You are here

CÔNG LÝ CHO BLOGGER TRƯƠNG DUY NHẤT

Ảnh của nguyenvandai

Ngày 14 tháng 8 năm 2020 tới đây, Tòa án cấp cao tại Hà Nội sẽ xét xử phúc thẩm blogger Trương Duy Nhất với tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Khoản 3, Điều 356 của Bộ luật Hình sự năm 2015.


Trước đó, ngày 9 tháng 3 năm 2020, Tòa án TP Hà Nội đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm và kết án anh Trương Duy Nhất 10 năm tù.

Để giúp các bạn hiểu rõ việc blogger Trương Duy Nhất không phạm tội, tôi phân tích cấu thành điều 356 Bộ luật HS như sau:

Tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Điều 356 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (bổ sung năm 2017), như sau:

“1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.”

Theo kết cấu của các điều luật trong Bộ luật hình sự VN thì để kết luận 1 người có tội thì VKS và Tòa án phải chứng minh người đó phải thỏa mãn tất cả 4 yếu tố cấu thành tội phạm. Chỉ cần 1 trong 4 yếu tố không thỏa mãn thì bị cáo sẽ phải được tuyên vô tội, được trả tự do và được bồi thường.

4 Yếu tố cấu thành tội phạm đó là: Khách thể, Mặt khác quan, chủ thể và mặt chủ quan.

(i) Khách thể của tội phạm

Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ trực tiếp xâm hại đến sự hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức; làm cho các cơ quan tổ chức bị suy yếu, mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân vào Nhà nước.

Vụ án này liên quan đến căn nhà số 82 Trần Quốc Toản, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, vốn trước đây là trụ sở của Văn phòng đại diện khu vực Trung Trung Bộ của Báo Đại Đoàn Kết, mà anh Trương Duy Nhất từng là Trưởng VPĐD một thời gian. Căn nhà này sau khi Báo Đại Đoàn Kết mua từ chính quyền Đà Nẵng, đã được bán lại cho Công ty Xây dựng 79 của Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ Nhôm).
Báo Đại đoàn kết và Công ty XD 79 là 2 pháp nhân đầy đủ được pháp luật thừa nhận. Việc 2 pháp nhân thực hiện giao dịch mua bán bất động sản là 1 giao dịch bình thường được pháp luật cho phép. Giá cả và các điều kiện trong giao dịch mua bán bất động sản do 2 bên tự nguyện thỏa thuận và pháp luật không can thiệp.

Trong toàn bộ quá trình bán lại căn nhà 82 Trần Quốc Toản cho Công ty Xây dựng 79, anh Trương Duy Nhất đã báo cáo đầy đủ và nhận sự uỷ quyền và chấp thuận của Báo Đại Đoàn Kết, căn cứ Quyết định số 112/ĐĐK ngày 12/11/2004 của Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết, chứ hoàn toàn không tự ý làm theo ý riêng.

Như vậy anh Trương Duy Nhất đã không xâm hại đến hoạt động đúng đắn của của Báo Đại Đoàn Kết. Hòan toàn không làm cho báo Đại Đoàn kết suy yếu, mất uy tín,…

Như vậy yếu tố khách thể của tội phạm đã không thỏa mãn! Anh Trương Duy Nhất đã không phạm tội!

(ii) Mặt khách quan của tội phạm được đặc trưng bởi các dấu hiệu sau:

Dấu hiệu thứ nhất “Thủ đoạn phạm tội: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Tức là người phạm tội sử dụng quyền hạn được giao như là một phương tiện phạm tội để thực hiện tội phạm. Tuy nhiên, tội phạm này hoàn toàn không có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản.”

Anh Trương Duy Nhất không có chức vụ, quyền hạn để thực hiện việc mua bán bất động sản. Việc thực hiện giao dịch được thực hiện ủy quyền của Tổng biên tập báo Đại đoàn kết tại Quyết định số 112/ĐĐK ngày 12/11/2004.

Dấu hiệu thứ hai “Hành vi khách quan của tội phạm là hành vi làm trái công vụ tức là không làm hoặc làm không đúng không đầy đủ nhiệm vụ được giao.”

Anh Trương Duy Nhất đã làm đúng nhiệm vụ được Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết giao, không làm trái công vụ.

Dấu hiệu thứ ba “Hậu quả của tội phạm là dấu hiệu bắt buộc, cụ thể là hành vi phạm tội phải gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.”

Tài sản là căn nhà 82 Trần Quốc Toản, thành phố Đà Nẵng đã được các cơ quan chức năng thu hồi trong một án trước đó. Như vậy không có thiệt hại xảy ra.

So với tội nhận hối lộ, phạm vi của tội này cũng tương tự, tuy nhiên, khác với tội nhận hối lộ, dấu hiệu cấu thành bắt buộc của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ phải có hậu quả gây thiệt hại (đến lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân).

Kết luận: Như vậy cả 3 dấu hiệu bắt buộc của mặt khách quan của tội phạm đều không thỏa mãn trong vụ án này. Anh Trương Duy Nhất không phạm tội!

(iii) Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm là người có chức vụ, quyền hạn.

Như đã phân tích ở trên, anh Trương Duy Nhất không đủ chức vụ, quyền hạn để thực hiện giao dịch mua bán bất động sản mà chỉ thực hiện theo sự phân công, ủy quyền của Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết.

Như vậy yếu tố chủ thể của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn cũng không thỏa mãn. Anh Trương Duy Nhất không phạm tội!

(iiii) Mặt chủ quan của tội phạm đặc trưng bởi 2 dấu hiệu:

Lỗi cố ý trực tiếp.

Động cơ phạm tội xuất phát từ động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân.

Cơ quan điều tra, viện kiểm sát, và hội đồng xét xử sơ thẩm không chứng minh được anh Trương Duy Nhất có vụ lợi hay động cơ cá nhân trong vụ bán lại căn nhà 82 Trần Quốc Toản, TP Đầ Nẵng cho công ty 79 của Phan Văn Anh Vũ.

Các luật sư của anh Trương Duy Nhất đã yêu cầu VKS và Hội đồng xét xử chứng minh, nhưng họ đã im lặng và không đưa bằng chứng. Anh Trương Duy Nhất vô tội!

Như vậy, cả 4 yếu tố cấu thành tội phạm của điều 356 Bộ luật HS về tội ‘Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” đều không thỏa mãn.

Trong khi chỉ cần hành vi của anh Trương Duy Nhất không thỏa mãn 1 trong 4 yếu tố cấu thành tội phạm thì anh Trương Duy Nhất đã vô tội rồi.

Tôi khẳng định anh Trương Duy Nhất vô tội!