You are here

CÔNG LÝ BẤT TOÀN

Mong muốn nắm bắt bản chất hay sự thật khách quan của một vụ án để phân xử đúng người, đúng tội quả thật là đẹp.

Vừa không bỏ lọt tội phạm, vừa không hàm oan người vô tội, có gì hoàn mỹ hơn thế?

Tuy nhiên, đẹp là một chuyện, khả thi hay không lại là chuyện khác.

Vì lẽ biết một sự việc hoàn toàn đúng như nó xảy ra có lẽ là đặc quyền của duy nhất Đấng Toàn Năng, nên công lý toàn hảo như trên chỉ có thể đến từ quyền năng của Ngài.

Rất tiếc con người không nhờ cậy được Đấng Toàn Năng, mà phải tự mình kiến tạo công lý, thông qua thiết chế nhân tạo là Nhà nước, với các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.

Do không có quyền năng nắm giữ sự thật khách quan, con người chỉ xoay sở để tái hiện những gì thực sự đã xảy ra trong một vụ án.

Cũng khiếm khuyết như chính con người, quá trình tái hiện này tiềm ẩn vô số những thiếu sót có thể khiến kết quả lạc mất sự thật và gây ra oan sai.

Ý thức được khoảng cách giữa một sự-thật-được-tái-hiện và chính bản thân sự thật cùng những hậu quả nếu cố chấp đồng nhất chúng, con người, trên đà văn minh, tìm cách rút ngắn khoảng cách này.

Họ phân chia quyền lực điều tra, truy tố, xét xử cho các cơ quan nhà nước khác nhau để kiểm chứng lẫn nhau.

Họ ghi nhận, tôn trọng và bảo vệ hàng loạt quyền của bị cáo để cân bằng trước quyền lực ưu trội của nhà nước.

Quan trọng nhất, họ áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội.

Nguyên tắc này đòi hỏi rằng chỉ khi không còn bất kỳ nghi ngờ hợp lý (reasonable doubt) nào tồn tại, bị cáo mới bị coi là có tội.

Đây chính là lời nhắc nhớ con người về cái khoảng cách có thể được rút ngắn nhưng luôn luôn tồn tại giữa sự-thật-được-tái-hiện và chính bản thân sự thật.

Cũng là lời nhắc nhở rằng con người không phải Đấng Toàn Năng nên luôn phải khiêm cung và tuyệt đối thận trọng trước mọi phán quyết liên quan đến người khác.

Bằng không, rất có thể tội ác vừa không bị trừng phạt mà còn nhân đôi, và công lý chẳng những không tựu thành mà còn bị sỉ nhục đến hai lần.

Nếu hàm oan người vô tội.

Lẽ dĩ nhiên, làm như vậy sẽ không thể tránh khỏi có những lúc chẳng tìm được ai để ràng buộc cho một tội ác. Khi mà mọi phiên bản sự thật đưa ra đều không thể vượt qua những nghi ngờ hợp lý. Khi mà con người, dù cố gắng đến đâu, cũng chỉ đang tái hiện sự thật chứ không phải nắm trong tay sự thật.

Công lý trở nên bất toàn.

Nhưng chính thứ công lý bất toàn này lại đang là thứ công lý tốt nhất mà con người từng có, chừng nào con người vẫn là con người.

Ít nhất, vẫn tốt hơn nhiều lần thứ công lý toàn hảo giả hiệu của những kẻ phán xử luôn dương dương tự đắc rằng mình nắm giữ sự thật, bất chấp mọi nghi ngờ hợp lý, mà điển hình là 17 thẩm phán phiên xử vụ Hồ Duy Hải vừa rồi. 

Thứ công lý vốn không để lại gì khác sau lưng nó ngoài hàng hàng lớp lớp những mộ địa oan khiên.