You are here

Người bán hàng rong bị xem là “ký sinh” tự bao giờ?

Thân phận người bán hàng rong bị rẻ rúng, xúc phạm và mạ lị không phải là câu chuyện mới mẻ. Hình ảnh những người mẹ, người chị, người em gái, thậm chí có người đã lên tuổi cụ phải chật vật, vất vả từ sớm tinh mơ cho đến chiều tà, đến chợ đầu mối, đến ngã ba đầu làng mua từng trái dưa, trái cà, từng cụm hoa, bó sen… để mang lên thành phố bán kiếm chút tiền lãi, và cuộc đời của họ, cuộc sống của họ bị đẩy xuống tận đáy xã hội bởi chính cái xã hội họ đang sống, đây không còn là chuyện mới mẽ. Có mới mẽ chăng là sự cùng khổ của họ được điển cố hóa, được định dạng bằng mấy chữ của VTV, ấy là “ký sinh trùng”. Và câu chuyện cũng dậy sóng trên mạng xã hội. Nhưng giá như chúng ta nhìn ra điều này sớm hơn!

Sở dĩ có hai chữ giá như ở đây bởi vì không ai khác, chính những người làm việc trong bộ máy công quyền, rồi những chủ cửa hàng trẻ tuổi, những dân quân tự vệ, dân phòng cũng trẻ tuổi, toàn những người trẻ tuổi đã dùng hành động với người bán hàng rong ra sao? Họ đã không tiếc lời mắng nhiếc một người đáng tuổi mẹ, chị của họ chỉ vì người bán hàng rong ngồi bán hàng trên vỉa hè, trước cửa hàng của họ, mà theo luật pháp thì vỉa hè là của chung, không phải của riêng gia đình họ. Rồi hình ảnh các cô gái trẻ, ăn mặc sang cảnh đã chà bánh xe lên rổ dưa, rổ cà của người bán hàng rong, những thanh niên trai tráng khỏe mạnh trong lực lượng dân phòng đã giằng co, hất đổ, đá văng những trái dưa, trái cà, bó cải, bó rau muống, cành hoa của người bán dạo chỉ vì họ không kịp chạy trước khi nhóm này xuất hiện.

Tất cả chúng ta đã làm gì cho người bán hàng rong? Không, dường như xã hội rất hiếm người có đủ thời gian hay tỉnh táo để thương yêu, chia sẻ cho người bán hàng rong, chúng ta thấy bất bình, tức giận khi người bán hàng rong bị hắt hủi, bị tịch thu, bị chà đạp gánh hàng… Nhưng nếu giả sử họ đến ngồi trước nhà chúng ta để bán, không chừng chúng ta cũng thấy khó chịu vì bị án ngữ mặt tiền làm ăn. Đó là tâm lý chung, có thể chúng ta không phản ứng thái quá nhưng chắc chắn chúng ta không muốn chia sẻ hiên nhà để họ ngồi bán một cách tự nhiên và thân thiện được! Dường như xã hội này vốn vậy, bởi cái giá chúng ta bỏ ra để có được mặt bằng, mặt tiền trên phố mà làm ăn, kinh doanh không phải nhỏ, nên chúng ta phải tranh thủ, phải giữ để cái giá ấy bảo toàn (trong chừng mực kinh doanh và trả thuế, trả các loại phí, gồm phí thuê nhà). Chính vì mọi thứ đều khó khăn, quay cuồng nên dường như người ta phai nhạt và mất dần khả năng thông cảm, chia sẻ. Đó là sự thật!

Và, chính sự thờ ơ của mỗi người, chính sự nghi kị của mỗi người và cũng chính cả sự bất minh thân phận của người bán hàng rong ngoài đường bởi thiếu sự hỗ trợ, quản lý và giúp đỡ của nhà nước, chúng ta đâm nghi kị, không dám chìa tay san sẻ một cách trọn vẹn với người bán hàng rong. Và, cũng vì họ không được bảo trợ, họ bị xua đuổi bởi chính quyền địa phương, bởi bộ mặt thành phố, bởi nhiều thứ dường như không gần với đạo đức và nhân tâm nhưng lại sát với các văn bản hành chính… Đâm ra, người bán hàng rong bị lẻ loi, cô độc và họ mang một đời sống khác giữa xã hội này! Cho đến lúc một biên tập viên của VTV dùng từ “ký sinh trùng” để nói về họ, chúng ta thấy tức giận và phản ứng mạnh mẽ.

Đương nhiên, phản ứng của cộng đồng mạng là đúng, nếu không muốn nói là tín hiệu tích cực, đáng mừng rằng xã hội vẫn còn điều tốt đẹp để sống, để yêu thương và hi vọng. Nhưng giá như, chúng ta đều thấy rằng VTV đã sai về cách dùng chữ, đã hỏng hóc về kiến thức nhưng hình như đâu đó, họ lại vô tình làm toát lên bản chất, số phận và căn để của xã hội này, một xã hội thiếu vắng sự thông cảm và chia sẻ với những người có thân phận thấp cổ bé miệng. Khi theo dõi toàn bộ phim phóng sự, tôi lại cảm thấy người làm phim gửi gắm tình cảm, lòng yêu thương của họ dành cho người bán hàng rong, phải nói là phim chan chứa thông cảm và yêu thương, chỉ mỗi cái lỗi dùng đúng hai chữ “ký sinh”. Nhưng, không chừng anh ta lại đúng, bởi anh ta đã dấn thân, đã đi vào từng ngõ ngách đời sống của người bán hàng rong, thậm chí không chừng đã chảy nước mắt vì họ… Nên anh cũng nhận thấy thân phận “ký sinh” mà cái xã hội và hệ thống công quyền địa phương đã phủ lên số phận người bán hàng rong giữa thành phố.

Tôi xin nhấn mạnh là tôi không bênh vực cho hai chữ “ký sinh” đầy mạ lị và phi đạo đức kia. Nhưng nếu cho tôi được nói thật, tôi cũng nói rằng hình như những người bà, người mẹ, người chị, người em bán hàng rong nơi xứ sở của chúng ta cũng đã bị đẩy tới thân phận của ký sinh. Một đời sống chẳng còn được gắn vào xã hội mà chỉ có thể thụ động đeo bám, chịu đựng khó khăn, đau khổ, có thể bị chủ nhà trọ cho ra đường bất kì giờ nào vì thiếu tiền nhà, không làm gì có thu nhập giữa mùa dịch bệnh, vừa có thể bị bắt, bị hất văng gánh hàng, bị ngay cả người đáng con, đáng cháu của họ chà đạp lên rổ dưa, rổ cà… Biết bao nhiêu là đau khổ. Thử hỏi, đời sống như vậy thì liện có phải đã được “cộng sinh” hay chưa? Hay chúng ta không dám nói ra nhưng chúng ta biết rằng người bán hàng rong đã bị đẩy xuống đời sống của một loại ký sinh giữa thành phố?!

Ở đây, cái lỗi dùng chữ nghĩa của biên tập viên VTV khiến chúng ta nổi giận, nhưng cái lỗi của xã hội, của thế hệ, của nhà giàu không thông cảm, của chính quyền thờ ơ và chà đạp đã khiến cho chúng ta chảy nước mắt khi nghĩ về hai chữ này!