You are here

Hình phạt nào cho người trốn cách ly Covid-19?

Ảnh của NguyenTrangNhung

Thời gian qua, trong khi nhiều địa phương nỗ lực chống dịch, tại các khu cách ly tập trung đã xảy ra nhiều trường hợp trốn cách ly.

Mới đây, 30 người đã trốn cách ly khỏi bệnh viện Đà Nẵng khiến công tác phòng, chống dịch bệnh thêm phần khó khăn.[1]

Hành vi trốn cách ly, tùy theo tính chất, có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

Theo Quyết định 447/QĐ-Ttg được ban hành vào ngày 1/4/2020, Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A, với nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu.

Căn cứ vào điểm b, khoản 2, Điều 10 Nghị định 176/2013, trường hợp người trốn cách ly là người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, người đó sẽ bị phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng.

Cũng điểm này quy định hai trường hợp khác có cùng mức phạt là đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.

Nếu không rơi vào các trường hợp trên đây, căn cứ vào điểm b, khoản 1, Điều 10 nghị định này, người trốn cách ly sẽ bị phạt tiền từ 2 đến 5 triệu đồng.

Ngoài chịu xử phạt hành chính, người trốn cách ly bị buộc phải thực hiện cách ly theo quy định, căn cứ vào khoản 3, Điều 10 nghị định này.

Các hành vi trốn cách ly với tính chất nghiêm trọng hơn có thể rơi vào hai trường hợp bị xử lý hình sự theo Bộ luật Hình sự (BLHS) như sau: 

Đối với người trốn cách ly (hoặc đã được thông báo mắc bệnh, hoặc bị nghi ngờ mắc bệnh, hoặc trở về từ vùng có dịch[2]) mà làm lây lan dịch bệnh, thì có thể bị phạt tù đến 12 năm về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, theo Điều 240 BLHS. Cùng với đó, người vi phạm có thể bị phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Đối với người chưa bị xác định mắc bệnh nhưng sống trong khu vực đã có quyết định cách ly hoặc phong tỏa mà trốn khỏi khu vực bị cách ly hoặc phong tỏa, gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo Điều 295 BLHS.[3]

Cho đến nay, chỉ một số ít trường hợp được biết là bị xử phạt hành chính, với số tiền phạt từ 2 đến 5 triệu đồng. Báo chí chưa ghi nhận trường hợp nào bị xử lý hình sự. 

Để việc phòng, chống dịch bệnh hiệu quả hơn, xử lý hình sự cần được áp dụng. Cùng với đó, các cơ quan hữu quan cần tỏ rõ trách nhiệm trong việc kiểm soát cách ly tại địa phương, mà như thế, các cán bộ, công chức hữu trách phải chịu các hình thức kỷ luật tương xứng (như khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức,...) nếu thực hiện công tác này kém hiệu quả.

Chú thích:

[1] 30 người trốn khỏi Bệnh viện Đà Nẵng sau lệnh cách ly
http://cand.com.vn/y-te/30-nguoi-bo-tron-khoi-benh-vien-Da-Nang-sau-lenh...

[2][3] Theo Công văn 45/TANDTC-PC hướng dẫn về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19