You are here

Đại úy công an Lê Chí Thành và Trung tá Nguyễn Đức Hưng tố cáo tiêu cực trong cơ quan, ngành công an

Ảnh của nguyenvubinh

 

     Trong thời gian hơn một tháng trở lại đây, trên mạng xã hội Facebook đã xuất hiện một số video clip của hai người công an tố cáo tiêu cực trong cơ quan, hai trại giam Thủ Đức và Xuyên Mộc. Việc tố cáo của hai chiến sĩ công an đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người. Trang fanpage của Đại úy Lê Chí Thành có số người theo dõi là 59 ngàn người, và gần 24 ngàn người đã thích (like). Đó là hai chiến sĩ công an, quản giáo Đại úy Lê Chí Thành của trại giam Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh) và Trung tá Nguyễn Đức Hưng của trại giam Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

     Nội dung tố cáo của Đại úy Thành liên quan tới những tiêu cực ở trại giam Thủ Đức, với rất nhiều nội dung sai phạm như cắt xén lương bổng của chiến sĩ, cắt xén các tiêu chuẩn chế độ cán bộ, kéo dài thời gian lao động sai quy định đối với cán bộ chiến sĩ chưa có gia đình, cho vay với lãi suất cao trong trại giam… Nội dung tố cáo của Trung tá Nguyễn Đức Hưng liên quan tới việc trại giam Xuyên Mộc phá vỡ hợp đồng cho thuê đất với Trung tá Hưng, ký hợp đồng giao đất với doanh nghiệp khi chưa thu hồi đất, chưa đền bù thiệt hại hoa màu trên 16 hec ta cây Tràm và cây Điều, 3 héc ta khoai Môn của gia đình Trung tá Hưng. Gây thiệt hại vô cùng lớn cho gia đình ông Nguyễn Đức Hưng.

     Đối với cả hai chiến sĩ công an này, họ đã đi khiếu kiện nhiều năm, gặp gỡ hầu hết các cấp quản lý lãnh đạo cao nhất của Cục Quản lý trại giam (C10), Ủy ban Kiểm tra công an trung ương… nhưng tất cả đều không được giải quyết, đều bao che cho những sai phạm ở hai trại giam nói trên. Trung tá Nguyễn Đức Hưng với 6 năm trời ròng rã khiếu kiện, 40 kg tài liệu khiếu kiện nhưng cuối cùng đoàn thanh tra đã không giải quyết thậm chí còn tố ngược lại, chụp mũ sai phạm cho Trung tá Nguyễn Đức Hưng. Cuối cùng không còn cách nào khác, hai người công an này đã phải sử dụng tới mạng xã hội Facebook để kêu lên nỗi oan khuất, nhờ cộng đồng mạng đưa thông tin oan khuất của mình, sai phạm của lãnh đạo hai trại giam tới các cơ quan và lãnh đạo cao cấp giải quyết. Chính vì vậy mà cộng đồng mạng mới biết được sự việc này, và theo dõi rất sát sao.

     Ngày 31/7 vừa qua, Đại úy Lê Chí Thành đã bị kỷ luật và tước danh hiệu công an nhân dân do Cục trưởng Cục quản lý trại giam, Thiếu tướng Lê Minh Hùng ký. Theo Đại úy Thành cho biết, việc kỷ luật và tước danh hiệu công an nhân dân của Anh hoàn toàn không đúng quy định pháp luật, quy định của ngành công an. Anh sẽ tiếp tục đấu tranh để các cấp giải quyết các sai phạm và trả lại công việc và danh hiệu công an của mình.

     Đối với các tiêu cực của ngành công an, trên mạng xã hội đã ghi nhận có một số trường hợp. Đó là các phóng viên báo công an nhân dân căng băng rôn, biểu ngữ ở một số nơi đòi lãnh đạo tòa báo giao nhà, trả nhà vì đã trả hết tiền nhà nhưng quá hạn mấy năm họ chưa nhận được nhà. Một số công an tại chức và hưu trí của công an huyện Đông Anh cũng căng băng rôn, biểu ngữ tố cáo sai phạm của lãnh đạo công an Đông Anh trong việc chia, mua nhà đất và hợp thức hóa giấy tờ. Nhưng trường hợp livestream trên Facebook tố cáo sai phạm như hai người công an này thì đó là lần đầu tiên. Qua những tố cáo này, chúng ta thấy những tiêu cực, sai phạm của lãnh đạo các cơ quan công an cũng thật là khủng khiếp, tàn bạo.

     Theo nhiều người am hiểu, những tiêu cực của xã hội như thế nào thì trong ngành công an cũng có đầy đủ như vậy, và mức độ khốc liệt, tàn bạo còn hơn hẳn các ngành nghề khác. Nhưng tại sao nhiều người bị oan khuất thiệt thòi trong ngành công an lại ít dám lên tiếng, tố cáo những sai phạm trong ngành của mình. Có lẽ lý do là họ sợ, bởi họ ở trong ngành nên hiểu rõ các thủ đoạn mà đồng chí có thể sử dụng để triệt hạ nhau. Mặt khác, họ hiểu rõ việc bao che, che đậy cho nhau ở các cấp lãnh đạo. Qua vụ việc khiếu nại, tố cáo của Trung tá Nguyễn Đức Hưng và Đại úy Lê Chí Thành, chúng ta cũng thấy được, việc khiếu kiện hoàn toàn không giải quyết, xử lý được những sai phạm của lãnh đạo và không đòi được quyền lợi chính đáng của mình.

     Một vấn đề đáng nói nhất, có lẽ hai chiến sĩ công an tố cáo tiêu cực chưa hiểu được, tại sao vụ việc của hai người tố cáo, sai phạm rất rõ ràng, có đầy đủ tài liệu, bằng chứng mà các cấp lãnh đạo không xử lý, không muốn xử lý và không xử lý được. Tất nhiên lý do đầu tiên họ hiểu được, đó là các cấp lãnh đạo cao hơn trong ngành, đều được lãnh đạo hai trại giam lo lót, và có sự gắn kết lợi ích từ lâu và xuyên suốt. Nhưng còn một lý do nữa mà họ không hiểu. Đó là, nếu như xử lý đúng, triệt để hai trường hợp này, thì vô hình chung sẽ khuyến khích hàng trăm, hàng nghìn trường hợp khác oan khuất, sai phạm ở hàng nghìn đơn vị trong toàn ngành vùng lên theo gương hai chiến sĩ này. Khi đó thì ngành công an sẽ hỗn loạn hoàn toàn và không cách gì để xử lý hết được. Đây là hệ quả mà các lãnh đạo ngành hiểu rõ hoàn toàn và không thể giải quyết cho hai đồng chí này được, dù họ rất cay đắng khi những tiêu cực của ngành được phơi bày ra trước bàn dân thiên hạ. Đây cũng là lý do chung mà rất nhiều dân oan của toàn xã hội không được giải quyết các quyền lợi chính đáng của họ./.

Hà Nội, ngày 25/8/2020

N.V.B