You are here

Khi người ta đồng thuận giết người

Ảnh của nguyenhuuvinh

Như vậy là bao nhiêu mơ mộng, hy vọng và những sôi sục trong dư luận xã hội Việt Nam thời gian qua đã bị dội một gáo nước lạnh khi “phiên tòa Giám đốc thẩm” vụ án Hồ Duy Hải kết thúc.

Đây là một phiên tòa được dư luận quan tâm không chỉ vì đây là một vụ án oan đơn thuần. Bởi án oan ở đất nước này, thì đâu chỉ có một vụ, một chục hay một trăm vụ mà con số đó chắc chắn là rất lớn. Đã có đại biểu quốc hội là ông Bùi Nguyên Súy đã tính tỷ lệ án sai là 28% vậy thì với 100 trại giam trong cả nước, 4 cơ sở giáo dục bắt buộc và 3 trường giáo dưỡng (là những con số tính được) và hàng trăm nhà tạm giam, tạm giữ khắp cả nước, con số tù nhân và qua đó là nạn nhân oan sai là con số khổng lồ.

Mới đây, ngày 4/11/2019, Uỷ ban Tư pháp đánh giá, chất lượng giải quyết một số vụ án chưa đáp ứng yêu cầu; số trường hợp bị oan tăng 58,3% so với năm 2018.

Thế nhưng, chuyện oan sai cho người dân, đẩy người dân vào tù tội, oan khiên đã trở thành chuyện bình thường của bộ máy cai trị.

Đây cũng không phải là một vụ án giết người quá rùng rợn như những vụ thảm sát hàng loạt người một lúc như thường xảy ra ở Việt Nam.

Nhưng, người ta chú ý bởi tình tiết vụ án, bởi những điều ẩn giấu đằng sau vụ án đã làm những người kém hiểu biết nhất về luật pháp cũng phải chú ý vì những tình tiết hết sức vô lý đến hài hước trong cách thi hành luật pháp tại Việt Nam.

Điều người ta chú ý, là tại sao một vụ án mà suốt quá trình mười mấy năm, dư luận xã hội, báo chí cũng như nhiều người đã vạch rõ những sai trái trong tất cả mọi khâu theo luật pháp quy định. Thế nhưng, cả hệ thống đã bằng mọi cách phớt lờ, bỏ ngoài tai để cố tình tước đoạt mạng sống người dân?

Một vụ án, mà ngay từ khi khởi tố, bắt giam, điều tra, giam giữ, xét xử… tất cả các khâu đều đã bị vạch trần rằng đã vi phạm luật pháp nghiêm trọng. Dư âm của những sai phạm này đã vang lên không chỉ một địa phương mà trong cả nước cho đến ra thế giới và Chủ tịch nước phải hoãn thi hành án tử hình để tổ chức lại Phiên xử Giám đốc thẩm.

Và người ta hy vọng rằng: Hội đồng giám đốc thẩm, TAND tối cao sẽ hủy toàn bộ Bản án sơ thẩm và phúc thẩm để trả hồ sơ về cấp sơ thẩm tiến hành điều tra, xét xử lại vụ án theo thủ tục chung.

Thế nhưng không, Hội đồng xét xử đã bác toàn bộ kháng nghị giám đốc của Viện trưởng VKSND tối cao, điều này đồng nghĩa với việc tiếp tục bất chấp tất cả để tước đoạt mạng sống của một thanh niên.

Mạng người là quan trọng!

Một thời kỳ dài, trong kế hoạch của cuộc xâm lăng văn hóa từ Trung Quốc, hầu hết các đài truyền hình trong cả nước đã đồng loạt chiếu phim Trung Quốc. Những bộ phim từ cổ chí kim được “bạn vàng” cho, tặng, bán… đầy rẫy cho các nhà đài tha hồ chiếu cho công chúng xem.

Đến mức, trẻ em Việt Nam có thể không biết Bà Triệu, Bà Trưng và Trần Quốc Tuấn là ai, nhưng đọc vanh vách những nhân vật trong tiểu thuyết lịch sử Trung Quốc từ Tào Tháo cho đến Lưu Bị, từ Bao Chửng cho đến Triển Chiêu…

Trong bộ phim dài tập Bao Công xử án, người ta thường xuyên nghe nói câu này: “Mạng người là quan trọng” dù cho chính ông ta đã ra lệnh chém đầu không biết bao nhiêu người.

Hơn 1000 năm trước, dù đã chém không biết bao nhiêu người, nhưng trong bất cứ vụ án nào, bao giờ Bao Công cũng bằng mọi cách tìm được chứng cứ khách quan để chứng minh tội lỗi của phạm nhân. Phạm nhân phải cúi đầu tâm phục, khẩu phục và nhận tội trước tòa thì mới bị thi hành án theo luật pháp quy định.

Hơn một ngàn năm sau, khi mà điều kiện hiện đại, đủ mọi phương thức để có thể xác định, điều tra, xét xử những vụ án dù khó khăn nhất, thì ở đất nước Việt Nam, việc “Trọng Chứng hơn trọng Cung” đã bị hủy bỏ ở nhiều vụ án.

Và để có được những bản cung theo ý đồ của cán bộ điều tra là điều không có gì khó khăn.

Biết bao nhiêu vụ ép cung, mớm cung đã xảy ra trên cả nước những năm gần đây bị bộc lộ. Biết bao vụ công dân vào đồn rồi tử vong hết sức bí ẩn thường được giải thích bằng những lý do nghe đã thấy hài hước. Nào là nạn nhân tự tử bằng dây giày, bằng dây rút quần, bằng cách treo cổ trong tư thế ngồi với dấu vết bầm tím khắp người.

Việc dùng nhục hình trong quá trình điều tra, ép cung, mớm cung bắt nhận tội đã được báo chí vạch rõ ràng, được chính các nạn nhân kể lại rành mạch sau những vụ án mà tử tù được minh oan nhờ thủ phạm thật ra nhận tội… Nhưng, tất cả những kẻ gây nên nỗi oan trái cho người dân đều bình an vô sự.

Những vụ phải đền trả hiếm hoi cho những năm tù đày của người dân, đều được lấy từ chính những đồng tiền ngân sách, nghĩa là lại móc túi người dân để đền cho việc sai trái của chính quyền đã gây ra oan khuất cho người dân.

Hầu như không một ai trong hệ thống điều tra, kiểm sát và tòa án bị sờ tới trong những vụ án oan nổi tiếng, rõ ràng và không xa xôi gì lắm.

Vậy thì tại sao không thoải mái gây oan sai.

Việc ép cung, dùng nhục hình sở dĩ được tiến hành bất cứ lúc nào, ở bất cứ ở đâu, chỉ vì tất cả đều được giao vào tay công an. Công an bắt, công an giữ, công an hỏi cung, ép cung, mớm cung và công an hoàn thiện hồ sơ theo ý mình, mặc cho sự thật ở đâu không cần biết, miễn là đạt được ý muốn của ngành công an.

Đã có biết bao tiếng nói, đề nghị, bàn bạc để nhằm hạn chế trường hợp ép cung, mớm cung và dùng nhục hình.

Nhiều người đã yêu cầu việc giam giữ tách biệt với hệ thống công an nhằm tránh việc lạm dụng nhục hình và ép cung. Nhưng công an không chịu.

Đã có nhiều ý kiến cần ghi âm, ghi hình khi hỏi cung, nhưng chẳng ai có thể biết được rằng để ra ghi âm, ghi hình của buổi hỏi cung đó, thì nạn nhân đã được “thử nghiệm” những màn tập dượt cho nhuần nhuyễn những việc công an muốn họ làm, những điều công an muốn họ nói. Nếu chưa hoặc không chịu đạt yêu cầu, thì đã có màn khủng bố nhục hình trong bóng tối, trong nơi giam giữ bởi chính công an hoặc chính các bạn tù cho đến khi đạt yêu cầu mới thôi. Câu chuyện người tử tù kể lại việc phải tập dùng dao đâm vào hình nộm hàng tháng trời cho nhuần nhuyễn để khi công an cần thì diễn cho đúng ý công an.

Vậy thì có cái gì có thể ghi âm, ghi hình khách quan được ngoài ý công an?

Đã có nhiều ý kiến rằng, luật quy định khi hỏi cung, cần có luật sư tham gia mới có giá trị pháp luật. Nhưng công an bao giờ chấp nhận điều đó. Bởi nếu vậy thì hệ thống “Công an giỏi nhất thế giới” làm sao có kết quả điều tra tội phạm?

Mạng người chẳng có gì quan trọng!

Câu chuyện vụ án Hồ Duy Hải đã kéo dài hàng chục năm, không chỉ người thân của nghi can kêu oan khắp nơi, mà báo chí, dư luận xã hội đã đặt ra những vấn đề hết sức nghiêm túc về vụ án này.

Bởi ngay từ đầu, vụ án đã cho thấy sự tắc trách và sự coi thường mạng sống của một con người đến mức ghê tởm của hệ thống luật pháp từ địa phương đến trung ương.

Ở đó, chính những tờ báo nhà nước đã nêu lên những điều hết sức bất hợp lý và những sai sót, những yếu kém cũng như sự quy kết để giết người một cách có chủ đích của cả hệ thống từ công an, viện kiểm sát cho đến tòa án.

Theo Tạp chí tòa án, kháng nghị của VKSND Tối cao chỉ ra nhiều mâu thuẫn trong các lời khai của Hồ Duy Hải.Ở đó chỉ rõ rằng các bút lục trong hồ sơ vụ án mâu thuẫn với nhau như nước với lửa mà chỉ một con người bình thường đã không thể chấp nhận kết tội người khác, chưa nói đến những người am hiểu luật pháp và những người làm công việc liên quan đến luật pháp.

Những sự vô lý từ việc không thể chỉ đích danh thủ phạm là ai, thời gian gây án, động cơ mục đích gây án là gì? Nhân chứng vụ án không có mặt, không xác định được ai đã chứng kiến hung thủ có mặt tại nơi vụ án xảy ra. Thậm chí, những tang chứng, vật chứng đã được cơ quan công an điều tra Việt Nam tiến hành một cách hết sức hài hước và bất ngờ.

Thế rồi khi có phiên tòa Giám đốc thẩm vụ án này, cả xã hội còn có chút hy vọng rằng với bao nhiêu vô lý, vi phạm nghiêm trọng trong mọi khâu từ điều tra, kiểm sát đến tòa án mấy cấp đã qua, người ta nghĩ rằng những người cần cán cân pháp lý tối cao kia, sẽ nghĩ lại và sẽ hành xử đàng hoàng, có chút nhân tính cho việc kết án được khách quan, ít nhất cũng để nạn nhân hiểu rằng: Mọi vấn đề được sáng tỏ và nếu nạn nhân có tội thì cũng phải tâm phục, khẩu phục.

Thế nhưng, cả 17 cái đầu trên những cái cổ nung núc thịt kia, đã không hề động não, không hề biết nghe, biết nhìn và biết nghĩ… bất chấp tất cả dư luận, bất chấp tiếng nói của lương tâm và ít nhất là luật pháp để ra một phán quyết có lý, hợp tình.

Cái câu nói thường được nghe ở những phiên tòa cộng sản là: Có những sai phạm trong quá trình điều tra, xét xử… nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án. Và thế là những cái tay giơ lên đồng thuận giết người.

Và bên ngoài tòa, một cánh tay chới với đưa lên trời như vô vọng, như một sự kêu cứu lên Trời xanh tiếng kêu oan khuất của mình để mong đòi lại chút công lý cho con mình.

Bởi người mẹ đó còn biết kêu ai, khi mà cả hệ thống đã đồng thuận giết chết con bà bằng một cái giơ tay.

Và có nghĩa là con bà sẽ chết tức tưởi, chết trong sự tủi nhục, âm thầm với bao nhiêu ấm ức không được giải tỏa. Chết trong sự nghi ngờ của xã hội rằng không rõ anh ta có tội hay không?

Thậm chí, dư luận xã hội còn nghi ngờ rằng, anh ta chỉ là một co tốt bị đem thí mạng nhằm che giấu tội ác của một cháu con lãnh đạo.

Vậy thì mạng người chẳng có gì là quan trọng ở đây. Miễn là đạt được ý đồ của người cầm cái gọi là “Công lý”.

Vì sao nên nỗi?

Có lẽ, chưa có khi nào trong lịch sử đất nước này, mạng người được coi rẻ rúng như hiện nay, khi mà người dân có thể mất mạng bất cứ khi nào.

Có thể họ chết một mình hoặc tập thể, rất đơn giản và nhan nhản hàng ngày bởi những vụ tai nạn giao thông. Lý do là hệ thống tham nhũng đã không thể đáp ứng hạ tầng giao thông. Cảnh sát chỉ lo vơ vét và trấn lột mặc cho người dân chết cứ chết. Con số đó là hàng chục ngàn người mỗi năm, hơn cả một cuộc chiến tranh khốc liệt nhất.

Có thể họ chết đơn giản vì vào bệnh viện không đủ tiền nộp viện phí thì cứ nằm đợi chết, hoặc chết nhanh hơn khi được hệ thống y tế phân phối thuốc chữa bệnh giả.

Có thể họ chết dần dần, chết mòn bởi những món ăn độc hại trên khắp đất nước, bởi thảm họa biển, bởi những độc hại từ các nhà máy thải ra để căn bệnh ung thư được phân phối cho toàn dân.

Có thể họ chết trong các nhà giam, nhà tạm giữ của công an khi công an muốn lập thành thích chào mừng ngày sinh nhật đảng hoặc sinh nhật bác của họ.

Đủ muôn vàn cách để chết dành cho người dân.

Đó là chưa nói đến những cái chết tập thể kéo dài triền miên bởi cuộc “đấu tranh giai cấp” dẫn đến những cuộc chiến nồi da, nấu thịt. Bởi những cuộc đầu độc phe nhóm…

Những điều đó đã trở thành bình thường, chẳng có gì quan trọng. Bởi chính mạng người đã chẳng còn là điều gì quan trọng.

Sâu xa hơn, điều đó cũng có nguồn gốc của nó. Đó chính là quan niệm của người cộng sản, rằng bản chất thế giới này chẳng có gì ngoài vật chất. Theo lý thuyết cộng sản: “Vật chất có trước, tinh thần có sau” và chủ nghĩa sùng bái vật chất là tư tưởng hành động và là nền tảng cuộc sống xã hội.

Ở đó, vấn đề tâm linh, tinh thần bị tiêu diệt bằng những cuộc cách mạng cộng sản, và khi không thể tiêu diệt được thì cố tình làm cho tha hóa, trở thành tôn giáo công cụ phục vụ chủ nghĩa vô thần.

Và như vậy, thì mạng người có gì đâu là quan trọng.

Và cũng chính vì thế, người ta có thể rất đơn giản, nhẹ nhàng giơ tay biểu quyết đồng thuận giết người.

Khi mà đất nước này, dân tộc này đang được sự lãnh đạo, sự cai trị của một đảng vô thần, của chủ nghĩa cộng sản làm nền tảng tư tưởng… thì mạng người chỉ là cỏ rác mà thôi.

Ngày 12/5/2020

J.B Nguyễn Hữu Vinh