You are here

NGỒI XEM CHUYỆN MỸ, ƯỚC CHUYỆN VIỆT NAM

Ảnh của nguyenlanthang

Hôm qua tôi vừa ngồi xem cảnh quay trực tiếp bạo loạn ở Mỹ. Số là có chuyện một người da đen dùng tiền giả mua gì đó ở cửa hàng. Cảnh sát được gọi đến bắt người này, rồi hành động quá tay làm chết người da đen kia. Thế là biểu tình, rồi nổ ra bạo loạn khắp nước Mỹ. 

Từ việc biểu tình đòi công lý cho người da đen xấu số, đám đông kia biến thành đám phiến loạn, đi đập phá, cướp bóc hết chỗ này đến chỗ khác. Tôi quan sát chuyện này mấy hôm rồi mà hơi choáng vì trong cảnh trực tiếp được xem hôm qua có cả đoạn người ta bôi xịt sơn đầy lên xe cảnh sát, rồi đốt luôn. Chắc nước Mỹ cũng không thiếu lực lượng tinh nhuệ để can thiệp mạnh, nhưng tôi chỉ thấy vài xe cảnh sát đến xua người ta dãn ra, rồi xe cứu hoả đến dập đám cháy ấy thôi. Không có ai bị đánh. Không có ai bị bắt ngay sau đó.

Tôi không ở Mỹ, không hiểu rõ chuyện chính trường Mỹ, nên không thể phán gì đúng sai việc có thế lực nào đứng đằng sau trong chuyện này không. Nhưng rõ ràng diễn biến sự việc đang được truyền thông Mỹ theo sát và làm rất tốt. Không như ở Việt Nam, bất cứ đụng độ nào giữa người dân và cảnh sát đều bị bưng bít, rồi nhào nặn đưa lên truyền thông theo cách mà chế độ muốn.

Tại sao tôi lại dám nói như vậy? Có một chuyện có thể người ta chưa quên, nhưng không ai mấy còn nhắc đến nữa. Ấy là chuyện xảy ra ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên ngày 24/4/2012. Cách đây 8 năm tại đó đã xảy ra một vụ cưỡng chế kinh hoàng, với khoảng 5000 lính cơ động, giáp trụ kín người, lăm lăm vũ khí, tràn kín xóm làng để đàn áp những người nông dân giữ đất ở ba xã Xuân Quan, Phụng Công, Cửu Cao. 

Dân bị đánh. Nhà báo bị đánh. Phụ nữ cũng bị đánh, một cách tàn bạo. Nếu ai chưa biết vụ cưỡng chế đất này thì các bạn có thể lục tìm lại trên mạng còn lưu giữ rất nhiều hình ảnh, tư liệu... là bằng chứng sống động về sự tàn bạo này.

Tất nhiên, nếu so sánh về độ tàn bạo với sự kiện Đồng Tâm bây giờ thì chuyện ở Văn Giang chưa là gì. Nhưng với cá nhân tôi thì đó là một trải nghiệm rất lớn, vì tôi chính là một trong những người đã từng về nằm vùng nhiều ngày ngay ở đó, chứng kiến tất cả, quay chụp tất cả những tội ác này. Khi những hình ảnh khủng khiếp được loan truyền khắp thế giới gần như ngay lập tức thì đây là một cú nổ lớn, chấn động dư luận trong nhiều tháng trời. Đó là do việc lần đầu tiên các blogger "lề trái" trên mạng xã hội đã kết hợp với nhau thành một thế lực truyền thông tự do đầy quyền lực. Tất cả tội ác bị phơi bày nhanh chóng. Tất cả những lý lẽ biện minh trên truyền thông nhà nước đều bị bẻ gãy. Rất nhiều nhà báo, luật sư và giới trí thức lao vào bênh vực người nông dân.

Hồi ấy, có một bài thơ mà tôi rất thích, tên là "Chỉ đạo ở Văn Giang" của nhà báo Nguyễn Thông. Mở đầu bài thơ, tác giả viết:

"Các đồng chí

Đã đến lúc không cần che giấu nữa

Những sơn son thếp vàng

Những lụa là phấn sáp

Những bài diễn văn, khẩu hiệu, lời có cánh mị lừa

Vứt tất cả vào sọt rác

Bởi giờ đây chỉ cần hung tàn là đủ

Để đám dân đen kia phải khiếp sợ, lặng câm..."

Thế nhưng rồi đáng buồn là nông dân Văn Giang cũng không giữ được đất. Sau này họ bị dính bẫy vào án hình sự bởi những âm mưu nham hiểm do những kẻ có quyền lực bầy ra. Có những cái chết rất mờ ám, của cả hai phía... Người đi tù. Người tán gia bại sản. Số đông còn lại ngậm ngùi chấp nhận giá đền bù đất đai rất rẻ mạt cho đô thị mọc lên.

Nhưng đáng buồn hơn là giới làm truyền thông lề trái ở Việt Nam không còn "đơn sơ" như ngày xưa. Bây giờ lắm chuyện phức tạp, thôi thì đủ thứ hội nhóm xưng danh xưng tuổi. Vô số lời buộc tội nhau được tung ra trên mạng, nào anh này sạch chị kia bẩn, nào thuyết âm mưu nọ kia... loạn pháp còn hơn cuộc chiến giữa hai đảng Dân chủ - Cộng hoà bên Mỹ. Chẳng biết đường nào mà lần.

Con đường chấn hưng đất nước này còn rất dài, rất chông gai. Việc dân chúng khiếp sợ và câm lặng trước bạo quyền chế độ... không đáng lo bằng việc người ta câm lặng trong các sự kiện lề trái đưa lên, vì không còn biết tin vào đâu. 

Tôi cứ ước làm thế nào để một ngày, những người làm truyền thông có tâm ngồi được lại với nhau, bất kể xuất thân, bất kể tuổi tác... miễn là với một tấm lòng vô tư, vì một tương lai cường thịnh cho đất nước này.

Yêu thương tất cả