You are here

CÁI CẦN HAY CON CÁ

Ảnh của nguyenlanthang

Từ hôm qua đến giờ, có một luồng dư luận đang ầm ầm phản đối Jimmi Nguyễn, một ca sỹ hải ngoại nổi tiếng, chỉ vì anh đã có một nhận xét về công việc thiện nguyện miền Trung của cô ca sỹ Thuỷ Tiên. Lời bình luận ấy thì không có gì nặng nề đâu, chỉ có ý là "nên cho cái cần câu thay vì cho con cá". Thế nhưng Jimmi Nguyễn đã phải hứng chịu không ít lời trách móc, hờn dỗi, kể cả từ những người vốn là fan hâm mộ anh bấy lâu nay.

Là một người từng tham gia tổ chức nhiều chương trình thiện nguyện lớn, từng nhận được lời chỉ trích y như những gì Jimmi Nguyễn vừa nói, tôi muốn bày tỏ một vài suy nghĩ cá nhân xoay quanh chuyện này. Trước hết, tôi muốn nói rằng, chả có ai là người sai ở đây cả. Có chăng là mọi người đang có sự khác biệt trong quan điểm về cùng một vấn đề, bởi góc nhìn khác nhau. 

Nếu nhìn gần, ở thời điểm hiện tại, đồng bào mình đang đói rét, việc cứu đói là việc khẩn cấp nên làm ngay. Nếu nhìn xa hơn về quá khứ, hãy hỏi điều gì đã gây ra cơn đói, cơn khổ của đồng bào trong bão lũ? Nếu nhìn xa hơn về tương lai, chúng ta sẽ phải đi kêu gọi cứu trợ nhau bao nhiêu lần nữa?... Tôi chắc rằng lời bình luận của Jimmi Nguyễn với hình ảnh chiếc cần câu là có ngụ ý này đây.

Vậy thì cần câu hay con cá, mình nên lo cho đồng bào cái gì nhỉ? Xin hãy theo dõi một chút câu chuyện về kỹ năng quản lý công việc mà hiện nay cộng đồng doanh nghiệp vẫn thường trao đổi với nhau.

Việc kinh doanh luôn có rất nhiều thúc ép người ta phải chọn lựa để xử lý công việc. Trong tình thế ngặt nghèo, thiếu thốn thời gian, hạn chế nguồn lực, không phải ai cũng có thể đủ sáng suốt để đưa ra một lựa chọn hợp lý. Cách đây hơn nửa thế kỷ, khi Eisenhower, vị tổng thống thứ 34 của nước Mỹ đang còn nắm giữ cương vị là tướng năm sao trong quân đội Hoa Kỳ, là Tư lệnh tối cao của lực lượng đồng minh châu Âu trong Thế chiến II, ông đã đưa ra một phương pháp rất lạ lùng để lựa chọn. 

Rất đơn giản, phương pháp của ông là chú ý "Dồn sức vào việc quan trọng và không khẩn cấp". Nghe thoáng qua thì có vẻ phương pháp này rất vô lý, nhưng xin hãy thử tìm hiểu sâu hơn một chút những lý luận trong việc đưa ra lựa chọn của Eisenhower.

Việc khẩn cấp là việc yêu cầu phải chú ý ngay tức thì, và thường có liên quan đến người khác.

Việc quan trọng là việc mà khi hoàn thành nó sẽ giúp ích cho ta tiến gần đến mục tiêu đã đề ra.

Hai đặc tính "quan trọng" và "khẩn cấp" luôn tồn tại trong một công việc. Theo thứ tự ưu tiên, Eisenhower chia tất cả ra làm 4 loại:

  1. Việc quan trọng và khẩn cấp
  2. Việc quan trọng và không khẩn cấp.
  3. Việc khẩn cấp và không quan trọng.
  4. Việc không quan trọng và không khẩn cấp.

Theo thứ tự ưu tiên này, người ta sẽ dễ dàng loại bỏ được vô khối đầu việc ở mục số 3 và 4, uỷ quyền những việc ấy cho người khác, để tập trung ngay mọi nguồn lực vào mục số 1 và 2. Nhưng thú vị hơn, với mô hình này, ở đây người ta chợt nhận ra là có nhiều công việc bị trở thành khẩn cấp, trong khi nó vốn là một công việc quan trọng không khẩn cấp, nhưng đã bị bỏ bẵng trong thời gian quá dài. 

Một mặt khác, những việc cấp bách luôn có rủi ro lớn khi thực hiện, vì nó đã không được chuẩn bị kỹ càng. Vì thế Eisenhower rất có lý khi cho rằng cần "dồn sức vào việc quan trọng và không khẩn cấp", bởi tư duy này mới cho phép tối đa hoá lợi ích, tối đa hoá thành quả, nhất là khi người ta phải nắm những trọng trách lớn.

Chính vì luôn cố gắng thực hành theo lý thuyết mà mình đề ra, Eisenhower đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh nặng nề của mình trên cương vị là Tổng tư lệnh quân đồng minh, là chủ tịch thứ 13 của đại học Columbia, là tổng thống thứ 34 của Hoa Kỳ... nhưng vẫn có thời gian để thoả mãn thú vui cá nhân là chơi golf và vẽ tranh sơn dầu.

Hãy nhìn những công việc mà Eisenhower đã từng làm trong suốt thời kỳ dài phục vụ nước Mỹ. Đó là việc chịu trách nhiệm lập kế hoạch quân sự cho khối Đồng minh, trực tiếp tham gia chiến trường tại Bắc Phi, Pháp và Đức; có đóng góp to lớn cho sự phát triển của hệ thống Xa lộ liên tiểu bang Hoa Kỳ, thúc đẩy sự ra đời của mạng thông tin nội bộ trong quân đội Mỹ (DARPA, tiền thân của mạng Internet toàn cầu), chương trình thăm dò không gian (NASA) và việc sử dụng hòa bình các nguồn năng lượng thay thế (Luật Năng lượng nguyên tử - Atomic Energy Act). Từng ấy công việc đồ sộ, nếu Eisenhower không lạnh lùng đưa ra những lựa chọn tối ưu thì ông sẽ chỉ như một người bình thường, quyết định mọi thứ bằng cảm xúc và tầm nhìn ngắn hạn.

Với bản năng sinh tồn, tâm trí con người luôn bị thu hút vào những sự việc gay cấn và cấp bách. Nhưng thường thì khi tình thế cấp bách qua đi, người ta hay bỏ lơ những việc quan trọng, mà rồi theo thời gian việc bỏ lơ ấy lại là nguyên nhân gây ra tình trạng cấp bách mới. Càng nảy sinh nhiều việc khẩn cấp trong hiện tại chứng tỏ càng nhiều việc quan trọng đã không được quan tâm trong quá khứ. Tất nhiên, việc phân định ra thế nào là khẩn cấp, thế nào là quan trọng hoàn toàn phụ thuộc vào nhãn quan của từng cá nhân, từng tổ chức. Nếu là việc cá nhân, lựa chọn đó chỉ ảnh hưởng đến một vài người là cùng. Nhưng nếu là việc của một đất nước, lựa chọn sai lầm thì muôn triệu người sẽ lầm than vì quyết định đó. 

Vì thế tôi nghĩ rằng, với tư cách là người Việt Nam, bất cứ ai đang lao vào cứu trợ cho đồng bào mình trong cơn lũ này đều là người đáng quý. Nhưng ở một tầm nhìn xa hơn, những người đang đặt câu hỏi "vì sao đồng bào mình khổ" nên được trân trọng và lắng nghe. Bởi vì nếu thành thật trả lời cho kỹ câu hỏi ấy, đất nước chúng ta mới có cơ may thoát khỏi cảnh khổ đau mỗi khi bão về.

Để kết thúc bài viết này, tôi xin đăng kèm đây một bức ảnh. Hãy nhìn kỹ thông tin trong bức ảnh. Tôi tình cờ gặp cái phản gỗ này trong một lần ngao du sơn thuỷ ở Tây Bắc đầu năm 2020. 710 năm tuổi tức là cái cây đó bắt đầu mọc từ thời đầu nhà Trần (1225-1400). Cái phản đó chỉ là một trong hàng trăm tấm phản được kê dưới gầm ngôi nhà sàn khổng lồ, làm toàn bằng gỗ lim, được giới thiệu rất trang trọng trên trang web của Tổng cục du lịch Việt Nam.

http://www.vtr.org.vn/tham-dien-bien-phu-ghe-nha-san-go-lim-lon-nhat-viet-nam.html

Tôi chỉ đưa ảnh cái phản gỗ thôi, còn các bạn hãy tự hỏi nhau đi: Vì sao đất nước mình còn khổ? Dân mình còn chịu cảnh lụt lội?

Yêu thương tất cả!