe phái tại địa phương phù hợp với quyền và lợi ích của mình.

Vì không phải người địa phương, cho nên Bí thư cần nhiều thời gian hơn để tìm hiểu. Nhưng cũng chỉ mất một vài tuần lễ mà thôi.

Do vậy cho dù có điều người từ Bắc và Nam hay từ Nam ra Bắc, từ đồng bằng lên miền núi và ngược lại thì không bao giờ tránh được việc bè phái, nhóm lợi ích trong chế độ cộng sản.

Và khi Bí thư và các quan chức địa phương đã thông đồng, cấu kết với nhau thì đâu cần năng lực, họ vẫn phiếu bầu vẫn 100% mà đâu có căn cứ vào trình độ, tài năng,….

Thứ hai là các Bí thư cấp huyện thì thường xuyên cùng đi họp đảng bộ tỉnh, Bí thư cấp tỉnh thì thường xuyên đi họp Ban chấp hành TƯ, hay Quốc hội. Do vậy Bí thư các cấp đều có quen biết và quan hệ mật thiết với nhau. Các Bí thư nhờ người đồng cấp ở địa phương mình bảo kê cho các doanh nghiệp thân hữu tại địa phương rất dễ dàng. Vì cả hai bên cùng có lợi. Và các Bí thư ở các địa phương nhờ chéo lẫn nhau sẽ che mắt được báo chí và quần chúng Nhân dân.

Thứ ba là các Bí thư nhờ người đồng cấp ở địa phương mình con cháu và người nhà vào bộ máy chính quyền tại địa phương đó rất dễ dàng. Họ nhờ chéo lẫn nhau giữa các địa phương, quan hệ có đi có lại. Nhất cử lưỡng tiện vẫn đưa con cháu vào bộ máy quan quyền, nhưng cũng che mắt được báo chí và Nhân dân.

Tóm lại là việc lựa chọn người đứng đầu cấp ủy không phải người địa phương thì không những không giảm được nạn bè phái, bảo kê các nhóm lợi ích, doanh nghiệp tại phương, cho con ông cháu cha vào bộ máy chính quyền. Mà đây là thủ đoạn và mưu mô tinh xảo để che mắt báo chí và Nhân dân.

Mục đích cuối cùng vẫn là con vua rồi lại làm vua, nhưng nó lại kín đáo mà không bị Nhân dân phát hiện.

Bộ chính trị, Ban chấp hành TƯ đảng cộng sản quả là cao tay!