You are here

Họ có man rợ không?

Ảnh của canhco

Theo tự điển Việt Nam thì “man rợ” (barbarian ) là tình trạng chưa có văn minh, đời sống con người có nhiều mặt gần với đời sống thú vật. Để tìm kiếm sự sống còn con người chỉ biết giết nhau để sống sót từ đó hình thành tính cách tàn ác, dã man đến cực độ không còn tính người.

Theo trang Wikipedia thì Man rợ tương tự với Man di (còn gọi là "man tộc", "man rợ" hay "mọi rợ", trong tiếng Hy Lạp: βάρβαρος - Barbaros) là thuật ngữ để chỉ một người hay nhóm người bị cho là thiếu văn minh hoặc còn hành xử theo kiểu nguyên thủy so với các giá trị chuẩn mực của thế giới hiện đại. Đôi khi, thật ngữ "man rợ" cũng được sử dụng để nói về các nhóm văn hóa cấp thấp hơn (như dân du mục), tầng lớp xã hội thấp hơn (như tội phạm), thậm chí công dân quốc gia này đánh giá công dân quốc gia khác khi thể hiện sự chênh lệch phát triển hoặc phân biệt chủng tộc. Ngoài ra, "man rợ" cũng có thể là một kiểu đánh giá cá nhân khi người đó có hành vi tàn bạo, độc ác, hiếu chiến hoặc vô cảm so với các giá trị nhân quyền.

Từ những định nghĩa trên nhìn lại vụ án Đồng Tâm người ta có thể quy chiếu lên những hành xử của nhà cầm quyền Việt Nam đối với dân chúng tại đây là hành vi man rợ, bởi cách hành xử ấy tuy không hoàn toàn giống như thời man di nhưng trong một đất nước tự hào có hiến pháp và pháp luật lại làm ngơ mọi định chế mà con người thời hiện đại đặt ra, tự tiện tấn công người dân, giết dân, rồi tiếp tục xử những bản án mà không một đất nước nào trên thế giới dám làm.

Khi lực lượng công an tấn công vào Đồng Tâm đêm 9 tháng 1 năm 2020 người dân ở đây vẫn còn chìm trong giấc ngủ. Hơn 3000 người vũ trang tận răng xông thẳng vào nhà dân mà không cần trát tòa, đập cửa bắt bớ và bắn chết ông Lê Đình Kình tại phòng ngủ của ông. Sau khi kéo đi đội quân hùng dũng ấy lu loa là người dân Đồng Tâm hỏa thiêu chết 3 công an đang làm nhiệm vụ. Cái chết ấy không ai biết đích xác là có hay không, người dân chỉ biết rằng cả ba người bọn họ nhảy sang nhà ông Kình và rơi xuống giếng trời sau đó bị thiêu sống.

9 tháng sau Hà Nội mở phiên tòa xử 29 người dân bị bắt trong vụ Đồng Tâm. Hai người bị tử hình là con ruột của ông Lê Đình Kình, còn cháu nội ông Kình bị tuyên án chung thân. Vậy là cả nhà ông Kình bị thảm sát đúng với tinh thần tru di tam tộc thời phong kiến. Những kịch bản mà Hà Nội dàn dựng theo đúng nội dung mà loài người nhìn nhận thế nào là man rợ: “thiếu văn minh, hành xử theo kiểu nguyên thủy so với các giá trị chuẩn mực của thế giới hiện đại. Có hành vi tàn bạo, độc ác, hiếu chiến, vô cảm so với các giá trị nhân quyền.”

Tuy nhiên đối với Việt Nam một đất nước với hơn 90 triệu dân, được thế giới công nhận là một quốc gia độc lập, có quan hệ ngoại giao với hầu hết các nước trên thế giới tại sao lại xuất hiện một cách có hệ thống những hành vi mang dấu chỉ “man rợ” như vậy lại là một câu hỏi lớn cho giới nghiên cứu lịch sử và văn hóa trên thế giới. Bản án Đồng Tâm của thế kỷ 21 sẽ là đề tài nghiên cứu cho thế hệ sau này. Tuy nhiên ngay bây giờ người ta cũng không khó khăn gì khi trả lời câu hỏi có tính cách tàn bạo chính trị đó, nó đơn giản và từng xảy ra tại nhiều nước độc tài trên thế giới. Nó là tính cách của mọi nhà nước độc tài, mà Việt Nam còn có thêm “đảng trị” nữa thì tính cách man rợ tăng thêm nhiều lần.

Theo Edu2Review, Việt Nam có khoảng 247 trường đại học. Trong đó, các trường đào tạo ngành Luật lên đến hơn 50 trường. Trong tất cả các trường dạy luật ấy không có trường nào dạy chuyên đề “án bỏ túi” hay “án chỉ đạo” nhưng thực tế mọi tòa án tại Việt Nam đều xuất hiện hai loại án này.

Không ít người cho rằng những chánh án hay thành viên hội đồng xét xử đều thất học, được nâng đỡ dần dần lên tới vị trí này nên cấp trên bảo gì nghe nấy. Điều này cũng đúng nhưng khá ít trong khi hàng ngàn Tòa án Nhân dân mọc lên khắp nước lấy Thẩm phán từ các cấp luật sư, vốn tốt nghiệp một trường luật nào đó thì không thể nói ông hay bà ta không có kiến thức về luật pháp, cho dù luật pháp xã hội chủ nghĩa, vốn hay khoe mẽ và lộng ngôn.

Và dĩ nhiên, sự học của họ không phục vụ cho công lý mà phục vụ cho Đảng, nơi toàn quyền định đoạt số phận của họ trước một bàn án mà Đảng muốn.

Đảng muốn tiêu diệt ông Lê Đình Kình vì dám lãnh đạo một nhúm nông dân chống lại Đảng cho dù ông Kinh theo đảng 58 năm hay hơn thế đi nữa Đảng vẫn không chấp nhận. Đảng muốn tiêu diệt nốt con và cháu ông Kình vì không muốn bọn họ trở về Đồng Tâm tiếp tục gây phẫn nộ cho người dân nơi đây. Đảng muốn bịt miệng tất cả nông dân cả nước qua vụ án Đồng Tâm bằng các bản án được cho là “man rợ”. Đối với Đảng không có từ man rợ trong tự điển mà chỉ có từ “bạo lực cách mạng”, vốn được dùng để bảo vệ Đảng từ thời nó vừa mới ra đời.

Không thể gọi ông Trọng, bà Ngân, ông Phúc là man rợ vì cả ba người không ai lên tiếng bênh vực hay cổ vũ vụ án Đồng Tâm. Họ là những người hiểu biết và chín chắn trước khi nói việc gì phải suy nghĩ rất nhiều thời gian, và do đó, chụp cho họ chiếc mũ mọi rợ là thiếu công bằng.

Rồi đây sau khi Đồng Tâm im ắng, cả ba sẽ tiếp tục im lặng trong thời gian tới, vì với họ, im lặng là những lá phiếu lấp lánh màu vàng.