You are here

VÌ SAO KHÔNG THƯƠNG MẾN NHAU

Ảnh của nguyenlanthang

Thật là chả vui vẻ gì khi mấy ngày hôm nay chứng kiến việc người Việt mình chửi nhau toe toét trên mạng xã hội. Ấy là do những sự kiện xảy ra từ cuộc biểu tình đòi công lý cho George Floyd ở Mỹ lan sang cả Việt Nam. Tất nhiên là không ai ở Việt Nam xuống đường vì việc đó như bên Châu Âu, nhưng qua trao đổi với nhau trên mạng xã hội, người Việt Nam ta như bị chia ra thành hai phe, tranh cãi quyết liệt, chửi nhau quyết liệt, thiếu điều lăn vào nhau ăn thua đủ nữa mà thôi.

Thêm nữa là còn một luồng ý kiến rất mạnh mẽ của những người Việt đang sinh sống ở Mỹ và các nước phát triển. "Ba dòng thác cách mạng" ấy dâng lên cuồng nộ, xói sâu vào lòng xã hội Việt Nam, làm người Việt Nam dường như quên đi những bất công, những thảm cảnh đang xảy ra với chính họ hàng ngày. Trong bối cảnh chia rẽ đó, hẳn nhiên kẻ thủ đắc lợi ích chính lại là những kẻ tội đồ "làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân" đang cai trị trên mảnh đất này.

Chính vì lẽ đó, tôi cúi xin mọi người, những người bạn của tôi, những người đã từng xuống đường, những người đã từng lên tiếng trước bất công, những người đã từng góp công góp của, và cả những giọt nước mắt cho quê hương này. Dù ý kiến của bạn là gì, xin hãy bình tĩnh để lắng nghe đôi điều tôi muốn nói sau đây.

Câu chuyện bắt đầu từ cách đây hơn 100 năm, vào khoảng cuối những năm 1890 nhà bác học người Nga tên là Ivan Petrovich Paplop đã phát hiện ra một hiện tượng thú vị khi nghiên cứu về quá trình tiết dịch vị trên loài chó. Mới đầu Paplop muốn nghiên cứu xem não tác động thế nào lên quá trình tiêu hoá thức ăn. Ông cho gắn các ống dẫn để có thể đo đếm được lượng dịch vị tiết ra trong một con chó.

Một hôm khi đang quan sát và đếm số giọt dịch vị tiết ra của con chó, ông chợt phát hiện thấy khi người nhân viên chuyên làm nhiệm vụ mang thức ăn cho chó đến gần thì đột nhiên lượng dịch vị tiết ra tăng nhanh chóng. Bình thường mỗi phút con chó chỉ tiết ra khoảng 25 giọt. Nhưng khi có tiếng chân của người nhân viên quen thuộc kia bước tới thì con chó tiết ra đến 100 giọt dịch vị mỗi phút. 

Paplop mới đề nghị người nhân viên không mang thức ăn đến nữa, nhưng thỉnh thoảng quay lại, rồi lại đi mất. Dẫu lặp đi lặp lại nhiều lần như vậy thì con chó vẫn tiết ra rất nhiều dịch vị, dù mới chỉ nghe thấy bước chân người nhân viên kia. 

Phát hiện này đã cho Paplop một tiền đề để nghi ngờ rằng có những yếu tố khi được lặp đi lặp lại cùng với tác nhân chính sẽ tạo ra phản xạ trong trí não. Đến một lúc nào đó, kể cả bỏ đi tác nhân chính, trí não vẫn có phản xạ, vẫn điều khiển cơ thể thay đổi theo những yếu tố đi kèm. Dù thức ăn không được đưa đến, cứ nghe bước chân quen thuộc là con chó lại chảy rớt rãi ròng ròng như sắp được ăn rồi.

Paplop đã cẩn thận thay đổi yếu tố đi kèm với việc cho chó ăn. Lúc là ánh sáng, lúc là âm thanh, bất cứ yếu tố nào được gắn kèm với việc mang thức ăn đến thì một thời gian sau con chó sẽ có phản xạ ngay với các yếu tố đi kèm này, dù cho thức ăn có được mang đến hay không.

Nhưng thí nghiệm này chỉ có tác dụng với những chú chó làm thí nghiệm đã được huấn luyện lâu dài. Còn với những chú chó mới sinh ra và chưa qua huấn luyện thì không được. Pavlov cho rằng đây là một loại phản ứng đối với sự kích thích từ bên ngoài, ông gọi nó là "phản xạ có điều kiện" của động vật bậc cao. Sau này Pavlov còn đi sâu nghiên cứu về những vấn đề này đồng thời đã viết ra tác phẩm nổi tiếng của mình. Vì những thành tựu này Pavlov nhận được giải thưởng Nobel năm 1904.

Mặc dù hơn 100 năm qua thí nghiệm của Paplop đã nổi tiếng trên toàn thế giới và được đưa vào giảng dạy ở phổ thông, nhưng tôi thấy không phải ai, kể cả những người sống ở xứ sở văn minh cũng hiểu được triết lý sâu xa nằm trong thí nghiệm này.

Tại sao chúng ta có cảm giác tin tưởng với người này, cảnh giác với người kia dù mới chỉ gặp lần đầu? Tại sao có người lại rất ghét người đến từ vùng Thanh - Nghệ? Tại sao có người chỉ nhìn thấy cái nón cối hay nghe giọng dân Bắc Kỳ là muốn nổi điên lên? Tất cả những hiện tượng tâm lý đó nếu chiếu theo thí nghiệm của Paplop đều có thể lý giải được. Ấy là do chúng ta ai cũng có những trải nghiệm nào đó trong quá khứ. Những trải nghiệm kể cả tốt hay xấu đều gắn liền với những yếu tố đặc trưng. Lâu dần não bộ của ta nảy sinh "phản xạ có điều kiện" với tất cả các yếu tố đi kèm, làm ta hình thành nên ác cảm, nên định kiến và sự kỳ thị.

Trong cuộc sống, chúng ta luôn phải ra quyết định. Rất nhiều khi những quyết định của ta đưa ra không xuất phát từ lý trí mà từ trong vô thức, trong những "phản xạ có điều kiện" mà trí não của ta đã học hỏi từ lâu. Những phản xạ có điều kiện đôi khi rất tai hại này dù nhiều người nhận thức ra được, nhưng không phải lúc nào cũng kiểm soát được. Ấy là bởi vì tầng thấp nhất, nhưng quan trọng nhất trong tháp nhu cầu Maslow là nhu cầu được an toàn.

Vì sự an toàn, con người ta sẽ có phản ứng mạnh mẽ, bất chấp lý trí. Người da đen, dân Thanh Hoá, cái nón cối, giọng Bắc Kỳ... tất cả những yếu tố này chỉ là biểu hiện bề ngoài của sự vật hiện tượng. Nó đặc trưng, nhưng không khái quát hết được bản chất của từng con người, từng sự việc mà chúng ta gặp phải hàng ngày.

Tôi không có tham vọng dung hoà các thái cực trong quan điểm chính trị của xã hội, vì tâm hồn mỗi người chúng ta là một vũ trụ riêng, với những "phản xạ có điều kiện" hết sức khác biệt nhau. Thế nhưng nếu có thể bằng một cách nào đó, xin hãy vượt qua những khác biệt, xin ngừng phán xét, để thấu hiểu, để thương cảm, để chung tay vun đắp một tương lai tốt đẹp hơn.

Vì sao 
không thương mến nhau 
còn gây khổ đau làm lỡ nhịp cầu...?

Yêu thương tất cả