You are here

Tham nhũng trong chống dịch và sự bất lực của Tổng Bí thư

Đảng Cộng sản Việt Nam đang chuẩn bị cho kỳ Đại hội XIII của mình, đồng nghĩa với việc công cuộc chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động đã kéo dài gần hết một nhiệm kỳ 5 năm. 

Tuy nhiên, hiệu quả thực sự của công cuộc này như thế nào trong việc giải quyết căn cứ vấn nạn tham nhũng thế nào vẫn còn là một câu hỏi bị bỏ ngỏ. Người ủng hộ thì dẫn chiếu trường hợp những quan chức cấp cao bị đưa vào lò. Kẻ hoài nghi thì cho rằng ‘cái lò có mắt’, biết lựa chọn củi nào bỏ lò, củi nào không.

Trong lúc cuộc tranh cãi chưa có hồi kết thì sự kiện gần đây hàng loạt cán bộ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội bị bắt vì nâng khống giá mua thiết bị y tế chống dịch có vẻ đã giúp những người hoài nghi có thêm lợi thế. 

Rõ ràng, sự việc này cung cấp một ví dụ không thể điển hình hơn chứng tỏ tham nhũng đã di căn toàn diện trong cơ thể chế độ, bởi lẽ nó xảy ra ngay tại Hà Nội, ngay trước mũi hàng loạt các cơ quan chống tham nhũng của cả đảng lẫn chính quyền, trong một hoàn cảnh mà không ai, dù có ác cảm với bộ máy công quyền thế nào, có thể nghĩ đến được - là lúc mà cả nước gồng lên chống dịch trong một tinh thần được chính phủ so sánh với ‘chống giặc’.

Thế rồi, thông tin hàng loạt tỉnh thành khác cũng có dấu hiệu nâng khống giá thiết bị tương tự như Hà Nội đã củng cố thêm cho nhận định rằng: Dù đã trừng phạt nhiều quan chức cấp cao song lò chưa đốt được đến gốc rễ của cây tham nhũng, vốn đang có tốc độ tạo củi nhanh hơn nhiều so với tốc độ đốt lò. 

Điều này cũng phù hợp với phát biểu gần đây nhất của TBT khi chỉ đạo không bầu vào Trung ương những ai giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất không giải trình được nguồn gốc [1]. 

Nghe qua thì nghĩ đây chỉ là thêm một chỉ đạo chung chung, sáo rỗng, lặp đi lặp lại của người đứng đầu đảng. Song ngẫm kĩ thì mới thấy sự bất lực trong đó. 

Theo Công ước Chống Tham nhũng của Liên Hợp Quốc (UNCAC) mà Việt Nam là thành viên thì việc “giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất không giải trình được nguồn gốc” phải bị coi là làm giàu bất chính (illicit enrichment) và bị hình sự hóa [2]. Tức là phải truy tố, bỏ tù những cán bộ đó, chứ đâu chỉ là không bầu vào Trung ương. 

Sự bất lực trước tình trạng giàu có bất chính phổ biến của quan chức các cấp không chỉ thể hiện qua phát biểu trên của TBT, mà tệ hơn, trong tiến trình sửa đổi Luật Phòng chống Tham nhũng đa số Đại biểu Quốc Hội cũng đã từ chối khuyến nghị của UNCAC hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính, trớ trêu thay lại bằng cách viện dẫn quyền công dân về tài sản. 

Thiếu một khuôn khổ pháp lý nghiêm ngặt về chống tham nhũng, mà rộng hơn là thiếu một cuộc cải cách chính trị toàn diện, sâu rộng, tiếng thở dài bất lực cuối nhiệm kỳ của TBT chắc chẳng thể kéo dài lửa lò âm ỉ thêm được bao lâu.

[1] https://tuoitre.vn/khong-chon-can-bo-giau-nhanh-nhieu-nha-dat-nhieu-tai-san-ma-khong-ro-nguon-goc-20200426145833461.htm

[2] https://star.worldbank.org/publication/take-criminalizing-illicit-enrichment-fight-corruption