You are here

VIẾT CHO TRANG

Ảnh của nguyenlanthang

Có nhiều người, nói chung là hầu hết loài người, họ đến với thế giới này rồi biến mất vĩnh viễn. Tên tuổi và hình ảnh về họ cùng lắm chỉ tồn tại thêm một chút nữa trong lòng con cái, dòng tộc. Đến cả những người như ông hoàng bà chúa ở một triều đại nào đó cũng không chắc được người đời sau nhớ đến. Thế nhưng, thế giới này luôn có những người dù xuất thân rất bình thường, nhưng ký ức về họ sẽ còn mãi với thời gian. Tôi có niềm tin rằng Phạm Thị Đoan Trang, người vừa bị bắt ngày hôm trước sẽ là một người như thế.

Tôi biết Đoan Trang từ mùa hè đỏ lửa năm 2011. Mùa hè năm ấy ở Hà Nội đã diễn ra 11 cuộc biểu tình để phản đối việc Trung Quốc xâm phạm lãnh hải, đánh bắt ngư dân, húc chìm tàu cá và cắt cả đầu dò địa chất thềm lục địa ngay trên biển của chúng ta. Đi biểu tình thì đông lắm. Toàn những người dân Hà Nội vì bức xúc câu chuyện đó mà xuống đường thôi chứ chẳng mấy ai quen nhau cả. Thế nên thú thực là những người xuống đường hồi ấy cũng không bị đàn áp gì nhiều so với những năm sau này. Chỉ có một số ít, những người kiên gan nhất, lì lợm nhất, không chịu ở nhà khi đèn đỏ đã bật lên mới bị tập trung đàn áp, bắt bớ, giam cầm tới mấy ngày trời. 

Nhìn bề ngoài là vậy, nhưng sau rồi tôi mới biết hồi đó những ai làm công việc tường thuật, đưa tin, viết bài, tổng kết kinh nghiệm và chỉ ra phương hướng biểu tình mới là những người sẽ bị đưa vào tầm ngắm, để đàn áp và truy bức lâu dài theo một cách kinh khủng nhất. Những trang tin hàng đầu hồi đó ngoài trang Nhật ký Yêu nước trên facebook có thể nhắc đến như: Ba Sàm, Nguyễn Xuân Diện, Người Buôn Gió, JB Nguyễn Hữu Vinh... và đặc biệt là trang facebook hay blog của Phạm Đoan Trang. 

So với người khác, hồi đó Trang viết không nhiều, nhưng bài viết của cô luôn có sự hấp dẫn riêng, rất thu hút bạn đọc có trình độ và được rất nhiều trang tin ngoài dòng chính thống của chế độ đưa lại, kể cả báo chí nước ngoài. Bài nào cũng khúc chiết, mạch lạc, có lý luận nhưng thấm đẫm tình người. Nói những chuyện người ta vốn đã đồng tình thì rất dễ. Nói để cho những ai còn mơ hồ về thời cuộc, còn bị trói chân bởi cơm áo gạo tiền, bởi chức vị danh phận trong hệ thống nhà nước mới là điều khó. Nhưng Trang chính là một trong số ít các cây viết đã làm được điều đó. 

Có được sự nổi trội này trước hết bởi vì Đoan Trang vốn là một nhà báo chuyên nghiệp, làm việc tại tờ Vnexpress và VietnamNet. Nhưng quan trọng hơn, cô ấy là một nhà báo dấn thân, từng tham gia viết nhiều bài vở trong những vấn đề gai góc nhất của đất nước, đặc biệt là về chủ quyền biển đảo. Điều đó không chỉ đòi hỏi sự thông minh, sắc xảo mà còn cần đến lòng dũng cảm tuyệt vời.

Những cuộc biểu tình chống Trung Quốc dần qua đi sau những tháng năm bị đàn áp. Nhưng sự lệ thuộc hèn hạ vào Trung Quốc về mặt ý thức hệ vẫn còn nguyên đó. Chính điều này là nguyên nhân sâu xa, đã làm nảy sinh ngày càng nhiều tồn tại xã hội, đẩy đất nước vào muôn vàn khó khăn ngay giữa thời bình không hề có tiếng bom. Không có tiếng bom, nhưng xã hội dần phải chứng kiến nhiều tiếng súng cưỡng chế đất đai chát chúa, tiếng cưa tiếng rìu chém ngang những cây xanh che bóng mát cho thành phố, và cả tiếng khóc phẫn uất của những người chịu cảnh bất công ngay giữa lòng một đất nước luôn tự xưng là hạnh phúc nhất nhì thế giới. 

Trang không phải là người đầu tiên nhận ra điều đó. Nhưng chính Trang là một trong những người xuất sắc nhất, đã dùng bút lực của mình để đánh tan đi sự thờ ơ vô cảm, để vạch mặt những thủ đoạn cai trị tinh vi, để kêu gọi sự chú ý của quốc tế vào những vấn đề ở Việt Nam.

Đương nhiên, với những việc làm như vậy, từ khi Trang bắt đầu tham gia các hoạt động xã hội, cô không có một giây phút nào bình yên. Cả một nhà nước với một lực lượng bảo vệ chế độ hùng mạnh nhất trong lịch sử đất nước đã không từ một thủ đoạn nào hòng dập tắt tiếng nói của cô nhà báo kiên cường này. Từ chuyện ép bị đuổi việc, bị thẩm vấn và theo dõi liên tục, bị cướp bóc phương tiện làm việc, bị doạ dẫm gia đình và bạn bè, bị bôi nhọ đời tư cá nhân... cho đến cả chuyện bị những tên băng đỏ Bờ Hồ nhẫn tâm đạp gẫy hai chân của Trang.

Chính xác là từ giữa năm 2016, năm Formosa xả độc ra biển miền Trung, Trang đã phải trốn chạy như một tên tội phạm trên đôi chân tập tễnh, chỉ vì cô ấy đã tìm cách giúp đỡ người dân lên tiếng trước bất công này. Trong suốt những năm tháng ấy, dù chỉ có một cây đàn và vài bộ quần áo mang theo người, nhưng Trang đã kịp dựng nên một ekip hùng hậu, cho ra đời hàng loạt đầu sách về chính trị xã hội nhằm khai mở đường hướng cho những con người khao khát tự do.

Vì sự khốc liệt của cuộc đấu tranh, vì tình trạng căng thẳng thần kinh thường trực do bị săn đuổi, nên tôi biết Trang đôi khi có những va chạm nhất định với người này người kia. Tuy nhiên những chuyện đáng tiếc nếu có đều là vì quan điểm khác nhau trong công cuộc chung. Chứ với cá nhân Trang, cô ấy có đòi hỏi gì đâu ngoài một cây đàn để làm bạn trong những giờ phút cô đơn mệt mỏi nơi xa gia đình.

Hôm nay khi bàn tay cô ấy đã bị khoá chặt bằng chiếc còng số 8, tôi muốn bộc bạch một vài cảm nhận của mình về Trang, về những việc cô ấy đã làm. Nhưng tôi không thể nói hết được mọi chuyện vì bây giờ mới là giai đoạn đầu của quá trình điều tra. Nói nhiều e bất lợi!

Trời vào thu, Việt Nam buồn lắm em ơi... Nhưng anh tin tưởng nhất định sẽ có ngày đất nước lại được tươi vui bởi vì đã có rất nhiều người đang ngưỡng mộ sự hi sinh quả cảm của em ngày hôm nay.

 Yêu thương tất cả!

Hình ảnh Phạm Đoan Trang trong cuộc biểu tình đầu tiên mùa hè đỏ lửa năm 2011, lúc chụp tôi chưa biết cô ấy là ai, bây giờ thì đã biết là ai, nhưng nếu bị an ninh tóm vào hỏi thì tôi sẽ bảo ngay là: cô này trông quen quen :)