You are here

Ô nhiễm không khí liên quan đến tỷ lệ tử vong cao hơn nhiều ở những người nhiễm Covid-19

Ảnh của NguyenTrangNhung

Hình: Sương mù tại Los Angeles, California, Hoa Kỳ, ngày 14/8/2019 (Nguồn: EPA, Shutterstock)

Những người nhiễm Covid-19 ở các vùng có không khí ô nhiễm có khả năng tử vong cao hơn nhiều so với những người nhiễm Covid-19 ở các vùng có không khí trong lành.

Đó là phát hiện từ nghiên cứu của một nhóm nhà khoa học tại Trường Y tế Công cộng TH Chan, Đại học Harvard được công bố vào đầu tháng 4 và được cập nhật vào ngày 24/4 vừa qua.[1] 

Nghiên cứu phân tích ô nhiễm không khí và các ca tử vong do Covid-19 tính đến ngày 4/4 ở 3080 hạt (county) của Hoa Kỳ, chiếm 98% dân số.

Nghiên cứu cho thấy ngay cả sự gia tăng 1 đơn vị của mức ô nhiễm không khí nhiều năm trước khi đại dịch xảy ra có liên quan đến sự gia tăng 15% của tỷ lệ tử vong.

"Chúng tôi thấy rằng sự gia tăng chỉ 1 μg/m3 [mật độ] PM2.5 có liên quan đến sự gia tăng 15% tỷ lệ tử vong do Covid-19", nghiên cứu viết.

Các nhà khoa học cho biết không khí bẩn làm tăng nguy cơ mắc hội chứng suy hô hấp cấp tính, vốn là nguyên nhân gây tử vong liên quan đến Covid-19 cũng như các vấn đề khác về hô hấp và tim.[2]

Một sự gia tăng nhỏ trong phơi nhiễm ô nhiễm không khí trong 15-20 năm đã được biết là làm tăng nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân, song nghiên cứu này cho thấy mức tăng này cao gấp 20 lần đối với tử vong do Covid-19.[3]

Nghiên cứu đã tính đến một loạt các yếu tố, bao gồm mức nghèo đói, hút thuốc, béo phì, số lượng xét nghiệm Covid-19 và giường bệnh có sẵn.

Rachel Nethery, một trong các tác giả của nghiên cứu, nói rằng các nghiên cứu trước đây cho thấy phơi nhiễm ô nhiễm không khí làm tăng đột ngột nguy cơ tử vong do SARS trong suốt đợt bùng phát vào năm 2003, và nhóm nghĩ rằng kết quả của nghiên cứu này này phù hợp với các phát hiện đó.[4]

Kết quả của nghiên cứu này cũng phù hợp với phát hiện của một báo cáo từ các nhà khoa học ở Ý rằng tỷ lệ tử vong cao được nhận thấy ở phía bắc của đất nước tương quan với mức ô nhiễm không khí cao nhất.[5] Báo cáo lưu ý rằng miền bắc của Ý là một trong những khu vực ô nhiễm nhất châu Âu và tỷ lệ tử vong được báo cáo đến ngày 21/3 ở khu vực phía bắc vùng Lombardy và Emilia-Romagna là khoảng 12%, so với 4,5% ở phần còn lại của Ý.

Giáo sư Jonathan Grigg, từ Đại học Queen Mary London, cho biết nghiên cứu này có phương pháp và hợp lý, nhưng có một số hạn chế, ví dụ, các yếu tố quan trọng như hút thuốc không được đo ở cấp độ cá nhân.[6]

Phát hiện từ nghiên cứu, theo các tác giả, gợi ý rằng các vùng có mức ô nhiễm không khí cao cần có thêm các biện pháp phòng ngừa và nguồn lực bổ sung để làm chậm sự lây lan của virus và đối phó với dịch bệnh.

Các tác giả cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục thực thi các quy định ô nhiễm không khí hiện có để bảo vệ sức khỏe con người cả trong và sau khủng hoảng Covid-19.

Chú thích:

[1] A national study on long-term exposure to air pollution and COVID-19 mortality in the United States
https://projects.iq.harvard.edu/covid-pm

[2][3][4] Air pollution linked to far higher Covid-19 death rates, study finds
https://www.theguardian.com/environment/2020/apr/07/air-pollution-linked...

[5] Can atmospheric pollution be considered a co-factor in extremely high level of SARS-CoV-2 lethality in Northern Italy?
https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0269749120320601

[6] Như [2]