You are here

Bưng chén cơm giữa mùa dịch

Giữa mùa dịch, không riêng chi người Việt, mà hầu như tất cả những nơi nào có dịch bùng phát, con người đều phải khổ, cái ăn, cái mặc hay chỗ ở là cả một nỗi niềm riêng tây. Thế nhưng cũng giữa mùa dịch, tin một ông nghị mua quyền công dân xứ khác với giá hai triệu rưỡi đô la, nghe cứ như chiêm bao, bởi ông ấy đại diện cho tiếng nói người dân, ông ấy phải biết rằng nhân dân còn khổ cực lắm lắm, không thiếu những chén cơm chan nước mắt trong lúc này. Hơn nữa, đó là chưa muốn nói đến các qui định về nhân thân của một ông nghị trong luật pháp. Nhưng thôi, hãy nghĩ đến chén cơm của người dân lúc này!

Tôi nhớ đến những người lao động nghèo, đi phụ hồ, có người mới đi làm chưa đầy một tháng, sau đợt giãn cách hồi tháng Tư, vì quá khó khăn nên ra thành phố phụ hồ kiếm tiền mua gạo cho gia đình, chưa kịp nhận lương thì thành phố bị phong tỏa, những người ở đậu không có phiếu mua lương thực, đi lại cũng khó khăn do lệnh cách ly, đói khổ, buồn bã, thậm chí tuyệt vọng… Đó là chuyện có thật của người lao động Việt nghèo khổ giữa thành phố đáng sống nhất Việt Nam, giữa thế kỉ 21 đầy tham vọng và thịnh vượng này.

Lại nhớ đến những người miền núi, những đồng bào Vân Kiều, Pa Kô ở phía Tây Quảng Trị hay những người K’ Dong, Tà Ôi ở phía Tây Huế, Quảng Nam, người Kor ở Tây Quảng Ngãi, người H’Mong ở Tây Bắc và Tây Nguyên, người Raglai ở Ninh Thuận và người Khmer ở Tây Nam Bộ… Tất cả các nhóm người, các sắc tộc này đều có chung một điểm, đó là nghèo đói, họ nghèo đói một cách trịnh trọng và nghiêm túc. Nói họ nghèo đói trịnh trọng và nghiêm túc bởi hiếm có người Việt nào giống họ trong cách ứng xử với cái đói: Sẵn sàng cho bởi tin rằng có người đang khổ hơn mình.

Tôi từng chứng kiến một gia đình Pa Kô ở Quảng Trị, nhà tranh vách nứa tuềnh toang, gió lộng tứ bề, cả gia đình làm nông mút chỉ đường tà, hết trồng khoai sắn trên rẫy lại đi đào củ mài, hái măng rừng, làm vài mảnh ruộng lúa nho nhỏ… Cái ăn chỉ loay hoay quanh mấy thứ nông sản này, tiền cho con ăn học thì dựa vào con heo nái, mỗi đợt xuất chuồng được vài triệu đồng, một năm xuất hai lứa, lứa nào được giá thì dao động từ hai đến ba triệu đồng, lứa nào không được giá thì may lắm được một triệu đồng, mọi khoản phí đều dựa vào đó. Ngày rảnh việc nương rẫy, người vợ đi rửa chén bát thuê ngoài thị trấn, mỗi ngày được trả năm mươi ngàn đồng, thêm phần cơm thừa của quán được chủ cho mang về. Tôi đến gặp lúc gia đình ăn cơm trưa, tất cả cơm nguội được cho ra thau, dùng đũa đánh cho tơi, một ít cơm cháy được xếp lên trên mặt thau. Cả gia đình xúm xít kho một nồi mắm cáy, họ phi hành tỏi, cho chén mắm cáy vào chảo dầu đang sôi và cho thêm một ít nước lã vào, khuấy đều cho đến lúc chảo mắm sôi lên sùng sục. Bên cạnh chảo mắm là một nồi rau luộc. Khi chảo mắm được bưng lên, rổ rau luộc được bưng lên bên cạnh thau cơm. Có thể nói rằng một cuộc càn quét ẩm thực đang kéo qua với mấy đứa nhỏ, người lớn có phần từ tốn hơn…

Nghèo vậy, nhưng nghe chúng tôi nói rằng có nhiều nơi còn nghèo hơn họ, nói rằng có nhiều gia đình ở quê tôi cầm hom sắn để trồng mà không có tiền mua thì họ nhờ tôi mang về một ít hom sắn của họ gửi tặng ngay. Đương nhiên là thử lòng nhau như vậy không hay cho mấy nhưng chí ít cũng thấy được tấm lòng của người nghèo. Mà hầu như đi đâu cũng gặp cảnh người càng nghèo thì lòng càng hào hiệp, sẵn sàng chia sẻ, không cần suy tính gì nhiều… và từ Bắc chí Nam, có nơi nào mà người thiểu số, người sống ở vùng heo hút không khó khăn, nghèo khổ?! Đó là những ngày bình thường, còn có thể đi lại để kiếm chút tiền mua gạo, những ngày các công ty, xí nghiệp, doanh nghiệp, quán ăn, chợ búa… còn mở cửa bình thường, còn bây giờ, khi mọi thứ co cụm, thiếu trước hụt sau, nhiều người bị thất nghiệp, nhiều công việc tạm chấm dứt cho đến ít nhất cũng tháng sau, có khi cả vài năm, thì liệu người đi làm thuê, người nghèo biết dựa vào đâu để hi vọng!

Tôi chưa bao giờ mong rằng các quan tham có thể cởi bỏ bớt lòng tham để nghĩ đến người nghèo. Nhưng dù sao, khi cả thế giới đều đói khổ, lẽ nào anh không động lòng trắc ẩn, lẽ nào anh lặng lẽ liếm bộ lông của mình cho sạch sẽ, bóng mượt, bỏ mặc đồng loại rên xiết và kêu đau? Thế nhưng có vẻ như trong hoạn nạn, nếu như có nhiều người buồn cho tha nhân, có nhiều người sẵn sàng chia sẻ với đồng loại thì cũng có những kẻ tranh thủ lúc này, vơ vét, khoắn càng nhiều càng tốt. Khoắn cho đầy túi tham, khoắn để tìm đường chạy ra nước ngoài, khoắn cho hả dạ cô bồ nhí… Dường như người ta đạp lên nỗi đau của nhau mà sống. Đồng loại càng rên xiết, đau đớn, kêu than, đói khổ thì họ càng có thêm khoái cảm cuộc đời, họ càng thấy sự giàu có của họ tăng giá trị… Cuộc sống đôi khi khốn nạn là vậy!

Giá như giữa lúc này, mọi thứ được luân chuyển theo một trật tự khác, nghĩa là không phải thời đại mà kẻ có tiền được phép làm những gì họ muốn, họ thích, mà họ chỉ được quyền làm những gì họ cần. Thế giới trở nên loạn lạc và điêu linh bởi ngày càng có thêm nhiều người được phép làm những gì họ muốn, họ thích trong lúc cộng đồng chưa đạt đủ điều kiện cần. Thế giới chỉ ổn định khi mọi người đều may mắn tìm được thứ họ cần và những người may mắn hơn có thể tìm được thứ họ muốn và thích.

Việt Nam lúc này, có bao nhiêu triệu người cần xóa đói giảm nghèo, cần một bữa cơm đúng nghĩa với bữa cơm, cần một chỗ dựa trong công việc kiếm cơm sau mùa dịch? Và Việt Nam hiện nay có bao nhiêu quan chức muốn, thích những thứ xa xỉ, những bữa ăn mà cả nhiều thế hệ nhà nghèo cũng không đủ tiền góp lại mua lấy một bữa trưa của họ, hoặc những chuyến đi chỉ để uống cà phê, tìm cảm giác lạ mà nó có thể qui ra lương thực chia cho hàng vạn người ấm bụng lúc đói. Nói như vậy để thấy rằng, cái bất công không phải do ngẫu nhiên sinh ra, mà do chính sự ham muốn, sự thích thú và lòng tham của kẻ có quyền, có tiền!

Đến lúc này, nếu các quan tham, các tay quyền lực không kịp tỉnh thức, không kịp tự suy nghĩ để biết sống bớt ích kỉ và nhỏ nhen, để biết chia sẻ với đồng loại, thì đến một lúc nào đó, khi người nghèo chịu hết nổi, nạn cướp bóc, giật dọc tràn lan và người ta chết chùm vì đói khổ, tuyệt vọng… Lúc đó, các ông các bà sống với ai? Đừng tưởng cao chạy xa bay là thoát khỏi vòm trời! Và giữa lúc này, có ai bưng chén cơm, tự dưng nhớ đến nhiều điều, và cái gì gây nhớ cũng làm cay mũi, bởi quanh mình, có quá nhiều người đắng cay, họ, bưng chén cơm hôm nay mà không biết vài tháng sau lấy gì để sống, vì mọi thứ khó khăn chực chờ trước mắt!