Hình: Xe tăng của lính miền Bắc tiến vào dinh Độc Lập, ngày 30/4/1975 (Nguồn: Internet)
Ngày giải phóng là tên gọi mà chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở miền Bắc dùng để chỉ 30/4, khi giành được chính quyền Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam và thống nhất hai miền đất nước.
Từ góc nhìn của Việt Nam Cộng hòa, 30/4 không những không là ngày giải phóng mà là ngày quốc hận hay ngày tháng Tư đen.
Giải phóng – từ này có nghĩa là làm cho được tự do, làm cho thoát khỏi địa vị nô lệ hay tình trạng bị áp bức.
Theo đó, để miền Nam được giải phóng, miền này phải ở trong địa vị hay tình trạng ấy.
Nhưng, trong 20 năm tồn tại của Việt Nam Cộng hòa, miền Nam chưa bao giờ là một miền như vậy.
Miền Nam đã là một miền tự do, và Việt Nam Cộng Hòa đã là một quốc gia có chủ quyền, và có khả năng tự quyết.
Do hoàn cảnh đặc thù, Việt Nam Cộng hòa là đồng minh của Hoa Kỳ, còn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là đồng minh của Liên Xô và Trung Quốc, đã đối đầu trong một cuộc chiến đầy cam go.
Đó là cuộc chiến ý thức hệ, giữa một bên theo chủ nghĩa cộng sản và một bên theo chủ nghĩa tư bản.
Bên thắng cuộc, sau 'giải phóng' đã áp đặt chủ nghĩa cộng sản cho toàn bộ đất nước.
Dù chủ nghĩa nào thắng thế, cuộc 'giải phóng' đã dẫn đến cái chết của hàng trăm ngàn người ở cả hai bên chiến tuyến.
Một lối đi khác, hòa bình hơn, thống nhất mà không đổ máu, vì nhiều lý do, đã không được lựa chọn.
Đó là lịch sử mất mát mà chúng ta không thể thay đổi. Song điều mà chúng ta có thể thay đổi là thái độ đối với hai ý thức hệ và cuộc chiến.
Chủ nghĩa cộng sản, theo thời gian, đã được thấy rõ là một ảo tưởng, một giấc mơ không thành của loài người. Việt Nam ngày nay đã không còn theo đuổi cộng sản nữa.
Với thực tế đó, chúng ta cần thừa nhận sai lầm khi đã lựa chọn chủ nghĩa cộng sản cũng như sai lầm khi đã gây ra cuộc chiến ý thức hệ, và vì vậy cần chấm dứt niềm vui chiến thắng kéo dài suốt 45 năm qua.
Cùng với đó, chúng ta hãy thôi gọi đây là ngày giải phóng. Thay vì thế, chúng ta chỉ nên gọi đây là ngày thống nhất mà thôi.
Ngày thống nhất phải là ngày mà chúng ta nhìn lại quá khứ để thấy sai lầm của mình và tự nhủ không lặp lại. Đây cũng nên là ngày hàn gắn các vết thương và nối liền những đứt gãy.
Lý tưởng mà miền Bắc đã theo đuổi hầu như đã bị bỏ lại, và Việt Nam hiện nay đang đi theo chủ nghĩa tư bản mà miền Bắc một thời đã quyết liệt chống đối.
Song, trong khi thừa nhận chủ nghĩa cộng sản là một sai lầm và giờ đây đi theo chủ nghĩa tư bản, chúng ta cũng cần nhận chân rằng chủ nghĩa tư bản mà hầu như toàn bộ thế giới đang đi theo cũng có những vấn đề nghiêm trọng.
Chủ nghĩa tư bản mặc dù đã có sự biến đổi về chất để phù hợp với thời đại song đang đứng trước sự xét lại trước các khủng hoảng ngày càng dồn dập, nhất là về môi trường, trong hiện tại và cả tương lai.
Nhận chân được điều đó sẽ giúp chúng ta điều chỉnh hay tìm ra con đường phù hợp để Việt Nam có thể vượt qua các khủng hoảng một cách ngoạn mục, đồng thời có thể phát triển một cách bền vững, hài hòa và trở thành một quốc gia đáng sống.
Bài bình luận gần đây