You are here

Nhà nghiên cứu Trần Khuê, người đấu tranh mạnh mẽ

Ảnh của nguyenvubinh

     Nhà nghiên cứu Trần Khuê (1936-2020), người đã ra đi trong vòng tay bè bạn, khi vừa phát biểu mạnh mẽ về các vấn đề xã hội, đất nước ngày 25/6, là một người đấu tranh dân chủ mạnh mẽ. Ông thuộc thế hệ đầu thức tỉnh của trí thức Xã hội Chủ nghĩa. Lớp trí thức dấn thân thế hệ đầu đã đặt nền móng cho Phong trào Dân chủ Việt Nam. Trong số những người đấu tranh thuộc thế hệ đầu đó, nhà nghiên cứu Trần Khuê là một trong những người mạnh mẽ nhất.

     Phong trào dân chủ có nhiều hoạt động với các nội dung phong phú. Nhưng nổi bật lên vẫn là hai hoạt động, khai dân trí và tập hợp lực lượng dưới hình thức các tổ chức chính trị hoặc xã hội dân sự. Việc tập hợp lực lượng dưới các hình thức tổ chức là hoạt động nhạy cảm, với các rủi ro cao hơn. Những người tham gia vào tổ chức với mục tiêu tập hợp lực lượng đều hiểu rõ tính chất nguy hiểm và thường là những người có quyết tâm cao. Nhà nghiên cứu Trần Khuê là một người như vậy.

     Năm 2001, sau một thời gian tham gia Phong trào Dân chủ, tôi có lui tới giao lưu, học hỏi một số các cụ lão thành cách mạng phản tỉnh, và những người tuy không phải lão thành cách mạng nhưng tuổi đời cũng đã cao, thường là đã về hưu. Tôi đã gặp nhà nghiên cứu Trần Khuê, tôi thường gọi là Chú. Chú Trần Khuê cũng quan tâm tới những người trẻ tuổi tham gia phong trào như tôi, Phạm Hồng Sơn, Lê Chí Quang và chia sẻ những kiến thức cũng như kinh nghiệm hoạt động của mình. Kỷ niệm đáng nhớ nhất của chú Trần Khuê với tôi có lẽ là việc cùng nhau họp bàn với cụ Hoàng Minh Chính và một số các cụ trong việc chuẩn bị thành lập Hội Nhân dân Việt Nam ủng hộ đảng và nhà nước chống tham nhũng (gọi tắt là Hội Chống Tham nhũng) vào cuối tháng 8, đầu tháng 9/2001.

     Khi đó, với sáng kiến của các cụ Hoàng Minh Chính, ông Phạm Quế Dương, nhà nghiên cứu Trần Khuê, cá nhân tôi và một số các cụ nữa, mọi người đã đồng lòng lập ra Hội Chống tham nhũng. Các cụ đã phân công ông Phạm Quế Dương và chú Trần Khuê làm chủ tịch và Phó chủ tịch Hội. Chú Trần Khuê đã hăng hái tham gia từ đầu, và vui vẻ nhận lời làm Phó chủ tịch Hội phụ trách phía Nam. Mặc dù sự việc thành lập Hội Chống tham nhũng không thành công nhưng cũng để lại nhiều kinh nghiệm và kỷ niệm đối với tôi trong thời gian hoạt động cùng các cụ dân chủ thời kỳ đó. Có một kỷ niệm nhỏ về nhà nghiên cứu Trần Khuê mà tôi nhận thấy Ông là một người rất mạnh mẽ trong hoạt động của mình.

     Ngày 02/9/2001, cả nhóm đã gửi đi lá đơn xin thành lập Hội Chống tham nhũng , với tính chất thông báo, chứ không phải chờ được cho phép mới thành lập Hội. Nhà nghiên cứu Trần Khuê có viết một bản gọi là Lời kêu gọi nhân dân tham gia  Hội Chống tham nhũng. Khi Ông đưa ra xin ý kiến mọi người, cụ Hoàng Minh Chính và tôi nhận thấy lời lẽ trong bài viết quá mạnh mẽ và kích động. Cả cụ Chính và tôi đều không đồng ý đưa Lời kêu gọi đó ra công khai. Tôi còn nhấn mạnh, chúng ta chưa thành lập xong được Hội Chống tham nhũng, đưa lời kêu gọi ra ngay, nếu người dân tham gia thì họ tới đâu, gặp ai để tham gia hoặc ủng hộ? Vậy nên khi thành lập xong Hội, chúng ta đưa Lời kêu gọi đó ra cũng chưa muộn. Khi đó, ông Trần Khuê đã không nghe theo lời khuyên của mọi người, vẫn công khai Lời kêu gọi cùng với lá đơn xin thành lập Hội Chống tham nhũng. Sau này, trong mấy buổi làm việc với an ninh về vụ việc thành lập Hội Chống tham nhũng, tôi thấy phía an ninh rất bực tức và cay cú về Lời kêu gọi của chú Trần Khuê. Bản thân nhà nghiên cứu Trần Khuê sau khi bị tạm giữ đã bị đưa về Sài Gòn và nghe nói thẩm vấn liên tục trong gần một tháng. Cá nhân tôi bị thẩm vấn chỉ 5 ngày xung quanh vụ việc. Kể ra kỷ niệm này để thấy, nhà nghiên cứu Trần Khuê rất nhiệt huyết, căm thù tham nhũng và mạnh mẽ trong các việc làm của mình.

     Một việc thứ hai, tôi không được chứng kiến từ đầu vì đang ở tù. Năm 2006, Nhà nghiên cứu Trần Khuê đã tham gia cùng với cụ Hoàng Minh Chính và một số người nữa phục hoạt đảng Dân Chủ. Ông đảm nhận cương vị Phó Tổng Thư ký đảng Dân Chủ phụ tá cho cụ Hoàng Minh Chính là Tổng Thư ký của đảng. Những việc làm này càng khẳng định Ông là người đấu tranh mạnh mẽ, khi cần là tham gia công việc ngay, không ngần ngại, nề hà việc gì, mặc dù khi đó Ông cũng mới mãn hạn 19 tháng tù. Sau khi cụ Hoàng Minh Chính mất (2008), có một việc xảy ra liên quan tới nội tình đảng Dân Chủ. Khi đó, tôi đã được trả tự do và biết được các thông tin về đảng Dân Chủ. Trong cơ cấu của đảng Dân Chủ khi đó rất phức tạp, có thường vụ và chiếm thế áp đảo lại là một nhóm người đang ở nước ngoài. Cụ Hoàng Minh Chính mất đi, việc lựa chọn người thay thế đã không được suôn sẻ. Đại để, ban lãnh đạo đảng Dân Chủ khi đó đã không bầu nhà nghiên cứu Trần Khuê thay thế cụ Hoàng Minh Chính. Nhưng khi đó, ông Trần Khuê đã lập luận, Ông là Phó Tổng Thư ký, là người đang ở trong nước và có nhiều đóng góp nên việc thay thế cụ Hoàng Minh Chính là điều tự nhiên và hợp lý lẽ. Khi không được những người trong thường vụ đồng ý, Ông Trần Khuê đã cùng với một số người tách ra lập thành đảng Dân Chủ Thế Kỷ 21. Tuy sau này cả đảng Dân Chủ và đảng Dân Chủ Thế Kỷ 21 không còn những hoạt động thực tế nào nữa, nhưng tinh thần và tính cách mạnh mẽ của nhà nghiên cứu Trần Khuê rất đáng trân trọng xét dưới góc độ tranh đấu chính trị.

     Cuối đời, nhà nghiên cứu Trần Khuê đã tham gia sinh hoạt trong Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng. Ông đã lên tiếng mạnh mẽ về nhiều vấn đề xã hội và đất nước. Trong lần sinh hoạt Câu lạc bộ cuối cùng của mình, sau khi có những phát biểu tâm huyết, mạnh mẽ, Ông đã bị đột quỵ và ra đi trong vòng tay bạn bè, chiến hữu. Hi vọng ở nơi xa nào đó, Ông sẽ gặp lại chiến hữu, bậc đàn anh Hoàng Minh Chính của mình, và cùng phù hộ cho phong trào Dân chủ, nhân dân và đất nước sớm có tự do và dân chủ./.

Hà Nội, ngày 11/7/2020

N.V.B