You are here

Biểu tượng công lý: Luật thất tung; vua bất hiếu, háo danh, thiếu học, lạm quyền,…

Ảnh của Gió Bấc

 

 

TAND Tối cao Việt Nam vừa ra văn bản thống nhất tôn vinh Hoàng đế Lý Thái Tông là nhân vật biểu tượng của công lý và hoạt động xét xử do là người đầu tiên soạn Hình Thư và xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật…Tuy nhiên, theo chính sử thì Hình Thư đã bị mất tích gần 1000 năm và không được đánh giá cao. Lý Thái Tông là vị vua bất hiếu, lạm quyền phong chức tước cho thân thích, háo danh đặt nhiều niên hiệu, nhưng thiếu học nên niên hiệu thành thô bỉ, bức tử phụ nữ góa chồng… Có lẽ thành tích tốt nhất của vua này là xin được đem quân đánh giặc giúp cho nhà Tống của Tàu,

Thông tin trên báo chí cho thấy việc lựa chọn này rất quy mộ hoành tráng.  TAND Tối cao đã phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với sự tham dự của các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Viện Sử học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Khoa Lịch sử thuộc Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Viện Trần Nhân Tông Đại học Quốc gia Hà Nội…

TAND Tối cao đã xin ý kiến các cơ quan như Văn phòng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền Thông, Bộ Tư pháp,… và đều nhận được ý kiến đồng thuận cao.

 

TAND Tối cao nêu 5 lý do chọn vua Lý Thái Tông làm biểu tượng này là:

 

Thứ nhất, vua Lý Thái Tông đã ban hành luật Hình thư - bộ luật chính thức thành văn đầu tiên trong lịch sử VN, khai mở “nền pháp luật thân dân VN”.

 

Thứ hai, xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật, thiết lập và thi hành chế độ xét xử theo pháp luật, đưa hoạt động xét xử trong cả nước vào khuôn phép, sòng phẳng, rõ ràng góp phần đưa xã hội phát triển ổn định, công bằng và văn minh.

 

Thứ ba, trực tiếp xét xử nhiều vụ án nổi tiếng với tấm lòng bao dung, nhân từ của vị hoàng đế rất mực yêu thương dân.

 

Thứ tư, đúc chuông lớn đặt ngay trước cửa chính điện Thiên An để người dân trong nước nếu có oan ức thì đến đánh chuông, bày tỏ để được thấu xét.

 

Thứ năm, chăm lo rèn dạy, tin giao toàn bộ việc xử kiện và đào tạo Khai Hoàng Vương (Thái tử Lý Nhật Tôn ) trở thành vị quan xử án mẫu mực và lừng danh trước khi lên ngôi Hoàng đế anh minh Lý Thánh Tông; để lại bài học thành công trong đào tạo người thi hành pháp luật, bảo vệ công lý cho thời đại, (1)

 

Chưa bàn đến nội dung của 5 lý do ấy đã đạt chuẩn mực cho ý nghĩa biểu tượng công lý và chuẩn mực xét xử hay chưa, ngay việc gán ghép cho Lý Thánh Tông 5 đức tính ấy có nhiều điểm đáng ngờ.

 

Không rỏ từng ấy cơ quan pháp luật, học thuật và các giáo sư tiến sĩ quan chức đã lấy đâu ra dữ liệu để tưởng tượng ra 5 lý do trên vì căn cứ vào các tài liệu lịch sử hiên có, Đại Việt sử ký toàn thư (Toàn Thư)- bộ chính sử thời Trần Lê -Lý Thái Tông có nhiều võ công chinh phạt và dẹp loạn nhưng phẩm chất và trị nước có nhiều khiếm khuyết,

 

Hình thư, mất tích làm sao biết nền pháp luật thân dân?

 

 Toàn Thư chỉ ghi nhận về bộ Hình Thư đơn giản là “Trước kia, việc kiện tụng trong nước phiền nhiễu, quan lại giữ luật pháp câu nệ luật văn, cốt làm cho khắc nghiệt, thậm chí có người bị oan uổng quá đáng. Vua lấy làm thương xót, sai trung thư san định luật lệnh, châm chước cho thích dụng với thời thế, chia ra môn loại, biên thành điều khoản, làm thành sách Hình thư của một triều đại, để cho người xem dễ hiểu. Sách làm xong, xuống chiếu ban hành, dân lấy làm tiện. Đến đây phép xử án được bằng thẳng rõ ràng, cho nên mới đổi niên hiệu là Minh Đạo và đúc tiền Minh Đạo”.

 

Nhà bác học Lê Quý Đôn, cũng chì ghi nhận vỏn vẹn “bộ Hình thư này gồm 3 quyển nay không còn”. Sử gia Phan Huy Chú tác giả Lịch triều Hiến chương loại chí - Bộ Bách Khoa thư về Viết Nam thời phong kiến-  khi khen ngợi Bộ Luật Hồng Đức thời Lê đã đưa ra một nhận xét không hay về Hình Thư: “ Nhưng hình của nhà Lý thì lỗi ở khoan rộng; hình của nhà Trần thì lỗi ở nghiêm khắc, nhẹ nặng không đúng mức đều chưa gọi là phép nước được”.

 

Đó là những dữ liệu ít ỏi của chính sử về Hình Thư. Tóm lại ngoài cái tên, không ai biết gì về nội dung bộ luật ấy thì làm sao xác định đó là nền “pháp luật thân dân” như TAND TC đã hư cấu.

 

Có Hình Thư vẫn xử theo chiếu chỉ

 

Điều chắc chắn là, Hình Thư là bộ luật chưa hoàn chỉnh, chưa khái quát hết các hành vi cần điều chỉnh và không thể có việc “xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật, thiết lập và thi hành chế độ xét xử theo pháp luật” như nguyên nhân thứ 2 mà TATC đã đưa ra. Những khái niệm này chỉ có trong thời hiên đại ờ phương tây, sau khi thể chế tam quyền phân lập hình thành.

 

Triều Lý là xã hội phong kiến tập quyền. Vua nắm trọn quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp điều hành đất nước và xử phạt qua mệnh lệnh của vua dưới hình thức chiếu chỉ. Trong xã hội đó vua là thiên tử, ý vua là ý trời, ý vua là pháp luật.

 

Đại Việt sử ký toàn thư (sau đây xin gọi tắt là Toàn Thư) đã ghi nhận sau khi ban hành Hình Thư, đổi niên hiệu là Minh Đạo, Lý Thánh Tông đã nhiều lần ban chiếu chỉ quy định những tội mới và hình phạt mới. Điều này cho thấy Hình Thư chưa hoàn chỉnh và không phải là căn cứ duy nhất để xét xử.

 

“Mùa thu, tháng 8, xuống chiếu rằng kẻ nào đem bán hoàng nam (người con trai 18 tuổi) trong dân gian làm gia nô cho người ta, đã bán rồi thì đánh 100 trượng, thích vào mặt 20 chữ, chưa bán mà đã làm việc cho người thì cũng đáng trượng như thế, thích vào mặt 10 chữ; người nào biết chuyện mà cũng mua thì xử giảm một bậc”

 

“quân sĩ bỏ trốn quá 1 năm xử 100 trượng, thích vào mặt 50 chữ, chưa đến 1 năm thì xử theo mức tội nhẹ, kẻ nào quay lại thì cho về chỗ cũ. Quân sĩ không theo xa giá cũng xử trượng như thế và thích vào mặt 10 chữ”

 

“Quyến khố ty (Ty quản lý tơ lụa), ai nhận riêng một thước lụa của người thì xử 100 trượng, từ 1 tấm đến 10 tấm trở lên thì [phạt trượng] theo số tấm, gia thêm khổ sai 10 năm.”

 

“các quân bỏ trốn xử tội theo ba bậc lưu. Cấm quan coi ngục không được sai tù làm việc riêng, ai phạm thì xử 80 trượng, thích chữ vào mặt và giam vào lao”.

 

Với những quy định này, cho thấy hình phạt của Lý Thái Tông không nhẹ nhàng chút nào. Lòng nhân ái của ông chỉ thể hiện trong việc dẹp loạn tam vương tha mạng cho hai người em ruột của mình mà thôi.

 

Có Hữu Ty lại giao Thái Tử quyền xét xử

Nguyên nhân thứ 3 TAND TC chọn Lý Thánh Tông làm biểu tượng công lý là “trực tiếp xét xử nhiều vụ án nổi tiếng với tấm lòng bao dung, nhân từ của vị hoàng đế rất mực yêu thương dân” thì lại mâu thuẫn với nguyên nhân thứ hai và không có dẩn chứng thực tế.

 

Về lý luận, khi nhà vua vừa lập pháp bằng chiếu chỉ, vừa trực tiếp xét xử thì xã hội chỉ có thượng tôn quân quyền chứ làm sao có thượng tôn pháp luật.

 

Việc TATC chế tác rằng Lý Thái Tông trực tiếp xét xử “nhiều vụ án nổi tiếng với tấm lòng bao dung, nhân từ của vị hoàng đế rất mực yêu thương dân” thì không thấy ghi trong chính sử. Ngược lại Toàn Thư có ghi việc khi đi dẹp giặc ở châu Ái, chỉ vì vua nghi ngờ qua vẻ mặt của đại tướng Nguyễn Khánh và nghe theo báo cáo “âm mưu phản nghịch” đã xử giết xẻ thịt, băm xương đại tướng Nguyễn Khánh, Sư Hổ và xử phạt nhiều người khác. Liệu có phải là công minh và nhân từ?

 

Về nguyên nhân cuối cùng, Lý Thái Tông giao cho con nắm quyền xét xử liệu và dạy con qua thực tế xét xử, có phải là đức tính tốt, biểu trưng cho công lý như TAND TC bình chọn? “Con vua thì được làm vua, con sải ở chùa phải quét lá đa” là câu ca dao từ bao đời nay ta thán sự bất công, tập ấm của thời phong kiến.

 

Trong hệ thống chính trị cộng sản Việt Nam, bao gồm cả các cơ quan tố tụng, việc “đồng chí này là con đồng chí nào?”, con cái quan chức ưu tiên nối nghiệp cha đang rất phổ biến theo các chiêu thức cơ cấu, luân chuyển cán bộ, thì việc Lý Thái Tông cho con quyền ngồi xét xử dân rất đáng đươc lấy làm gương.

 

Với xã hội tiến bộ, thương tôn pháp luật quy trình đào tạo, bổ nhiệm thẩm phán phải cực kỳ khắt khe theo phẩm chất năng lực chứ đâu thể: giao việc xử án và đào tạo cho thái tử”. Thời ấy, triều đình đã có cơ quan xét xử là Hữu Ty. Lý Thái Tông bổ nhiệm con chưa có chuyên môn, lấy nghề dạy thợ đứng ra xét xử là lạm quyền và phi pháp chứ đâu phải là thượng tôn pháp luật.

 

Ngay các sử quan phong kiến đã phê phán hành vi này. Sứ thần Ngô Sĩ Liên nói: Chức việc của thái tử, ngoài việc thăm hỏi hầu cơm vua ra, khi ở lại giữ nước thì gọi là Giám quốc, khi đem quân đi thì gọi là Phủ quân, có thế mà thôi, chưa nghe thấy sai xử kiện bao giờ. Phàm xử kiện là việc của Hữu ty. Thái Tông sai Khai Hoàng Vương làm việc đó không phải là chức phận của thái tử, lại lấy điện Quảng Vũ làm nơi Vương xử kiện là không đúng chỗ.

 

Như vậy, trong 5 lý do TANDTC chọn Lý Thái Tông là biểu tượng cho công lý có đến 4 lý do bất ổn. Đã vậy, về mặt cai trị Lý Thái Tông cũng có nhiều ứng xử bất ổn về phẩm chất, năng lực bi các sử gia phê phán

 

Đang mang tang, vẫn vui chơi lễ tiệc

 

Với con người dù đông, tây, kim cổ, chữ hiếu với cha mẹ là quan trọng. Trong xã hội phong kiến nho giáo phương Đông, chữ hiếu càng quan trọng, nghi lễ cư tang đươc nâng lên thành hình luật, nghiêm cấm bất cứ việc vui chơi hội hè ngay cả cưới hỏi trong thời gian cư tang, người vi phạm phải bị phạt rất nặng, Thế nhưng, Lê Thái Tông đã vi phạm nghiêm trọng quy ước này.

 

Lên ngôi sau khi Lý Thái Tồ mất, ngay trong năm đầu tiên Lý Thái Tông đã làm lễ sinh nhật thật rình rang. Toàn Thư viết “Tháng 6, lấy ngày sinh của vua làm tiết Thiên Thánh. Lấy tre làm núi Vạn Tuế Nam Sơn ở Long trì: kiểu núi làm thành năm ngọn, trên đỉnh ngọn ở giữa dựng núi Trường Thọ, bên đỉnh bốn ngọn xung quanh đều đặt núi Bạch Hạc, trên núi làm hình dạng các giống chim bay thú chạy, lưng chừng núi có rồng thần cuốn quanh, cắm xen các thứ cờ, treo lẫn vàng ngọc, sai con hát thổi sáo thổi kèn trong hang núi, đàn ca tấu múa làm vui, cho các quan ăn yến. Quy chế núi năm ngọn bắt đầu từ đấy”.

 

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: “…Song vua đương để tang mà vui chơi hết mức, không nghĩ đến việc tiên đế chưa chôn sao? Cái lòng đau đớn thương xót, có lẽ không còn gì”.

 

Thiếu lễ, thiếu đạo, vua Thái Tông còn bị xem là thiếu học, không rõ có vì do lỗi của “thằng đánh máy” hay không nhưng vua đã ra chiếu chỉ quy đinh cách xưng hô trớt quớt. Toàn thư viết “Mùa hạ, tháng 4, xuống chiếu cho các quan tâu việc ở trước mặt vua thì gọi vua là "triều đình".

 

Sử thần Lê Văn Hưu bình luận: Thiên tử tự xưng là "trẫm", là "dư nhất nhân". Bề tôi xung vua là "bệ hạ", chỉ chỗ thiên tử ở là triều đình, chỉ chỗ chính lệnh ban ra là "triều sảnh", từ xưa không thay đổi xưng hô. Nay Lý Thái Tông bảo các quan gọi mình là "triều đình", sau Lý Thánh Tông tự xưng là "Vạn thặng", Cao Tông bảo người gọi mình là "Phật" đều không theo phép ở đâu, mà là thích khoe khoang. Khổng Tử nói: "Danh không chính thì nói không thuận" là thế.”

Háo danh, phiền nhiễu lê dân

 

Một nhược điềm khác của Thái Tông là háo danh. Một ông vua thường có nhiều cái tên: đế hiệu, miếu hiệu, … trong đó niên hiệu là tên để người dân, quan chức, triều đình xác lập cột mốc thời gian. Tên của năm, tháng được gọi theo tên niên hiệu và thời gian của niên hiệu ấy. Vì vây, mỗi lần vua thay đổi niên hiệu ít nhiều sẽ gây ảnh hưởng phiền toái cho nền hành chính.

 

Trị vì 27 năm, Lý Thái Tông 6 lần đặt niên hiệu cho mình. Theo phép tắc, vua cha chết, vua mới phải để nguyên niên hiệu của cha, năm sau mới đươc thay đổi. Nhưng khi lên ngôi Thái Tông đã bỏ niên hiệu của cha, đặt niên hiệu mới là Thông Thụy. Sử thần Ngô Sĩ Liên đã phê phán: “ Theo phép kinh Xuân thu thì khi vua cũ mất, vua nối lên ngôi ngay khi bắt đầu phát tang, qua năm ấy rồi mới đổi niên hiệu. Chép việc lên ngôi, theo nghĩa trước sau thì một năm không thể có hai vua được, theo lòng thần dân thì không thể bỏ trống một năm không có vua. Đó là lễ vậy. Thái Tông lại mạo nhận năm [ở ngôi] của tiên đế mà đặt niên hiệu là thế nào?”

 

Chỉ đươc vài năm, Thái Tông đổi niên hiệu Thiên Thành. Sau khi dẹp loạn Nùng Tồn Phúc, quần thần xin đổi niên hiệu là Càn Phù Hữu Đạo và xin tăng tôn hiệu thêm 8 chữ xưng tụng tài năng, công lao của vua dẹp giặc Nùng là: "Kim Dũng Ngân Sinh, Nùng Bình Phiên Phục". Lúc đầu Thái Tông bác bỏ nhưng sau đó cũng nghe theo.

 

Lê Văn Hưu nói: “Đế Nghiêu, Đế Thuấn, Văn Vương, Vũ Vương đều lấy một chữ làm hiệu, chưa từng thấy có tăng thêm tôn hiệu bao giờ. Đế vương thời sau thích khoe khoang mới có tôn hiệu đến vài chục chữ. Nhưng chỉ lấy công đức mà xưng tụng, chưa bao giờ lấy đồ vật và tên man di xen chắp vào. Thái Tông chịu nhận cho bầy tôi dâng tám chữ "Kim Dũng Ngân Sinh, Nùng Bình Phiên Phục" làm hiệu thì việc khoe khoang lại thô bỉ nữa. Thái Tông không có học nên không biết, nhưng bọn Nho thần dâng lên những chữ ấy để nịnh hót vua thì không thể bảo là không có tội”

 

Chỉ đươc 4 năm, khi ban hành Hình thư, Thái Tông lại đổi niên hiệu là Minh Đạo. Sau khi đánh thắng Chiêm Thành, vua lại nghe theo sàm tấu đổi niên hiệu là Thiên Cảm Thánh Vũ, tăng tôn hiệu thêm tám chữ là Thánh Đức Thiên Cảm Tuyên Uy Thánh Vũ. Sáu năm sau lại đổi niên hiệu Sùng Hưng Đại Bảo

 

Lạm ban ân sủng, bức tử góa phụ,

 

 Đương nhiên vua chúa ngày xưa có cả tam cung (3 bà hoàng hậu chánh cung, đông cung, tây cung), lục viện là bình thường nhưng Thái Tông có đến 7 bà hoàng hậu và đều ban chức cao quyền trọng cho các ông cha vợ. Sử thần Ngô Sĩ Liên đã phê phán gay gắt việc lạm quyền ban phát ân sủng cho thân thích này. “Thân thích của hoàng hậu được quý hiển, đời trước cũng đã có. Tuy vậy, lấy thích thuộc cũng phải lấy người có tài. Bọn Hựu quả là có tài chăng? Thì không cứ là cha của hoàng hậu là phải, trao tước phong là không phải. Hoặc có người nói: Đây là ân sủng đặc biệt chỉ cho tước, chứ không cho quyền. Trả lời rằng: Tước cũng đã cao rồi, sao lại có danh hiệu an quốc, phụ quốc, khuông quốc thượng tướng quân mà lạm cho kẻ không có công lao”

 

Nhưng vẫn chưa hết, trong lần đánh Chiêm Thành, giết chết vua Chiêm là Sạ Đầu, Thái Tông cũng bắt các bà vợ vua Chiêm về nước. Khi đến hành điện Ly Nhân, sai nội nhân thị nữ gọi Mỵ Ê là phi của Sạ Đẩu sang hầu thuyền vua. Mỵ Ê phẫn uất khôn xiết, ngầm lấy chăn quấn vào mình nhảy xuống sông chết. Vua khen là trinh tiết, phong là Hiệp Chính Hựu Thiện phu nhân.

 

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: “Phu nhân giữ nghĩa không chịu nhục, chỉ theo một chồng cho đến chết, để toàn vẹn trinh tiết của người đàn bà. Người làm tôi mà thờ hai vua tức là tội nhân đối với phu nhân. Vua khen là trinh tiết, phong làm phu nhân để khuyến khích người đời sau là đáng lắm”.

 

Vẫn biết việc vua chúa chiến thắng lân bang phải giết đươc vua đối phương, chiếm kinh thành, bắt cung phi mới là chiến thắng trọn vẹn, đó là quan niệm phổ biến của thời phong kiến. Nhưng việc cưởng ép người vợ góa đến chết rồi lại phong chức tước vinh danh sao thấy mà bất nhẫn. Liệu với nhân cách con người như vậy liệu có đáng để tôn vinh là biểu tượng cho công lý Việt Nam.

 

Nghi án đánh thuê cho vua Tống?

 

Toàn thư cũng ghi nhận Thái Tông là vị vua duy nhất Việt Nam đã xin đem binh giúp Tàu dẹp loạn. Nguyên Nùng Tồn Phúc là thủ lĩnh người Nùng ở biên giới phía bắc dầy loạn. Vua Lý đánh dẹp giết chết nhưng tha tội và phong chức tước cho con là Nùng Trí Cao tiếp tục cai trị vùng đất ấy. Ít lâu sau Nùng Trí Cao làm phản, tiếm xưng là Nhân Huệ Hoàng Đế, đặt quốc hiệu là Đại Nam, sang cướp đất nhà Tống, phá trại Hoàng Sơn, vây hãm các châu Ung, Hoành, Quý, Đằng, Ngô, Khang, Đoan, Củng, Tầm rồi kéo đến vây thành Quảng Châu đến 5 tuần không lấy được, bèn về. Lại vào Ung Châu, giết tướng tá của nhà Tống hơn 3 nghìn người, bắt sống dân chúng hàng vạn. Đi đến đâu đốt trụi đến đấy. Vua tôi nhà Tống lấy làm lo. Khu mật sứ Địch Thanh dân biểu xin đi đánh. Vua Tống sai Thanh làm Tuyên huy sứ đô đại đề cử, tổng quyền tiết việt đi đánh….

 

 vua xin đem quân đánh giúp, vua Tống cho được tiện nghi. Đến khi Địch Thanh làm Đại tướng bèn tâu rằng: "Mượn binh ngoài để trừ giặc trong không lợi cho ta. Có một Trí Cao mà sức hai tỉnh Quảng không thể chống nổi, lại phải nhờ đến quân cõi ngoài, nếu họ nhân đó mà dấy loạn, thì lấy gì chống lại?" Năm ấy, nhà Tống có chiếu dừng việc viện binh của ta. Đến khi Trí Cao xin quân, vua lại nghe theo lời xin.

 

Lê Văn Hưu nói: “Năm trước, Nùng Tồn Phúc phản nghịch, tiếm hiệu, lập nước, đặt quan thuộc, Thái Tông đã trị tội Tồn Phúc mà tha cho con là Trí Cao. Nay Trí Cao lại noi theo việc trái phép của cha thì tội lớn lắm, giết đi là phải, nếu lấy lại tước và áp phong, giáng là thứ dân, thì cũng phải. Thái Tông đã tha tội, lại cho thêm mấy châu quận nữa, ban cho ấn tín, phong làm Thái bảo, như thế là thưởng phạt không có phép tắc gì. Đến khi Trí Cao gây tai họa ở Quảng Nguyên, lại đem quân đi đánh, mượn cớ là viện trợ láng giềng, có khác gì thả cọp beo cho cắn người, rồi từ từ đến cứu không? Đó là vì Thái Tông say đắm cái lòng nhân nhỏ của nhà Phật mà quên đi mất cái nghĩa lớn của người làm vua”

 

 

 

Với những phẩm chất đã nêu, Lý Thái Tông kém xa Lê Thánh Tông vị vua văn võ toàn tài, với bộ Luật Hồng Đức rất độc đáo, khoa học và có giá trị áp dụng hàng trăm năm sau đến ngay cả thời Pháp thuôc.Bản thân vua Lê đã giải oan cho vụ án Lệ Chi Viên nổi tiếng trong lịch sử ngày nay vẫn còn là đề tài cho nhiều tác phẩm văn học, sân khấu, điện ảnh.

 

Điều đáng nói là không chỉ TANDTC mà từng ấy cơ quan học thuật sao lại kỳ công chọn lựa ông vua khiếm khuyết như vậy để làm biểu tượng.

 

Có lẽ, những phẩm chất bổ nhiệm chức vụ cho con, ra luật nhưng vẫn xử bằng chiếu chỉ, xét xử người chỉ qua vẻ mặt và lời tố cáo… Lý Thái Tông quả thật đáng tiêu biểu cho pháp đình của nhà nước cộng sản Việt Nam với những phiên tòa bịt miệng linh mục Nguyễn Hữu Lý, khóa tay luật sư, những tử tù oan khốc như Nguyễn Thanh Chấn, Hàn Đức Long, Huỳnh Văn Nén,… Cung cách nghi ngờ nét mặt và nghe lời tâu cáo đả xẻ thịt băm xương đại tướng cũng rất tiêu biểu cho hàng ngàn bản án bỏ túi xử tù những người bất đồng chính kiến, phản biện xã hội của tòa nhà sản.

 

Ngay trước mắt TAND TC phải tự xử mình trước kháng nghị của VKSND TC về vụ án Hồ Duy Hải mà Tòa đã nhiều lần bác đơn kêu oan giám đốc thẩm.

 

1-https://dantri.com.vn/xa-hoi/tand-toi-cao-noi-ve-viec-dung-tuong-vua-ly-...

 

 

 

http://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/sach/dvsktt/dvsktt07.html