You are here

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Kỳ Thị Giáo Dục

Ảnh của tuongnangtien

Education is a liberating force, and in our age it is also a democratizing force, cutting across the barriers of caste and class, smoothing out inequalities imposed by birth and other circumstances.(Giáo dục giải phóng con người, nhưng trong thời đại chúng ta giáo dục còn dân chủ hóa xã hội, nó làm sụp mọi hàng rào giai tầng, đẳng cấp và san bằng các bất bình đẳng do nguồn gốc hay định kiến gây ra).

  Indira Gandhi

G.S Hidematsu Hiyoshi liệt kê những “thủ đoạn” mà Mao Trạch Đông dùng để khống chế Trung Hoa Lục Địa: hộ khẩu, tem phiếu, lí lịch …Theo ông:

“Chế độ hồ sơ lí lịch không xa lạ đối với mỗi người dân Trung Quốc. Cho dù anh học ở trường, công tác ở các đơn vị cơ quan hay về hưu ở nhà (về hưu hồ sơ lí lịch được chuyển về khối phố hoặc công xã nơi đương sự sinh sống). Hồ sơ lí lịch theo liền với từng người cho đến hết đời…” [“Cách Mạng Văn Hóa” Rốt Cuộc Là Tội Của Ai : Thảo Luận Với Mao Vu Thức Tiên Sinh. (“文革”究竟誰之罪:與茅于軾先生商榷”) bản dịch của Lê Thời Tân tạp chí thế Giới Mới, số 14-2013 (1031) ngày 22-4-2013].

Hoá ra “chế độ hồ sơ lý lịch” là sáng tác của bác Mao, và có nguồn gốc ở tận bên Tầu cơ đấy. Thật là qúi hoá. Khi qua đến nước ta, bác Hồ vận dụng sáng tạo thêm chút xíu cho hợp với văn hoá (“đậm đà bản sắc”) Việt Nam nên hồ sơ lý lịch không chỉ tính “cho đến hết đời” mà còn kéo dài cho đến đời con và đời cháu luôn.

Năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho tiến hành ‘cải tạo xã hội chủ nghĩa’ trên toàn miền Bắc, các nhà tư sản Việt Nam buộc phải giao nhà máy, cơ sở kinh doanh cho Nhà nước. Bà Trịnh Văn Bô lại được kêu gọi ‘làm gương’, đưa xưởng dệt của bà vào ‘công tư hợp doanh’. Bà Bô cùng các nhà tư sản được cho học tập để nhận rõ, tài sản mà họ có được là do bóc lột ...

Cho dù được ghi nhận công lao, trong lý lịch các con của ông Trịnh Văn Bô vẫn phải ghi thành phần giai cấp là ‘tư sản dân tộc’, và rất ít khi hai chữ ‘dân tộc’ được nhắc tới. Con trai ông Trịnh Văn Bô, ông Trịnh Kiến Quốc kể: ‘Ở trường, các thầy giáo, nhất là giáo viên chính trị, nhìn chị em tôi như những công dân hạng ba. Vào đại học, càng bị kỳ thị vì lượng sinh viên người Hà Nội không còn nhiều. Trong trường chủ yếu là sinh viên con em cán bộ thuộc thành phần cơ bản từ Nghệ An, Thanh Hóa… những người xếp sinh viên Hải Phòng, Hà Nội vào thứ hạng chót. (Huy Đức. Bên Thắng Cuộc, tập II. OsinBook, Westminster, CA: 2013).

Thế vẫn chưa thôi!

Mười bẩy năm sau, sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, tiêu chuẩn phân loại lý lịch của Chính Quyền Cách Mạng mới được hoàn thiện và hoàn hảo. Ông Nguyễn Đình Nguyên, người từng học đại học tại Việt Nam vào những năm 1980, hồi tưởng:

“Trước khi bước vào kỳ thi đại học thì chúng tôi phải bước qua một kỳ khai lý lịch. Nếu tôi nhớ không lầm thì lý lịch của chúng tôi được xếp từ 1 cho đến 13. Chúng tôi cũng có nghe tới 14 nhưng tôi chưa thấy bạn nào bị như vậy. Tôi được xếp hạng thứ thứ 11 tức là gia đình (mà họ gọi là) ngụy quân, ngụy quyền ở cấp bậc nhỏ. Loại 12 thì họ gọi là có nợ máu với nhân dân, tức là đi quân đội và dường như là xếp từ thiếu úy trở lên. Loại 13 là những sĩ quan cao cấp, hay là sĩ quan công giáo, tôi cũng không biết tại sao.” (Nỗi Ám Ảnh Lý Lịch. Kính Hoà – RFA).

Nỗi ám ảnh này chỉ nhạt phai dần khi Đảng và Nhà Nước dũng cảm và quyết tâm (đổi mới) bẻ lái con tầu đất nước theo hướng … kinh tế thị trường. Từ đây, lý lịch không còn là yếu tố quyết định trong sinh hoạt học đường. Thủ tục “đầu tiên” mà phụ huynh học sinh cần phải quan tâm khi cho con em đến trường chỉ còn giới hạn vào một vướng mắc duy nhất là “tiền đâu” thôi?

Theo Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế thì VN đứng hạng nhì trong khu vực Á Châu Thái Bình Dương về giá hối lộ cho một năm học vào trường công lập. Phải trả ba ngàn đồng để mua một chỗ ngồi học trong những trường công lập uy tín là một khoảng tiền rất lớn trong một đất nước mà lợi tức trung bình hằng năm chỉ nhỉnh hơn hai ngàn hai trăm đô chút xíu.

( “A Transparency International report has found Vietnam to have the second highest bribery rates for public schools in the Asia Pacific region. It costs up to $3,000 to buy a place at the most sought after public schools, a huge expense in a country where annual average incomes barely top $2,200.)

Với những người dân “vùng xa, vùng sâu, vùng căn cứ cách mạng” thì lợi túc trung bình (có lẽ) chỉ được chừng một phần năm hay phần bẩy con số kể trên. Ở những nơi này – nhờ thế – việc học hoàn toàn miễn phí, không phải lo lót hay chạy chọt đồng nào ráo trọi.

Tuy thế, con đường đến trường cho những đứa bé ở xa đô thị cũng chả dễ dàng chi. Chúng bị ngăn trở bằng nhiều cách nên phải vượt sông, vượt suối, hoặc lội bùn (với đôi chân trần cùng cái bụng trống không) mới đến được những mái tranh trống hốc/trống hác được gọi là trường học.

Ảnh: internet

Năm trước, báo Lao Động (số ra ngày 17 tháng 7) buồn bã và ái ngại loan tin: “Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Minh Long (TTGDNN-GDTX huyện Minh Long, tỉnh Quảng Ngãi) có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 0%... ‘Các em thi rớt, giáo viên chủ nhiệm như tụi tôi thấy buồn lắm. Bao nhiêu công sức gắn bó với các em bấy lâu nay không có kết quả. Nhưng thật sự mà nói, với một đề thi chung như thế, quá tầm với các em học sinh miền núi còn nhiều khó khăn như ở đây’, thầy Tải nói.”

Năm nay, học sinh miền núi sẽ phải đối diện với một nỗi khó khăn “quá tầm” khác nữa là sách giáo tăng giá (cao) tới mức mà ngay cả giới phụ huynh ở thành thị cũng phải kêu Trời! Về sự kiện này, ông Ngô Trần Ái (Công Ty Cổ Phần Đầu Tư Xuất Bản - Thiết Bị Giáo Dục Việt Nam) khẳng định:

“SGK là văn hóa đặc biệt, cũng là hàng hóa, cần tuân theo luật kinh tế thị trường. SGK mới đẹp, bắt mắt, khổ sách lớn và in nhiều màu hơn sách cũ. Vì vậy nếu để sách theo giá cũ sẽ bị lỗ, không thể làm được.”

Kiểu tính toán “lời/lỗ” của Nhà Giáo Ưu Tú Ngô Trần Ái khiến tôi nhớ đến cách  nói tuy hơi riễu cợt nhưng vô cùng chính xác của T.S Hoàng Kim Phúc: “Với thực tế chục triệu học sinh phổ thông Việt nam đang bị vắt kiệt tuổi thơ với hy vọng sau 12 năm sẽ trèo được lên chiếc ‘xe đò’ mang tên Đại học, trong khi mẹ cha vật lộn, thậm chí bán cả ruộng nương trả ‘vé xe’ vậy mà ‘đến bến’ thì trăm ngàn cử nhân lại đứng đường.”

Ở Việt Nam mà thiếu tiền tệ và không quan hệ thì phải “đứng đường” là chuyện tất nhiên! Một trong những vị cử nhân “đứng đường” này, rất có thể, chính là tác giả của câu thơ nổi tiếng (đang) được lưu truyền khắp xứ sở này: “Chuyến tôi đi xe đò đứt thắng, đ... mẹ đời, đ... má tương lai.”

Tương lai, theo cách nhìn của qúi vị lãnh đạo quốc gia lại hoàn toàn khác, tươi sáng và rực rỡ hơn thấy rõ:

     - T.B.T Nông Đức Mạnh: “Việt Nam trở thành nước công nghiệp năm 2020.”

     - Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Đến năm 2045- mốc lịch sử 100 năm nước nhà được độc lập (1945 - 2045), quy mô GDP nước ta ước tính sẽ đạt mức khoảng 2.500 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng gần 18.000 USD.”

     - T.B.T Nguyễn Phú Trọng: “Đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.”

Với đường lối, chính sách ngu xuẩn về mọi mặt của ĐCSVN (nhất là chủ trương kỳ thị giáo dục) thì e là ngay đến năm 2145, đất nước “vẫn chưa chịu phát triển” đâu – các đồng chí ạ!