You are here

Nam giới nhiễm nCoV nhiều hơn nữ giới: Hút thuốc có thể là lý do

Ảnh của NguyenTrangNhung

Hình: Thuốc lá (Nguồn: slashgear.com)

Dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra đến nay đã khiến hơn 73.000 người nhiễm, gần 1.900 người chết trên toàn cầu, trong đó tuyệt đại đa số là tại Trung Quốc.[1]

Các nghiên cứu gần đây trên các bệnh nhân nhiễm nCoV đều có kết quả giống nhau ở chỗ nam giới chiếm đa số trường hợp và thường là có sẵn vấn đề sức khỏe. 

  • Nghiên cứu trên 138 bệnh nhân tại bệnh viện Zhongnan thuộc Đại học Vũ Hán cho thấy bệnh nhân có tuổi trung bình là 56 và hơn 54% là nam giới.[2]
  • Nghiên cứu trên 99 bệnh nhân tại bệnh viện Vũ Hán Jinyintan cho thấy bệnh nhân có tuổi trung bình là 55,5 và khoảng 68% là nam giới.[3]
  • Nghiên cứu với gần 1099 bệnh nhân (đang chờ được bình duyệt (peer reviewed)) cho thấy bệnh nhân có tuổi trung bình là 47 và khoảng 58% là nam giới.[4]

Các kết quả trên khiến một số nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng nam giới có một số điều kiện sinh học khiến họ dễ bị nhiễm virus hơn.[5]  

SARS vào các năm 2002, 2003 cũng ảnh hưởng tới nam giới nhiều hơn nữ giới. Nhìn vào SARS có thể giúp các nhà khoa học tìm manh mối cho sự khác biệt về ảnh hưởng này trên hai giới của nCoV.[6] 

SARS cũng là một loại virus corona nhảy từ động vật sang người. Nó có chung khoảng 80% bộ gen với nCoV, và giống như nCoV, nó lây nhiễm cho nam giới nhiều hơn nữ giới.[7]

Vào năm 2017, các nhà nghiên cứu tại Đại học Iowa đã tiến hành thí nghiệm trên chuột đực và chuột cái với SARS và phát hiện rằng chuột đực dễ bị nhiễm virus hơn. Họ đã cho rằng các gen nhiễm sắc thể X và các kích thích tố như estrogen có thể khiến virus không lan khắp cơ thể nữ giới.[8]

Trở lại với nCoV, các nhà nghiên cứu tại bệnh viện Vũ Hán Jinyintan đã giải thích tương tự, rằng nữ giới có thể có "tính nhạy cảm hạn chế" ("reduced susceptibility") với sự lây nhiễm. Họ cũng cho biết một số bệnh khác, như tim mạch, tiểu đường, có xu hướng ảnh hưởng đến nam giới trung niên nhiều hơn nữ giới trung niên.[9]

Ngoài giải thích trên, một giải thích khác đáng chú ý là nam giới hút thuốc nhiều hơn nữ giới. So với người không hút thuốc, người hút thuốc nói chung có nguy cơ gặp các vấn đề về hô hấp cao hơn. Tại Trung Quốc, 68% nam giới hút thuốc, trong khi tỷ lệ này ở nữ giới chỉ là hơn 3%.[10] 

Michael Ryan, giám đốc điều hành Chương trình Khẩn cấp về Sức khỏe của Tổ chức Y tế Thế giới cho biết hút thuốc là một giả thuyết cho lý do tại sao nCoV ảnh hưởng đến nam giới là chủ yếu. "Có một sự khác biệt rõ rệt giữa nam và nữ trong đợt bùng phát này về mức độ nghiêm trọng. Và chắc chắn có sự khác biệt rõ rệt trong những thói quen đó [hút thuốc] ở Trung Quốc." Ông nói thêm rằng hút thuốc là yếu tố nguy cơ của bất kỳ loại nhiễm trùng đường hô hấp dưới nào.[11]

Saskia Popescu, nhà dịch tễ học tại nhóm y tế Honor Health ở Arizona, cho biết bất cứ ai có tiền sử hút thuốc sẽ dễ bị nhiễm nCoV hơn. "Vì COVID-19 [tên chính thức của bệnh do nCoV gây ra] là một bệnh về đường hô hấp và thường gây viêm phổi, nên tiền sử hút thuốc có thể làm tăng nguy cơ suy hô hấp hoặc làm viêm phổi nặng hơn." [12]

Các ý kiến chuyên gia vừa nêu củng cố cho giả thuyết rằng hút thuốc là lý do nam giới nhiễm nCoV nhiều hơn nữ giới. Tuy nhiên, cũng có các ý kiến khác, chẳng hạn như của Aaron Milstone, nhà dịch tễ học tại Đại học John Hopkins, rằng một bộ phận dân chúng này không nhất thiết dễ nhiễm bệnh hơn một bộ phận khác.[13]

Milstone có cơ sở bởi còn có thể giải thích khác cho tỷ lệ nhiễm nCoV cao hơn ở nam giới. Nghiên cứu của Đại học Vũ Hán gợi ý rằng tỷ lệ nam giới nhiễm nCoV cao hơn có thể là do điểm xuất phát của dịch là chợ Vũ Hán vốn có hầu hết công nhân là nam trước khi đóng cửa.[14] 

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tỷ lệ bệnh nhân nam và nữ nhiễm nCoV trong Đơn vị Chăm sóc Chuyên sâu tương đương với tỷ lệ bệnh nhân nam và nữ nhiễm nCoV ở các khu vực khác của bệnh viện, cho thấy các triệu chứng của nam giới không nghiêm trọng hơn nữ giới.[15]

Dù giả thuyết rằng hút thuốc là một lý do cho sự khác biệt giữa tỷ lệ nam và nữ nhiễm nCoV chưa được xác nhận, thì cách phòng ngừa nên có đối với người hút thuốc nói chung là giảm hút thuốc, vì một là chừng nào giả thuyết chưa bị bác bỏ thì chừng đó nó có khả năng đúng, và hai là kiểu gì thì giảm hút thuốc cũng sẽ khiến sức khỏe tốt hơn.

Chú thích:

[1] Coronavirus COVID-19 Global Cases by Johns Hopkins CSSE
https://gisanddata.maps.arcgis.com/apps/opsdashboard/index.html#/bda7594...

[2] Clinical Characteristics of 138 Hospitalized Patients With 2019 Novel Coronavirus–Infected Pneumonia in Wuhan, China 
https://jamanetwork.com/journals/jama/fullarticle/2761044

[3] Epidemiological and clinical characteristics of 99 cases of 2019 novel coronavirus pneumonia in Wuhan, China: a descriptive study
https://www.thelancet.com/journals/lancet/article/PIIS0140-6736(20)30211-7/fulltext#seccestitle140

[4] Clinical characteristics of 2019 novel coronavirus infection in China
https://www.medrxiv.org/content/10.1101/2020.02.06.20020974v1

[5][6][7][8][9] Men represent the majority of coronavirus cases so far. Researchers think smoking could play a role.
https://www.businessinsider.com/coronavirus-cases-why-more-men-than-wome...

[10] 68% of Chinese men are smokers—and millions will die because of it
https://qz.com/521662/68-of-chinese-men-are-smokers-and-millions-will-di...

[11][12][13][14][15] Như [5]