You are here

Sự bất công trong chiến dịch “đốt lò” của Nguyễn Phú Trọng

Ảnh của nguyenvandai

Điều 16 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 qui định tại khoản 1:

“Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.”


Điều này được hiểu trong lĩnh vực tư pháp khi xử lý những người có hành vi phạm pháp luật là bất kỳ người nào khi vi phạm pháp luật thì đều bị xử một nghiêm minh và bình đẳng như nhau.

Khi tiến hành chiến dịch “đốt lò” chống tham nhũng, Nguyễn Phú Trọng đã rất nhiều lần tuyên bố trước diễn đàn và truyền thông rằng “không có vùng cấm”; “lò đã nóng, củi tươi cũng cháy”,... điều này hàm ý bất kỳ quan chức cộng sản dù ở cấp nào khi vi phạm pháp luật đều bị xử lý.

Trên thực tế đã có nhiều quan chức cao cấp, trong đó có Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư thành ủy TP. HCM đã bị 2 bản án với tổng hình phạt trên 30 năm tù, và ông ta đang đối mặt với bản án thứ ba.

Trong thời gian qua, cũng đã có nhiều quan chức cộng sản cấp tướng, thứ trưởng trong các Bộ công an, Quốc phòng bị truy tố và xét xử.

Nhưng đó là những quan chức cộng sản ở phe đối đầu, cạnh tranh và đe dọa vị thế với Nguyễn Phú Trọng, nhưng phe cánh của họ đã suy yếu, không còn bề trên nâng đỡ.

Nhưng với Lê Thanh Hải, nguyên ủy viên Bộ chính trị và bí thư thành ủy TP. HCM hai nhiệm kỳ, cùng với Lê Hoàng Quân, nguyên ủy viên Trung ương và Chủ tịch TP. HCM hai nhiệm kỳ thì lại khác.

Biện pháp kỷ luật mà Bộ Chính Trị vừa quyết định trong phiên họp ngày 20 tháng Ba vừa qua dưới sự chủ tọa của ông Nguyễn Phú Trọng đối với hai ông Lê Thanh Hải và ông Lê Hoàng Quân về những sai phạm liên quan đến dự án Thủ Thiêm là quá nhẹ.

Ông Lê Thanh Hải chỉ bị phe ông Nguyễn Phú Trọng cách chức nguyên Bí thư Thành ủy TP. HCM nhiệm kỳ 2010-2015, trong khi vẫn được cho tiếp tục giữ chức nguyên Ủy viên Bộ chính trị ở hai nhiệm kỳ 2006-2010 và 2011 – 2016. Còn ông Lê Hoàng Quân thì chỉ bị cảnh cáo, vẫn giữ chức vụ nguyên Ủy viên Trung ương đảng, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP. HCM, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Thành phố HCM.

Theo Điều lệ của đảng cộng sản Việt Nam quy định biện pháp kỷ luật đối với một đảng viên gồm có 4 bậc từ thấp lên cao: Khiển trách, Cảnh cáo, Cách chức và Khai trừ. Dựa theo 4 bậc này thì việc ông Lê Thanh Hải chỉ bị cách chức – mà lại là cái chức đã nghỉ hưu, ông Hải không còn làm nữa, đó là nguyên bí thư thành ủy TP. HCM nhiệm kỳ 2010 – 2016, trong khi ông Hải vẫn còn giữ hàm ủy viên bộ chính trị, và nhiệm kỳ Bí thư thành ủy nhiệm kỳ 2007 – 2011.

Do vậy, biện pháp kỷ luật này rõ ràng chỉ là làm cho lấy có mà thôi.

Trước đó, Hoàng Trung Hải, ủy viên Bộ chính trị, Bí thư thành ủy Hà Nội chỉ bị kỷ luật với mức khiển trách trong vụ làm thất thoát 3000 tỷ đồng trong dự án đầu tư mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên do Trung Cộng đầu tư xây dựng.

Sau đó thì Hoàng Trung Hải được thuyên chuyển công tác về làm phó trưởng tiểu ban văn kiện của Đại hội 13, dưới trướng của Nguyễn Phú Trọng.

Theo giới thạo tin trong nội bộ đảng CSVN cho biết rằng mức sai phạm của Lê Thanh Hải, Hoàng Trung Hải là cực kỳ nghiêm trọng, tham nhũng của hai nhân vật này đều nghiêm trọng gấp nhiều lần Đinh La Thăng.

Nhưng Nguyễn Phú Trọng không dám và không thể ra tay với hai nhân vật này. Đây chính là sự bất công, bất bình đẳng do chính Nguyễn Phú Trọng tạo ra trong quá trình của cái gọi là “chiến dịch đốt lò chống tham nhũng”.

Tại sao mà Nguyễn Phú Trọng lại tạo ra bất công, bất bình đẳng như vậy?

Với Lê Thanh Hải có người đỡ đầu và cùng phe là Trương Tấn Sang. Ở nhiệm kỳ 11, Trương Tấn Sang với vai trò ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch nước đã cùng với Lê Thanh Hải và phe cánh ủng hộ và đứng về phía phe Nguyễn Phú Trọng để hạ bệ Nguyễn Tấn Dũng.

Bởi vậy, phe cánh Trương Tấn Sang, Lê Thanh Hải có công với Nguyễn Phú Trọng. Nên Trọng không thể không kiêng nể Trương Tấn Sang mà phải nhẹ tay với Lê Thanh Hải.

Để chống lại và hạ bệ Nguyễn Tấn Dũng, Phú Trọng còn phải nhờ cậy người mà Trọng tin tưởng và quí mến là Đinh Thế Huynh, mà Hoàng Trung Hải là đàn em và phe cánh của Đinh Thế Huynh.

Và kết quả là Nguyễn Phú Trọng cũng không thể nặng tay với Hoàng Trung Hải.

Như vậy, chúng ta không bao giờ có thể tin vào những phát ngôn của các quan chức cộng sản và việc tuyên truyền của bộ máy truyền thông của chế độ cộng sản.

Những gì họ nói luôn luôn ngược với những gì họ làm. Chỉ những người nghiên cứu, tìm hiểu và có những thông từ trong nội bộ của chế độ thì mới có thể đúng và chính xác.

Trong chế độ cộng sản, sự bất công, bất bình đẳng không chỉ diễn ra trong đời sống chính trị,kinh tế, xã hội,... mà còn diễn ra sâu sắc trong nội bộ cầm quyền của đảng cộng sản Việt Nam.

* Bài viết không phản ánh quan điểm của Đài Á Châu Tự Do