You are here

ATM gạo và một chấm mực đen, một vệt mực dài…

Đã từng có một thời, Việt Nam, nói về đất nước, con người và hoàn cảnh, người ta chỉ cần vẽ những cái chấm mực loang lổ và rảy cây bút lông để mực kéo một vệt dài từ chỗ chấm mực ấy ra tới mép giấy… Đáng buồn ở chỗ, ai nhìn vào bức tranh kiểu này cũng đều có thể đọc ra được đó là một đoàn người rồng rắn đang xếp hàng, chen lấn để nhận tem phiếu lương thực. Và, cái vệt mực ấy, giữa đất nước ấy, sau hơn 30 năm, kể từ thời kinh tế tập trung bao cấp xã hội chủ nghĩa được thay đổi bằng kinh tế thị trường, nó vẫn không hề được xóa đi. Hình ảnh người ta chen lấn để nhận hai ký gạo từ ATM ở Hà Nội, Huế và một cô bé dáng người nhỏ thó, buồn bã, lủi thủi trả chiếc bao đựng gạo sau khi bị người điều hành ATM gạo đấu tố, yêu cầu bước ra ngoài ở Sài Gòn… Tất cả, có thể nói rằng trong đại dịch cúm Vũ Hán này, mọi thứ thuộc về căn tính Việt đều lộ rõ.                            

                                                                          Cảnh xếp hàng mua rau thời bao cấp. Ảnh: John Ramsden                                                                         

Đáng buồn ở chỗ, trong những hoạt động chia sẻ với người nghèo khó, nếu như có trăm người vui thì cũng có trăm người buồn. Điều này làm nhớ lại câu nói của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt về ngày 30 tháng 4: “Đất nước từ ngày này (30 tháng 4) của năm 1975, nếu có mấy triệu người vui thì cũng có mấy triệu người buồn…”. Và cái sự vui, buồn mà ông nói, có vẻ như không chỉ riêng chuyện chính trị, chuyện có hàng triệu người phải chìm nổi lênh đênh trên biển, trên xứ người hay trên ngay cả quê chả đất tổ mà hình như cái chữ buồn của ông Kiệt cũng không chỉ dừng ở đó, nó còn ám chỉ cả câu chuyện phát sinh từ miếng ăn, từ bữa no, bữa đói của dân tộc.

Một dân tộc buồn và vô phương cứu chữa kể từ khi cuộc đấu tố ruộng đất đầu tiên xảy ra tại huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang vào tháng Giêng năm 1953, con người được dạy cho cách để giết người khác một cách hợp lý, nhân danh trật tự xã hội, nhân danh đấu tranh giai cấp và trước khi chết, nạn nhân phải chịu mọi thứ khổ hình trong tiếng vỗ tay của trẻ con và tiếng hô hưởng ứng của người lớn. Mọi sự đều đã được đào luyện, tẩy não của người Cộng sản, và con người tin rằng cái điều mình làm, từ việc ném đá, tát tai, đấm sưng mắt, vỡ mặt một người không hề thù oán, đáng tuổi cha, mẹ, ông bà mình là chính đáng, là biểu thị của đạo đức. Hay nói đúng hơn, đạo đức đã bị bẻ lái theo hướng bạo lực từ khi người Cộng sản dùng đến bạo lực cách mạng và nó tiếp tục được đánh tráo, đào luyện trong cái lò giáo dục Cộng sản xã hội chủ nghĩa cho đến bây giờ. Hệ qui chiếu về đạo đức, về việc làm thiện lương, về tình yêu trong giáo dục Cộng sản là một thứ ghi chép, sao chụp từ thứ đạo đức man rợ của anh cả Trung Quốc, không hơn không kém.

Và, ở loại đạo đức kiểu này, hai chữ đạo đức trở thành một thứ gì đó méo mó, quái thai, không gần với con người. Hay nói khác đi, đây là thứ đạo đức của vâng phục, ngu tín, mê tín và sùng bái lãnh tụ, sùng bái (cái nhân danh) tập thể. Những thứ tưởng chừng như quái thai ấy tưởng đã chết từ thời kinh tế phát triển theo hướng thị trường. Nhưng không, nó vẫn tồn tại, và tồn tại mạnh hơn bao giờ hết.

Bằng chứng của vấn đề này là những cán bộ tham nhũng vẫn đầy rẫy trong xã hội, những kẻ tham nhũng bẩn bựa vẫn nhơn nhơn lên mặt đạo đức; người dân vẫn trông chờ vào miếng ăn ban phát của chính phủ và lòng lân mẫn của các nhà từ thiện; một số nhà từ thiện tự xem họ ngang hàng với thánh hay vua chúa khi ban phát lương thực cho đồng loại và; đáng sợ hơn cả là giữa thế kỉ 21 văn minh, tiến bộ này, các quán cháo chửi, bún mắng, phở hỗn vẫn đắt khách hơn bao giờ. Người ta bỏ nhiều tiền (hơn so với quán bình thường) để vừa nghe chửi vừa ăn, ăn một cách khiêm nhu, sợ sệt trước người bán hàng. Một loại tâm lý quái lạ bởi cái vai trò thượng đế của khách hàng bị lấy mất và thay vào đó, khách hàng bị ném vào vị trí nô lệ hoặc họ tự chọn tâm thế nô lệ chỉ vì một bát bún, bát phở hay bát cháo mà họ đã mua để ăn!

Tưởng rằng phở mắng cháo chửi hay bún ăn mày là chuyện hãn hữu, cũng không nên quá quan tâm là một sự tưởng quá sai lầm. Bởi số lượng khách tới đây ăn không nhỏ, và thể loại quán mắng, chửi này không những không bị đào thải trong xã hội mà còn phát triển thành nhiều chi nhánh. Rõ ràng, nó cho thấy tâm thức của người Việt Nam chưa bao giờ chạm đến kinh tế thị trường mà đây là loại tâm thức xin – cho, nhận bố thí, hay nói khác đi là một kiểu ăn mày của kinh tế tập trung bao cấp đã được sơn phết, mạ vàng trong sinh hoạt thị trường, nó khiến cho người ta nhầm tưởng rằng Việt Nam đã có một nền kinh tế thị trường thực thụ, nhưng kỳ thực, mọi sinh hoạt kinh tế thị trường không phá được bản chất, tâm thức xin – cho và nhận sự bán phát của một đất nước sống quá lâu bằng thứ linh hồn yếu đuối và phụ thuộc. Vì đã quen yếu đuối, phụ thuộc, quen chịu nhục nên khi bỏ tiền ra ăn, có bị chửi, bị nhục mạ cũng không sao vì nó ngon!

Người dân phụ thuộc vào nhà cầm quyền, nhà cầm quyền lại phụ thuộc vào nhà cầm quyền đàn anh. Tư duy xin, cho, ban phát và nhận chịu vẫn chưa bao giờ thoát ra khỏi trọng tâm của hệ thống quyền lực Việt Nam. Sở dĩ chỉ nói thứ tư duy này chỉ có ở hệ thống cầm quyền bởi suốt nhiều năm nay, người dân không có tự chủ, mọi sự đều phụ thuộc vào nhà nước, ngay cả việc tự cách ly hoặc phòng chống bệnh dịch, dường như cái vệt nối, cái dằm tuân phục và thụ động đã ăn quá sâu trong não trạng nên nhà nước bảo ngừng ra đường thì ngừng ra đường, bảo đi là chuẩn bị tinh thần được đi như mở hội, làm vì lệnh chứ không phải làm vì ý thức tự chủ, tự phòng dịch, tự bảo vệ mình và cộng đồng. Không, hoàn toàn không có yếu tố này nếu xét trên diện rộng, trên số đông. Và trong vấn đề nhận gạo ở các ATM cũng vậy, người nhận vẫn chưa mất tâm lý đám đông, khi đụng tới miếng ăn bản năng trỗi dậy ngay tức thì, chen lấn, vật vã, nhào lộn chỉ vì miếng ăn dù rất nhỏ. Còn, người cho thì không hiếm trường hợp tự cho mình ngồi vào ngai thượng đế để ban phát, ban cho.

Chính vì thứ tâm lý này mà người cho tự thấy họ có quyền phán xét ai là người nghèo theo tiêu chuẩn họ đặt ra, tự cho họ cái quyền đuổi người khác ra khỏi chỗ nhận gạo, tự cho mình cái quyền quay video clip rõ gương mặt người nhận như một sự nhục mạ và còn hơn thế nữa! Tâm lý đấu tố vẫn còn bàng bạc đâu đó ở những “nhà từ thiện” này! Vì nói cho cùng, những người giàu có thời bây giờ, có thể nói rằng hơn 50% trong số họ là thành phần có gốc đỏ, thành phần con ông cháu cha và giàu lên nhờ lợi ích nhóm. Khi hữu sự, những nghệ sĩ, trí thức và người giàu chân chính đã không ngại gian nan, vất vả để chia sẻ với người nghèo thì không ít các công ty, các “đại gia” con ông cháu cha này cũng chen chân, cũng diễn sâu trong màn kịch từ thiện nhằm đánh bóng tên tuổi. Nhưng, bản chất con khỉ vẫn cứ là con khỉ, nó nhanh chóng đu cành, nhanh chóng nhảy qua dây điện trong thành phố vì nhầm đó là cành cây trong rừng già. Những hành vi mạ lị, xúc phạm và tạo ra không khí chộn rộn, chen lấn, xô đẩy của cả người cho và người nhận trong mấy tuần qua đã cho thấy điều này.

Tình cảnh chen lấn kinh hoàng tại cây ATM gạo (Ảnh: Yeah1.com)

Người Việt có quyền mừng vì dịch cúm đã bỏ qua Việt Nam hoặc chưa thể hoành hành, tàn phá trên dải đất hình chữ S này được. Người Việt có quyền mừng vì đạo lý “nhiễu điều phủ lấy giá gương…” vẫn còn bàng bạc trong lòng mỗi con dân Việt. Người Việt có quyền vui vì giữa gian khổ, người vẫn thương người, lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá rách nhiều… Nhưng, người Việt cũng nên nhìn lại và hãy tự biết buồn, bởi đâu đó trong tận căn để, trong sâu thẳm tâm thức của người Việt, những đoàn rồng rắn, chen lấn vì chén cơm, manh áo vẫn chưa bao giờ dứt. Và đi trên thế kỉ 21 này, đi trên sự tiến bộ, chìa tay đón dân chủ, văn minh nhân loại, nhưng người Việt vẫn chưa bao giờ gột bỏ được bức tranh một chấm mực đen, một vệt mực dài mô tả đoàn người rồng rắn chen lấn vì miếng ăn ra khỏi tâm lý của mình.

Hãy biết khóc và biết xấu hổ khi nhìn lại hình ảnh của mình khi điều đó chưa quá muộn. Và khi con người biết xấu hổ trước miếng ăn, trước cái xấu, trước sự hợm hĩnh, kệch cỡm… Thì đất nước mới hi vọng không bị vong nô. Hãy cố lên và làm lại từ đầu, đừng chen lấn và đừng kèn cựa, đừng thù hận và đừng xốc nổi cho mình cái quyền ngồi trên đầu thiên hạ hoặc cái quyền tự quì gối trước quyền lực. Vì đã quá muộn màng, cái chết luôn rình rập, nó càng rình rập, con người càng phải biết sống thanh cao!