You are here

Chung Con gặp nạn: Đôi điều suy nghĩ

Ảnh của nguyenhuuvinh

Mấy hôm trước, mình viết bài “Chung Con” sau khi Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Thành phố Hà Nội, Thiếu tướng, Anh hùng lực lường vũ trang nhân dân bị “đình chỉ công tác phục vụ điều tra”.

Hôm qua, tin Nguyễn Đức Chung bị bắt tràn ngập mạng xã hội. Vậy là cuối cùng, thì cơn cắn xé nội bộ đảng đã tiến thêm một bước như nó vốn sẽ phải đến.

Quả là cuộc đời chẳng biết đâu mà lần, nhất là trong thời đại loạn lạc, xã hội lộn sòng, trắng đen lẫn lộn, thật giả khó lường trong chế độ cộng sản. Ở cái xã hội mà cái không bình thường đã trở thành bình thường, còn cái bình thường thì ngược lại đã trở thành không bình thường, thì mọi chuyện đều đảo ngược giá trị.

Mới hôm qua còn là anh hùng, ngay sáng nay đã thành tội phạm. Chuyện công, tội nhiều khi chỉ từ một cái gật đầu của một kẻ độc tài mà không phải chính từ những hành động của đối tượng mà ra. Còn nói chuyện có tội, tham nhũng, lộng quyền… thì thử hỏi xem trên đất nước này xưa nay được mấy quan chức cộng sản không tham nhũng, không lộng quyền, không cố ý làm trái... Huống chi một tay từng giữ chức Giám đốc công an Thủ đô rồi chủ tịch Thành phố thì nói đến chuyện không tham nhũng lộng quyền là chuyện hài hước. Không thì lấy đâu ra tiền rừng bạc biển, nhà cửa lâu đài, con cái du học…

Mà nếu đem bỏ tù tất cả những đứa tội phạm tham nhũng, thì nhà tù đâu cho lại. Chỉ riêng hàm cấp tướng, “đảng ta” đã có đến 23 tướng bị kỷ luật, bị tống tù vì tội tham nhũng, phá hoại…

Chiều hôm trước còn là đồng chí, sáng hôm sau đã là “đối tượng”, là kẻ thù. Hôm qua còn là cấp trên, hôm nay đã lại đổi ngôi thay chỗ. Quả là cha ông ta đã nói không có sai: “Có khi cá ăn kiến, nhưng rồi cũng có khi kiến ăn cá”. Cái gọi là “Giữ gìn sự đoàn kết trong đảng như giữ gìn con người của mắt mình” chỉ là câu nói đùa nơi cửa miệng.

Còn cái gọi là “đảng ta là đạo đức, là văn minh” giờ đã trở thành một câu nói mỉa mai nhất khi mà hàng loạt cán bộ, từ Ủy viên Bộ Chính trị đến ủy viên Trung ương đua nhau vào tù thì báo chí được suỵt cho đăng những lời kết án và vạch tội thì người ta mới biết được bản chất của những quan chức đạo đức, liêm khiết mà đảng vẫn hô hào “chọn người có tài, có đức” ra sao.

Thế nên, nói rằng Nguyễn Đức Chung gặp nạn, chỉ là cách nói để hiểu rõ rằng: Đây là nạn nhân của việc đánh đấm, thanh trừng phe nhóm lẫn nhau trong đảng. Bởi nếu chỉ nói có tội, e rằng chưa đủ để hiểu tình hình hiện tại khi mà tất cả hệ thống quan chức đang trong vũng bùn của tội lỗi.

Những năm tháng chuyển mình của người Công giáo

Với mình, đã sống 40 năm tại Hà Nội, trải qua nhiều đời Giám đốc Công an và Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội nhưng rất ít để ý đến các cá nhân những người giữ chiếc ghế này. Chỉ từ khi những cuộc cướp phá đất đai tu viện tại Thái Hà và Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, mình mới chú ý đến những nhân vật liên quan.

Trước khi Nguyễn Đức Chung giữ chiếc ghế Giám đốc Công an Hà Nội rồi Chủ tịch UBND Thành phố, những người tiền nhiệm là Nguyễn Đức Nhanh và Nguyễn Thế Thảo.

Cuộc đấu tranh của giáo dân Tổng Giáo phận Hà Nội nói chung và giáo dân Thái Hà nói riêng chống lại việc cướp đoạt đất đai, tài sản của Giáo hội Công giáo để nhằm chia chác diễn ra căng thẳng nhất trong thời kỳ này.

Có lẽ, chính bởi sự hấp dẫn của những khu đất vàng này, mà Phạm Quang Nghị (Bí Thư Thành ủy) cùng với Nguyễn Thế Thảo và các bộ phận của Hà Nội đã bất chấp tất cả những tiếng nói của lương tri và luật pháp để rắp tâm biến đất của nhà thờ thành thứ để chia chác.

Thế nhưng, người giáo dân đã đấu tranh một cách quyết liệt vạch trần bản chất cướp bóc và chính sách đàn áp tôn giáo của nhà cầm quyền Hà Nội. Những cuộc đấu tranh đó đã mở ra một thời kỳ mới trong những cuộc đấu tranh của người dân oan, những người bất đồng chính kiến, những người yêu nước đối với nhà cầm quyền cộng sản tham nhũng và phản động.

Những cuộc đấu tranh đó, cũng mở đầu thời kỳ người dân dùng truyền thông qua mạng Internet để chiến đấu chống lại hệ thống tuyên truyền cộng sản hùng hậu nhưng thiếu sự thật, đầy rẫy sự dối trá bất lương.

Trong quá trình đó, những cuộc tuần hành, xuống đường của giáo dân đã để lại trong lòng người Hà Nội những hình ảnh đẹp và qua cuộc đấu tranh đó, người Công giáo Hà Nội cũng như cả nước đã trưởng thành, khẳng định vị thế của mình.

Trước đây, người công giáo Việt Nam ra xã hội không dám nhận mình là người công giáo. Trong các hồ sơ, lý lịch cá nhân, chứng minh thư, việc ghi tôn giáo là Công giáo, thì đó là một đại kỵ bởi sẽ nhận được sự kỳ thị hiển nhiên có từ hệ thống công quyền đến xã hội đã bị đầu độc thông tin rằng đó là lớp người lạc hậu và thù địch, bí hiểm. Nhất là những người ra đi học hành, công việc trong các cơ quan nhà nước, rất nhiều người được hướng dẫn là phải bỏ phần ghi về tôn giáo, chỉ nên ghi “Không”. Chính vì thế mới có chuyện hài ở Việt Nam là “linh mục không có đạo” mà hệ thống mạng nêu ra trở thành chuyện lạ ở Việt Nam thời cộng sản.

Từ cuộc đấu tranh đó, xã hội nhìn nhận người công giáo khác hơn nhiều. Họ hiểu ra rằng người Công giáo đã và đang là nạn nhân, và đang đấu tranh không chỉ cho người công giáo mà là cho cả xã hội. Từ đó, người công giáo dám hiên ngang hơn, xưng tôn giáo của mình ra trước xã hội mà không sợ bị kỳ thị.

Thời kỳ này, Công an Hà Nội do Nguyễn Đức Nhanh làm Giám đốc. Nguyễn Đức Nhanh là một tên vô lại, hắn bất chấp tất cả mọi thủ đoạn, mọi mưu ma chước quỷ được đem ra để thi thố sự bất lương của mình không chỉ trong vụ Tòa Khâm sứ, Thái Hà mà còn nhiều vụ khác như Thánh Giá Đồng Chiêm... Để rồi kết cục cuộc đời hắn trôi đi và khi về vườn trong sự nhục nhã khốn nạn.

Vài kỷ niệm về Nguyễn Đức Chung

Sáng ngày 27/3/2009, nhà cầm quyền CSVN mở cái gọi là phiên tòa phúc thẩm xử 8 giáo dân Thái Hà. Một phiên tòa “của bóng tối và ma quỷ” đã diễn ra trước đó vào ngày 8/12/2008 đã làm cho nhà cầm quyền Hà Nội hoảng loạn ở ngay ô Chợ Dừa nên nhà cầm quyền mới đưa phiên tòa này vào tận thị xã Hà Đông cho xa giáo xứ Thái Hà.

Cuộc đi bộ của 10.000 giáo dân xếp hàng đôi trật tự từ nhà thờ Thái Hà vào tận thị xã Hà Đông, cách 10 km với cành thiên tuế trong tay và tấm ảnh Đức Mẹ Nữ Vương ban ơn trước ngực đã là một cuộc diễu hành tuyệt vời đối với người dân thủ đô lúc bấy giờ. Hiên ngang, kiêu hãnh và bất khuất trước bạo lực sự thù địch của nhà cầm quyền đã làm cho nhà cầm quyền hoảng loạn. và bó tay mặc dù đã bố trí hàng tuần lễ trước đó đủ mọi loại thiết bị, quân số và không thiếu những âm mưu.

Cũng ngày hôm đó, Công an Hà Nội triệu tập mình lên “làm việc” để ngăn chặn mình đi ra phiên tòa xử giáo dân. Nhưng, sáng đó, trước khi đi lên Công an, mình đã đến Tòa chụp hàng loạt ảnh và sau khi đưa lên mạng xong thì mới lên gặp Công an Hà Nội.

Mình gặp Nguyễn Đức Chung vào sáng ngày 27/3/2020 ấy, khi đó Nguyễn Đức Chung chỉ mới hàm Đại tá, trưởng phòng Hình sự công an Hà Nội ở Số 7 phố Thiền Quang. Mình chưa biết Nguyễn Đức Chung là ai, nhưng sau này về nhìn lại tấm hình mình chụp buổi sáng hôm đó mới thấy một người ra đứng ngăn chặn giáo dân, giải thích và thuyết phục…

Khi đó mình mới biết một nhân vật mà sau này còn có dịp gặp lại.

Sau những ngày căng thẳng tạm lắng xuống ở Thái Hà và Tòa Khâm sứ, bỗng nhiên, đêm 6/1/2010, nhà cầm quyền Hà Nội đã huy động 600 công an với đầy đủ vũ khí, xe cộ thiết bị nửa đêm nổ mìn tấn công cây Thánh Giá ở Giáo xứ Đồng Chiêm trên Núi Thờ. Nhiều giáo dân bị đánh đập dã man, cây Thánh Giá bị đập tan.

Ngay sau đó, mình kịp thời viết một số bài viết vạch rõ những hành động tội ác của nhà cầm quyền Hà Nội đối với Giáo hội Công giáo nói chung và Giáo xứ Đồng Chiêm nói riêng.

Tối 9/1/2020, từ Sơn La, mình cùng mấy cha Dòng Chúa Cứu thế vào Đồng Chiêm thăm hỏi và động viên giáo dân ở đây. Ngày hôm sau, nhà cầm quyền Hà Nội đã cho đổ đất chặn con đường vào Đồng Chiêm khi thấy giáo dân khắp nơi đổ về đây hiệp thông.

Chiều 10/1/2010, mình cùng với mấy cha Dòng Chúa Cứu thế và anh em vào lại Đồng Chiêm thì bị công an kết hợp côn đồ chặn đánh một trận tàn bạo. Đêm đó, toàn thể giáo dân hai giáo xứ Đồng Chiêm và Nghĩa Ải đã kéo nhau đến ủng hộ đưa mình về Hà Nội, hệ thống công an, chính quyền xã chạy trốn sạch khỏi trụ sở Ủy ban sau khi gây tội ác và bị người dân vây kín.

Về nhà được mấy hôm, lực lượng an ninh dày đặc vây quanh ngõ nhà mình và được chứng kiến sự hiệp thông của người công giáo đến mức như thế nào. Hàng đoàn những bà con giáo dân, các linh mục, các đoàn thể từ sinh viên cho đến giáo dân khắp nơi đến thăm mình làm nhà cầm quyền Hà Nội thấy không yên tâm.

Ngày 12/1/2020, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an Hà Nội do Nguyễn Đức Chung trưởng phòng gửi đến mình Giấy triệu tập lên Phòng Cảnh sát Hình sự, số 7 Thiền Quang để “hỏi việc có liên quan”. Đây là hang hùm của Công an Hà Nội, nơi mà ai vào cũng thấy khiếp sợ bởi sự hung dữ của đám công an ở đây hơn cả côn đồ và không cần luật pháp.

Cầm giấy triệu tập, mình ghi phía sau rằng: Tôi ốm không đi được, hỏi việc liên quan là việc gì, bởi hàng ngày tôi có vô vàn việc liên quan.

Ngày 18/1/2010, lại Giấy triệu tập lần thứ hai, Lần này giấy triệu tập ghi rõ: “Hỏi việc liên quan đến mất máy ảnh ở Mỹ Đức”.

Lần này, mình quyết định sẽ lên xem thử vào hang cọp xem như thế nào.

(Còn nữa)

J.B Nguyễn Hữu Vinh