You are here

Linh mục Anton Đặng Hữu Nam “được” nghỉ mục vụ vì “Nói chuyện chính trị” – Phần 3

Ảnh của nguyenhuuvinh

Lựa chọn những mối lợi

Trong câu chuyện với Linh mục Anton Đặng Hữu Nam, Đức Giám mục Anphongso Nguyễn Hữu Long đã khẳng định những việc làm của linh mục Nam là không có gì sai phạm, là đúng.

Tuy nhiên, ngài cho biết rằng những việc làm đó là không có lợi. Rồi khi khi linh mục Anton Đặng Hữu Nam khẳng định rằng những việc làm đó của Linh mục Nam không vì danh, chẳng vì lợi, không sợ nguy hiểm hoặc bất cứ điều bì, miễn là làm đúng lương tâm đòi buộc, thì ĐGM cho biết rằng cái không có lợi đó, là không có lợi cho ngài.

Nhiều người khi nghe điều này, hẳn rằng sẽ nghĩ Đức Giám mục Anphongso Nguyễn Hữu Long đang nói về cái lợi của riêng cá nhân ngài?

Nhưng, chúng tôi không nghĩ vậy.

Sở dĩ chúng tôi không nghĩ vậy bởi vì đã là một Giám mục của Giáo hội Công giáo, thì điều quan trọng nhất, lợi ích lớn nhất và là đầu tiên của một Giám mục, đó là lợi ích của cộng đồng dân Chúa đã được giao cho ngài chăm sóc và cai quản.

Cũng nhiều người, sau hành động thuyên chuyển các linh mục trong Giáo phận Vinh vừa qua, đã cho rằng: Đức Giám mục Anphongso Nguyễn Hữu Long đã “theo cộng sản”, vì vậy mà ngài đã có những hành động và việc làm để phục vụ yêu cầu của nhà cầm quyền Cộng sản.

Tuy nhiên, chúng tôi không nghĩ vậy. Bởi ai cũng biết, dù là người bình thường nhất, có nhận thức trong xã hội ngày nay, đều hiểu bản chất chế độ cộng sản là gì và không một ai có lương tri lại không nhận ra điều đó, trừ những người phải gắn bó với cộng sản để kiếm một chút lợi lộc nào đó cho cá nhân mình mà thôi.

Huống chi, là một Giám mục, đã thông hiểu rõ ràng và những điều mà nhà cầm quyền cộng sản đã gây ra cho đất nước, cho dân tộc và trước hết cho chính Giáo hội Công giáo, hẳn rằng ngài chẳng bao giờ bước qua những điều xác tín của mình để trở thành Công cụ của cộng sản.

Và nếu nói một cách sát sườn hơn, thì các Đức Giám mục sống và chết cùng với hàng linh mục, tu sĩ và đàn chiên của mình là chính. Những tác động xã hội, những khó khăn nếu có do chính quyền cộng sản gây ra đối với cá nhân các ngài, có lẽ chẳng đến mức lớn lao như những con dân nước Việt đang oằn lưng lao động, đi làm thuê làm mướn, làm  nô lệ khắp nơi để kiếm những đồng tiền nuôi thân và nuôi đảng, nhà nước. Họ còn chịu trăm ngàn sự đè nén, khốn khổ hơn nhiều.

Mặt khác, nói một cách chính xác thì chính các ngài cũng là nạn nhân cộng sản trong một chừng mực nào đó.

Vậy thì khó có lý do, để nói rằng có một Giám mục nào đó là “Theo cộng sản”.

Tuy nhiên, trong trách nhiệm của mình được giao phó, có những vị thể hiện được sự kiên quyết, sự mạch lạc trong đường lối và cách hành động một cách minh bạch, để mọi người hiểu rõ rằng: Trắng, đen không thể lẫn lộn, thật, giả không thể mập mờ. Nhưng, vẫn có những vị, vì cách một mối tương quan nào đó, hoặc cách suy nghĩ và bản lĩnh khác nhau, thậm chí là từ những nhận thức, thực tế về chính quyền cộng sản, nên đã có những hành động buộc giáo dân và những người quan sát phải bàn tán và bình luận.

Âu đó cũng là điều bình thường. Bởi dù giữ chức vị nào trong cuộc sống, thì con người vẫn là những con người mỏng dòn, yếu đuối và nhiều khi chưa hẳn là sự vượt trội, giỏi dang ở mặt này lại là bao hàm tất cả mọi mặt trong đời sống xã hội.

Đặc biệt, các vị tu hành nhiều khi ít tiếp xúc với cuộc sống đời thường, sẽ khó hiểu hơn và nhất là khó nhìn rõ những âm mưu bẩn thỉu, thâm độc và sự dối trá vô cùng từ những người cộng sản.

Thậm chí, nhiều khi có những vị quá tin tưởng ở khả năng của mình mà không cảnh giác rằng với cộng sản, khả năng về sự lèo lá, dối trá và tàn bạo, thâm độc thì họ trỗi vượt hơn tất cả phần còn lại của thể giới.

Việc phân biệt cái “Lợi” và cái “Hại” trong cuộc sống con người không hẳn là những cái đong đếm được cụ thể như đồng tiền, bát gạo. Bởi cuộc sống con người vốn là sự tổng hòa của nhiều mặt chứ không chỉ vật chất. Nhất là trong đời sống tôn giáo có lẽ cần xác định rằng: Cái “Lợi” cần kíp nhất, là Giáo hội đứng về phía những người bị bất công, áp bức, nghèo khổ, bảo vệ quyền làm người của họ dù bất kể họ là ai. Qua đó, truyền tải đến cho họ lòng yêu thương của Thiên Chúa.

Giám mục, ngài là ai?

Chúng ta đã từng đọc nhiều, nghe nhiều bài viết về nội dung “Linh mục, ngài là ai”? nhưng ít khi đặt câu hỏi vậy Giám mục, Ngài là ai?

Có lẽ đặt câu hỏi này, nhiều người thấy hơi lạ. Bởi với tư duy “đạo làng” xưa nay ở Việt Nam, những tín hữu sốt sáng và nhiệt tình, câu trả lời thường là “Đó là đấng thay mặt Chúa”.

Theo chúng tôi, điều đó là đúng, tuy nhiên, “thay mặt Chúa” thì không phải là Chúa. Do vậy, các Giám mục cũng cần những cách tiếp thu các thông tin, nhận định cuộc sống thực tế, để qua đó kết hợp với lời cầu nguyện cho được sự sáng suốt mà đưa ra những quyết định đúng đắn khi lãnh đạo một Giáo hội được giao phó. Điều đó đặc biệt cần thiết khi mà các Giám mục thực hiện cả các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.  

Và khi bàn đến vấn đề đúng, sai hoặc hơn, thiệt… liên quan đến đời sống Giáo hội và cộng đồng, thiết nghĩ điều cần thiết nhất là căn cứ Giáo luật và Giáo lý. Bởi những sự quy kết, thóa mạ hoặc suy diễn mà không có căn cứ, thì đều hàm chứa trong đó những điều chủ quan, cá nhân và dễ dẫn đến những sai phạm về Giáo lý và Giáo luật đã được Giáo hội ban bố.

Vậy Giám mục là ai?

Có lẽ với vai trò đặc biệt quan trọng quyết định đến vận mệnh thiêng liêng của cả cộng đoàn dân Chúa, nên Giáo hội Công giáo đã đặt ra những điều luật rất cụ thể cho vai trò, chức năng và nhiệm vụ của Giám mục. Những điều luật đó được thể hiện trong Bộ Giáo Luật The Code of Canon Law, từ Điều 375 đến Điều 411:

Ðiều 375: (1) Các Giám Mục là những người, do ý định của Thiên Chúa, kế vị các Tông Ðồ do quyền lực của Chúa Thánh Linh đã ban cho họ, được đặt làm các Chủ Chăn trong Giáo Hội để làm những thầy dạy đạo lý, tư tế phụng tự và tác viên lo việc quản trị”. (Bộ Giáo luật GHCG)

Hẳn nhiên, do ý định của Thiên Chúa, Giáo hội đã đặt ra các chức vụ từ Phó tế, Linh mục cho đến Giám mục, Hồng Y cho đến Đức Giáo Hoàng, điều này chẳng ai có thể chối cãi nếu có niềm tin của người tín hữu.

Ở đây, chúng ta không bàn nhiều đến vai trò, chức năng của một Đức Giám mục, những điều đó đã ghi rõ trong Bộ Giáo luật, mà ở đây, chúng ta chỉ nói vài nét về những điều liên quan đến cách hành xử những vấn đề liên quan đến đời sống chính trị xã hội.

Đối với các linh mục, Giám mục có nhiệm vụ:

Ðiều 384: Giám Mục giáo phận phải lo lắng đặc biệt cho các linh mục, hãy để ý lắng nghe họ như là những phụ tá và cố vấn; hãy bênh vực các quyền lợi của họ; lo cho họ chu toàn đúng mức những nghĩa vụ riêng cho bậc của họ, và giúp cho họ đủ phương tiện và định chế cần có để thăng tiến đời sống thiêng liêng và trí tuệ; cũng phải trù liệu cho họ được trợ cấp xứng đáng và có bảo hiểm xã hội theo như luật định.

Trong Sắc Lệnh về Nhiệm vụ của các Giám mục trong Giáo Hội được ban hành ngày 28/10/1965 bởi Thánh Công Đồng Vaticano 2 đã có những quy định về Nhiệm vụ của các Giám mục trong Giáo hội Công giáo.

11. Ý niệm về Giáo huấn và phận sự Giám Mục trong giáo phận.

… Các Giám Mục phải chăm lo nhiệm vụ tông đồ của mình như những chứng nhân của Chúa Kitô trước mặt mọi người, chẳng những săn sóc những kẻ đã theo vị Thủ Lãnh các chủ chăn, mà lại hết lòng hy sinh cho những người bất cứ cách nào đã đi lạc đường chân lý hay không biết Phúc Âm và lòng nhân từ cứu chuộc của Chúa Kitô, cho đến khi tất cả, sau cùng sẽ "đi trong sự chí thiện, chí công và chân thật" (Eph 5,9).

12. Nhiệm vụ giáo huấn.

… Vì thế, dựa theo giáo thuyết của Giáo Hội, các ngài phải dạy cho họ biết phải kính trọng nhân vị, kính trọng tự do và cả đời sống thể xác như thế nào; phải kính trọng gia đình, còn sự hợp nhất và bền vững của nó, cũng như việc sinh sản và giáo dục con cái như thế nào; phải tôn trọng cộng đồng dân sự với các luật lệ và những nghề nghiệp của nó như thế nào; phải quí trọng lao công, giải trí, nghệ thuật và những khám phá kỹ thuật như thế nào; phải mến chuộng sự nghèo khó cũng như sự sung túc ra sao. Sau cùng các ngài phải trình bày những lý lẽ giải quyết các vấn đề rất hệ trọng liên quan đến việc chiếm hữu, phát triển và việc phân phối hợp lý của cải vật chất, những vấn đề liên quan tới hòa bình và chiến tranh, tới mối bang giao huynh đệ giữa mọi dân tộc.( Sắc Lệnh về Nhiệm vụ của các Giám mục trong Giáo Hội – Công đồng Vaticano 2).

Với những quy định của Giáo luật và sắc lệnh đã nêu, thiết nghĩ rằng: Việc các Giám mục cổ vũ cho Sự thật, Công lý, Hòa bình là điều hiển nhiên và là một trách nhiệm đòi buộc. Bởi chính Chúa Giê su đã phán rằng: “Ta là đường, là sự thật và là sự sống” và “chỉ có sự thật mới giải thoát anh em”.

Và do vậy, việc các linh mục rao giảng lời Chúa liên hệ với đời sống chính trị, nhất là dưới chế độ độc tài, tàn bạo như chế độ cộng sản là điều không thể lảng tránh và thậm chí là hết sức cần thiết.

Điều có thể khẳng định, rằng những lời rao giảng cần thiết đó, là điều có lợi cho cộng đồng giáo dân và những công dân khác ngay trong lãnh địa của Giáo phận mình quản lý. Và điều đó, cũng chính là lợi ích của Đức Giám mục Giáo phận.

Bởi một Giám mục được lựa chọn và đặt lên, theo Bộ Giáo Luật, hẳn nhiên không phải chỉ để nhằm vinh danh một cá nhân nào, mà trước hết và trên hết, là để phục vụ cộng đồng dân Chúa nơi mình được giao phó.

Bởi tấm gương của các Giám mục là cuộc đời Chúa Giêsu. Khi thấy dân chúng muốn tôn vinh Người sau khi chứng kiến những phép lạ Người làm, Chúa Giêsu “đã lánh mặt, đi lên núi một mình, vì biết dân chúng sắp đến bắt đem đi để tôn Người làm vua” (x. Ga 6: 15).

Trong Giáo hội Công giáo, chúng ta đã từng chứng kiến không chỉ các linh mục “Nói chuyện chính trị” mà cả các Giám mục, thậm chí cả Đức Thánh Giáo hoàng John Pall 2, đã có rất nhiều không chỉ là lời nói, mà là cả hành động chính trị cần thiết. Ngay câu khẩu hiệu khi lên làm Giáo Hoàng đã là một động lực, thúc đẩy người dân Ba Lan cũng như nhiều người khác “Đừng Sợ” và dẫn đến sự sụp đổ của chế độ Cộng sản ở Ba Lan nói riêng cũng như ở Đông Âu nói chung.

Chúng ta còn nhớ câu nói của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo 2 rằng: "Tôi sẽ cởi áo giáo hoàng để về bảo vệ và chiến đấu nếu Liên Xô tiến quân xâm lược đất nước tôi". Có lẽ đó là một câu nói rất “Chính trị”.

Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, sau là Đức Giáo Hoàng Benedict 16, trong cuốn sách “Muối cho đời” đã viết về các giám mục như sau: “Giáo hội phải cật vấn những thói hư và những nguy cơ của thời đại, phải ngỏ lời với lương tâm của những kẻ có quyền hành và cả với những nhà tri thức nữa, cả với những người bằng con tim hẹp hòi và thản nhiên, muốn sống lãnh đạm trước những nỗi khốn cùng của thời đại.

Với tư cách là giám mục, tôi cảm thấy bó buộc phải chu toàn sứ mạng này. Ngoài ra, những mất mát lúc đó là quá hiển nhiên: chán nản trong đức tin, sa sút trong ơn gọi, sự xuống cấp các giá trị đạo đức giữa những người của Giáo hội, khuynh hướng bạo lực ngày càng tăng và bao điều khác nữa. Tôi nghe vang vọng bên tai những lời của Thánh kinh và của các Giáo phụ kết án một cách nghiêm khắc những mục tử mà giống như những con chó câm, và nhằm tránh xung đột, để cho sự độc hại lan tràn.

Sự yên ổn không phải là bổn phận đầu tiên của người công dân, và một giám mục chỉ tránh những phiền toái và ngụy trang chừng nào có thể, mọi thứ xung đột, đối với tôi là một hình ảnh ghê tởm” (tr. 95).

Ngài đã gọi những Giám mục không dám lên tiếng trước những thói hư tật xấu, trước những nguy cơ đối với đời sống người dân là những “Con chó câm”. Có lẽ đó không chỉ là những lời nói “chính trị” mà đó còn là những đòi hỏi, yêu cầu đối với các Giám mục từ Đức Giáo Hoàng, người đứng đầu Giáo Hội.

Chúng ta không chỉ nghe những lời nói, mà còn nhìn thấy những hành động của nhiều Đức Giám mục.

Chúng ta đã thấy hình ảnh Giám mục Manille, Hồng y Luis Antonio Tagle, tuần hành bên cạnh những người biểu tình chống tham nhũng những năm trước đây.

Và chúng ta cũng đã từng thấy cả Đức Hồng Y, Giám mục xuống đường biểu tình đòi quyền lợi cho người dân như Đức Hồng Y Trần Nhật Quân, Đức Hồng Y, Giám mục Thang Hán, đã cùng xuống đường biểu tình cùng với các sinh viên đòi quyền tự do, độc lập khỏi chế độ cộng sản Trung Quốc.  

Vậy phải chăng, đó là những hành động ngược lại với Giáo Luật, Giáo lý công giáo?

Chúng tôi thiết nghĩ rằng không hẳn vậy. Những điều ngụy biện, thực chất là ở chính bản thân suy nghĩ và bản lĩnh của mỗi người trước các hiện tượng xã hội mà thôi.

Mới đây, tại Manila, Đức Giám mục Pabillo đã nói trong bài giảng của mình: “Việc im lặng trước những bất công mà người khác phải chịu đối với tôi không gì khác hơn là biểu hiện của tính lơ đễnh và hèn nhát.”

(Còn nữa)

Ngày 27/6/2020

J.B Nguyễn Hữu Vinh