You are here

Thế nào là đại dịch?

Ảnh của NguyenTrangNhung

Hình: Tổng Giám đốc WHO (giữa) tuyên bố Covid-19 là đại dịch vào 11/3 (Nguồn: Fabrice Coffrini/AFP)

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào hôm thứ Tư, 11/3, đã tuyên bố Covid-19 là đại dịch. Điều này khiến nhiều người cảm thấy Covid-19 đáng lo ngại hơn. 

Song cụ thể thì đại dịch có nghĩa là gì và các quốc gia cần ứng phó thế nào trước Covid-19?

Trước hết, dịch được định nghĩa thông dụng là sự lan truyền nhanh và rộng của một bệnh trong một vùng hoặc một quần thể. Các định nghĩa khắt khe hơn bao gồm cả điều – mà có lẽ người ta vẫn hiểu – rằng: có ảnh hưởng đến nhiều người.[1]

Định nghĩa này, như chúng ta có thể thấy, không nói gì về mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Đại dịch, một cách tương ứng, cũng không liên quan đến mức độ nghiêm trọng của bệnh, mà liên quan đến phạm vi địa lý của nó và tùy từ điển, có thể liên quan đến cả lượng người bị ảnh hưởng nữa.

WHO giải thích đại dịch một cách đơn thuần theo phạm vi địa lý. Theo WHO, đại dịch được tuyên bố khi một bệnh mới – mà mọi người không có khả năng miễn dịch – lan truyền khắp thế giới ngoài mong đợi.[2]

Giải thích của Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ có lẽ thỏa đáng hơn, theo đó, đại dịch là dịch lan truyền đến nhiều quốc gia và lục địa, và thường là ảnh hưởng tới một lượng lớn người dân.[3]

Nhưng thế nào là lan truyền khắp thế giới theo giải thích của WHO, hay thế nào là lan truyền đến nhiều quốc gia và lục địa theo giải thích của CDC Hoa Kỳ? 

Không có ngưỡng cụ thể về số quốc gia [và cũng thế về số lục địa] bị ảnh hưởng để một dịch được tuyên bố là đại dịch.[4] Đó là chưa kể nếu tính cả tiêu chỉ về lượng người bị ảnh hưởng thì càng không có ngưỡng cụ thể nào.

Dịch SARS vào năm 2003 – mà vào thời điểm được kiềm chế, có số quốc gia bị ảnh hưởng là 26, số người nhiễm và tử vọng lần lượt là hơn 8000 và gần 800,[5] đã không được tuyên bố là đại dịch.[6] 

Dịch SARS đã được ngăn chặn nhanh chóng và chỉ một số ít quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bao gồm Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Singapore và Canada.[7]

Dịch Covid-19 kể từ khi bùng phát vào tháng 12 năm ngoái đến nay đã có mặt ở 114 quốc gia, khiến hơn 125.000 người nhiễm và hơn 4.600 người tử vong, rõ ràng, lớn hơn SARS về các con số tương ứng.[8]

WHO là chủ thể có tiếng nói cuối cùng trong việc tuyên bố một dịch là đại dịch.[9]

Tuyên bố một dịch là đại dịch là để nâng mức cảnh báo đối với thế giới về dịch, thúc đẩy các quốc gia có các biện pháp thích hợp hơn và khẩn trương hơn để ứng phó.

Theo tổng giám đốc WHO, cách tốt nhất là tiếp cận toàn diện, trong đó xem sự ngăn chặn là quan trọng, và nhấn mạnh rằng sẽ là sai lầm nếu các quốc gia từ bỏ các nỗ lực ngăn chặn.[10]

Nhưng cụ thể hơn thì cần có các biện pháp ngăn chặn ra sao? Có nên đóng cửa biên giới, sân bay, trường học hay không? Khi được hỏi điều này, TS. Mike Ryan, người đứng đầu cơ quan phản ứng khẩn cấp về sức khỏe của WHO cho rằng đây là quyết định mà mỗi quốc gia đưa ra dựa trên đánh giá của họ về mức độ rủi ro và tính chấp nhận được của các biện pháp.[11]

Ryan có lẽ khó có thể đưa ra câu trả lời khác hơn, trước thực tế rằng các chính phủ trên thế giới đang ứng phó với Covid-19 theo các cách khác biệt, thậm chí có phần trái ngược.

Với các chính phủ thận trọng, nhìn chung, tình hình đang được kiểm soát tốt. Với các chính phủ xem nhẹ Covid-19, có lẽ sau một thời gian ngắn nữa, họ sẽ thay đổi thái độ và điều chỉnh các biện pháp ứng phó sao cho có thể ngăn chặn Covid-19 một cách hiệu quả hơn.

Chú thích:

[1] Định nghĩa epidemic
https://www.thefreedictionary.com/epidemic

[2] What is a pandemic?
https://www.theguardian.com/world/2020/mar/11/what-is-a-pandemic-coronav...

[3] Level of disease
https://www.cdc.gov/csels/dsepd/ss1978/lesson1/section11.html

[4] Như [2]

[5] Can we learn anything from the SARS outbreak to fight COVID-19? 
https://www.healthline.com/health-news/has-anything-changed-since-the-20...

[6][7] Như [2]
 
[8] Trang theo dõi sự lây lan của Covid-19
https://gisanddata.maps.arcgis.com/apps/opsdashboard/index.html#/bda7594...

[9] Như [2] 

[10][11] Coronavirus: Pandemic alert should be trigger for countries to do more against COVID-19
https://news.un.org/en/story/2020/03/1059231