You are here

Karma, hai hướng nhìn từ một hiện tượng

Phương Tây, Mỹ, hay  nói khác đi là các nước tư bản, các siêu cường bị nhiễm dịch rất nặng, số người chết cũng rất nhiều so với phương Đông, liệu đây có phải là dấu hiệu để nhận biết khả năng chống dịch của phương Đông tốt hơn phương Tây trong góc nhìn y tế?

Và phương Tây chết nhiều, bị nặng hơn phương Đông, liệu đây có phải là một sự trừng phạt nào đó xét về góc độ Karma, tức Nghiệp?

Thực ra, có một thứ qui luật khác mà hiện tại, sau rất nhiều lời bàn ra tán vào trong vấn đề Vũ Hán, nơi có quá nhiều nghiệp báo với Pháp Luân Công nên người ta sẽ dễ ngộ nhận về vấn đề nghiệp khi mà các nước phương Tây đang chịu thiệt hại nặng nề vì Covid_19.

Thiết nghĩ, cũng nên nhớ tới lá thư mới đây nhất của Đức Đạt Lai Đạt Ma với thông điệp “Lý trí, khoa học và lòng từ bi, đó là sức mạnh cần có của con người để vượt qua đại dịch, không có thứ tha lực nào cứu rỗi chúng ta. Tôn giáo ký thác trong khoa học, trong lý trí minh tuệ và trong sức mạnh lòng từ bi” gửi đến toàn thế giới.

Xét về góc độ y khoa, không, có thể nói rằng không có bất kì một người có lương tâm và tri thức nào dám khẳng định nền y học phương Tây thua kém phương Đông, nếu không muốn nói phương Tây có những ưu điểm y khoa mà có khi cả trăm năm sau phương Đông mới đạt được, hoặc nhanh nhất cũng vài chục năm mới có thể đuổi kịp.

Nhưng, vấn đề ở đây lại liên quan đến mức độ dân chủ, tự do cũng như những giá trị phương Tây đã được minh định qua thời gian. Chính nhưng gì được xem như là ước mơ, thiên đường lại có thể thành con dao hai lưỡi, thậm chí cánh cửa thiên đường và cánh cửa địa ngục vốn là một, nó chỉ khác nhau giữa mặt trái và mặt phải.

Sở dĩ nhắc đến điều này bởi hiện tại, không ít bạn ngộ nhận rằng phương Tây và Mỹ không phải là thiên đường hoặc những giấc mơ Mỹ hay phương Tây chỉ là lâu đài trên cát  và phương Đông với hệ hình chính trị chuyển biến từ quân chủ tập quyền sang Cộng sản độc tài là thiên đường thực thụ khi đứng trước đại dịch, thiên tai…

Có một sự ngộ nhận hết sức tai hại trong luận điểm trên, bởi có hai thứ mà Mỹ và các nước phương Tây không bao giờ ngờ tới, đó là thói quen và đội ngũ làm từ thiện và sức chịu đựng chấn động. Khi nói đến thế giới tiêu dùng, thế giới hưởng thụ có sự đồng thuận từ nhà nước đến nhân dân thông qua Hiến Pháp, đương nhiên phải nhắc đến Mỹ và các nước phương Tây. Và khi nói đến các giá trị phúc lợi xã hội con người nhận được một cách hợp hiến, đương nhiên phải nói tới Mỹ và phương Tây. Và cũng chính vì đời sống quá ổn định, mọi quyền lợi và trách nhiệm đều hiến định rõ ràng nên nỗi bất an thường trực của con người gần như về zero. Đây là mối nguy trong giả định có biến.

Và bằng chứng của mối nguy này chính là đại dịch Covid_19. Hầu hết người dân Mỹ và dân phương Tây đều quen sống trong an toàn, từ chính trị, an ninh đến phúc lợi xã hội, môi trường tự nhiên… Đáng nói hơn, người Mỹ và phương Tây hiếm có người ám ảnh về cái đói nên khả năng tích trữ cá nhân của họ phải nói là rất kém. Ngược với phương Tây, người phương Đông vốn dĩ sống trong khó khăn, gian khổ, thậm chí đói kém và mất tự do, người phương Đông quen gồng lưng để chịu đựng và khả năng vâng phục hết sức cao so với người phương Tây. Chính vì vậy, khi có dịch đến, chỉ mới nghe thôi, người phương Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng đã ngấm ngầm tích lũy vật dụng, lương thực, thuốc men. Bởi nói cho cùng, vâng phục bởi sợ sệt chứ không hẳn là tin. Và có thể nói rằng niềm tin vào chính phủ không phải là không có nhưng chắc chắn người dân không bao giờ phó thác sức khỏe, sinh mệnh và cái bao tử của mình cho chính phủ.

Vì không phó thác mọi thứ cho chính phủ nên người ta phòng thủ nhiều thứ, và khi dịch tới, chỉ cần chính phủ phát động phòng chống thì người ta nhất nhất tuân phục. Tuân phục vì tránh nhiễm, nếu nhiễm sẽ rất khó, hoàn cảnh khó khăn mách bảo với người ta như vậy, tuân phục vì đã quen vâng phục từ trứng nước. Điều này trái ngược với phương Tây, với Mỹ, yếu tố cá nhân được đề cao, dân quyền cũng quá cao nên người dân luôn có quyền đặt ra nhiều câu hỏi trước khi tuân phục một thứ gì đó từ chính phủ. Và với đại dịch, với siêu virus, đây là quãng thời gian cơ hội để nó thâm nhập, khi con người nhận được lời giải thích để đi đến tuân phục thì mọi chuyện đã quá muộn.

Cho đến bây giờ, loại bỏ yếu tố bưng bít thông tin thì việc Bắc Triều Tiên tuyên bố họ chưa bị nhiễm dịch cũng dễ hiểu, bởi người dân của họ không được phép đặt bất kì câu hỏi nào. Mỗi người dân là một thành viên trong chuồng trại độc tài, người chủ cho ăn gì thì ăn nấy, bảo đi thì đi, đứng thì đứng, khóc thì khóc, cười thì cười, đã bảo chết thì khó có cơ sống sót… Chính vì vậy, chính phủ rất dễ để khuôn giới cái chuồng nhân dân của họ, khoanh vùng, loại dịch và ngăn gió độc rất dễ.

Cái khác nhau cơ bản của thế giới tự do và thế giới chịu ách độc tài ở chỗ: Người dân xứ độc tài có sức chịu đựng kinh khủng và dễ sống sót sau mỗi đại dịch nhưng lại sống vật vờ lúc bình thường. Còn người dân xứ tự do, tiến bộ rất dễ bị chết do đại dịch và họ đã được sống trọn vẹn trước đó cũng như khi sống sót, họ sống ra sống. Sự rạch ròi giữa sống và chết của phương Tây lúc nào cũng cao hơn nhiều bậc so với phương Đông. Nghĩa là phương Đông có thể sống sót trong lúc thế giới thoi thóp nhưng lại chết dần chết mòn trong lúc thế giới sống động. Phương Tây thì sống ra sống, chết ra chết và sống tới, chết cũng rất dễ tới!

Xét về Karma, hay nói khác đi là Nghiệp, thì rất khó để nói rằng phương Đông sống sót nhờ phước báu cao còn phương Tây bị dính dịch nặng do nghiệp nặng. Không chừng, kiểu lập luận này đã chạm đến đỉnh điểm của ngụy biện và tà trí. Mởi nghiệp hay duyên đều thể hiện thông qua mức độ an lạc trong từng giây phút sống của mỗi con người. Nghiệp  hay duyên không trả lời bởi câu hỏi anh được sống hay phải chết trong một biến cố nào đó. Câu trả lời về duyên nghiệp rất sinh động, nó biểu hiện qua biểu kế sinh thời của mỗi người.

Nói cho cùng, trong đại dịch lần này, có thể dễ dàng nhận ra rằng người dân của các quốc gia độc tài, mất tự do và thiếu mối tương cảm với chính phủ sẽ dễ chịu đựng, tránh dịch và sống sót hơn người dân sống trong quốc gia đầy đủ quyền làm người, quen sống với đời sống phồn thịnh và viên mãn.

Đương nhiên, mối liên đới của các vấn đề y tế, giáo dục, kinh tế, văn hóa và chính trị cũng nằm trong tương tác duyên nghiệp này. Và tồn tại không có nghĩa là hạnh phúc, cũng như chết đi không có nghĩa là bất hạnh. Vấn đề lâu dài của con người vẫn luôn là  anh sống như thế nào sau khi đã cố gắng sống sót. Điều này không thể phủ nhận các giá trị nhân văn của thế giới phương Tây, thế giới dân chủ và dân quyền.

Cho đến thời điểm hiện nay, người ta vẫn ngạc nhiên vì sao các siêu cường thúc thủ trong đại dịch và các quốc gia đang phát triển, thậm chí các quốc gia nghèo đói lại đang chống dịch rất tốt. Có vẻ như câu trả lời đã rõ. Mọi ngộ nhận sẽ dần được phơi ra ánh sáng.