You are here

Những vết đạn

Ảnh của canhco

Trong những ngày này cả nước không ít thì nhiều bị ám ảnh bởi những tin tức từ báo chí, mạng xã hội, hay ngay cả những lời kể của người trong cuộc, những nạn nhân của cuộc chiến tranh biên giới tháng Hai năm 1979. Những hình ảnh tàn khốc mà Trung Quốc trao tặng cho bộ đội, nhân dân Việt Nam tuy đã 41 năm trôi qua nhưng những vết đạn vẫn còn đó, in hằn trong tâm khảm của hàng chục ngàn người.

Sáng sớm ngày 17 tháng Hai, 600.000 quân Trung Quốc tràn qua biên giới Việt Nam suốt một dải từ Pa Nậm Cúm (Lai Châu) đến Pò Hèn (Quảng Ninh). Đội quân Trung Quốc đã tiến đánh các thị xã Lạng Sơn, Cao Bằng, thị trấn Cam Đường, 320/320 xã, 735/904 trường học, 428/430 bệnh viện, bệnh xá, 41/41 nông trường, 38/42 lâm trường, 81 xí nghiệp, hầm mỏ và 80.000 ha hoa màu bị tàn phá, 400.000 gia súc bị giết và bị cướp.

Những con số có linh hồn ấy đã nhắc nhở người Việt về kẻ thù phương Bắc từ hàng ngàn năm trải qua nhiều triểu đại nhưng bản chất vẫn không thay đổi. Chúng man rợ bắn giết người dân như giết kẻ thù trên chiến trường.  Ở Tổng Chúp (Cao Bằng) hàng chục người dân vô tội bị quân Trung Quốc sát hại hay ở pháo đài Lạng Sơn, khi tràn vào được, quân Trung Quốc dùng rơm, rạ hun chết hàng trăm người dân.

Những viên đạn bắn thẳng vào các bà mẹ đang bồng con chạy giặc, những trái bộc phá ném thẳng vào hầm trú ẩn của thường dân, những quả bom xăng thiêu rụi hàng chục trẻ em trong một chiếc giếng trời…

Tại thị xã Cao Bằng, quân Trung Quốc dùng thuốc nổ phá sập bất cứ công trình gì từ công sở đến bưu điện, từ bệnh viện đến trường học, từ chợ đến cầu. Tại thị xã Cam Đường trên bờ sông Hồng, cách biên giới khoảng 10km, ngoài việc phá hủy thị xã, quân Trung Quốc còn cho đốt cả mỏ apatit.

Vết đạn thù in hằn trên những căn nhà đổ nát. Những thi thể nằm chỏng chơ trên lề đường, những cuộn giây điện cháy dở vẫn còn bốc khói… tất cả các công trình đều bị phá hủy. Những vết đạn ấy tuy thời gian đã xóa nhòa nhưng trong tiềm thức người Việt đâu dễ gì tan biến. Nó nằm đó, như một lời nhắc nhủ, một tiếng chuông cảnh tỉnh về sự độc ác vô tận của một đạo quân được khoác trên vai mỹ từ giải phóng.

Đúng 41 năm sau, những viên đạn khác lại bắn vào nhà dân nhưng lần này là chính quyền bắn vào nhà của người dân Đồng Tâm, giết chết một ông già 84 tuổi đời 58 tuổi đảng, ông bị bắn vào tim giống như dí súng sát vào người rồi bóp cò. Trên thân thể gầy teo ấy chiếc chân phải bị bắn gần như rời ra khỏi thi thể cho thấy sự hận thù của sát thủ không khác gì bọn Trung Quốc giết người dân tại các tỉnh phía Bắc. Một lực lượng gần 3000 ngàn cảnh sát cơ động bao vây ngôi làng nhỏ bé để chỉ giết cho bằng dược một cụ già có phải là một hành vi có thể sánh ngang với tội ác của quân cướp nước?

Nếu 600 ngàn quân Trung Quốc tràn vào Việt Nam bị chận lại bằng những bộ đội tinh nhuệ thì 3000 công an, đặc vụ tràn vào làng Hoành, Đồng Tâm không gặp một lực lượng nào chống lại nhưng trớ trêu thay lại có ba cán bộ bỏ mình trong một cái giếng trời mà ai cũng thấy là khó tin đến nực cười.

Căn nhà của cụ Kình đầy vết đạn xuyên thủng, nó như bằng chứng sống động chứng minh rằng cảnh sát cơ động đã tấn công bằng nhiều loại vũ khí trước khi giết chết một ông già không tự đi đứng một mình được. Những vết đạn ấy được phát tán trên mạng qua các bài viết của những trí thức thực sự. Họ đã bỏ công tìm đến làng Hoành chứng kiến tận mắt những vết đạn bi ai đó và lên tiếng cảnh tỉnh cả xã hội vốn đang bị dẫn dắt bởi những kẻ đang run sợ sự thật phơi bày.

Nhà văn Đỗ Hoàng Diệu về đến tận nhà cụ Kình rồi viết: “Tôi rất muốn hỏi bí thư chi bộ xã Đồng Tâm, sao chưa khai trừ đảng viên Lê Đình Kình khỏi tổ chức, khi ông là “đối tượng chống đối nguy hiểm” như vậy? Tôi tự hỏi mình, loạt đạn đã bắn vào nhà ông Kình, thủng tường, thủng cửa, thủng tủ, thủng tim, sao không thủng bảng hiệu 55 năm tuổi đảng. Nếu đạn trúng tấm vinh danh ấy, nó sẽ thành hiện vật lịch sử, một hiện vật bi hài.

Đứng bên bờ chiếc giếng trời “huyền thoại”, giữa hai ngôi nhà của hai con trai ông Kình, những người bị bắt đi, người nhà chưa nhận được tin tức gì, không biết sống chết ra sao, tôi cứ băn khoăn mãi. Giếng hẹp nhỏ tới mức tôi không thể tin cả ba cảnh sát cùng ngã xuống một lúc. Từ bậu cửa sổ nhà này nhảy qua giếng để sang sân thượng nhà kia, một cậu bé tiểu học cũng có thể dễ dàng nhảy qua, làm sao một người ngã, người thứ hai, lại tiếp thứ ba?... Người thân của ba cảnh sát thiệt mạng, liệu họ có hoài nghi, có căm thù người ra lệnh tiến quân vào Đồng Tâm? Nếu tôi là họ, thay vì nhận những huân chương bằng khen sáo rỗng vô hồn, tôi sẽ đấu tranh để tìm sự thật cái chết của con mình. Nhưng đời có nhiều điều không tưởng vẫn xảy ra, chúng ta không đủ chứng cứ, không có chứng cứ nào ngoài lời khai của các bị can trên tòa án VTV, những lời khai phát ra từ đôi môi, từ cổ họng, từ tinh thần bị tra tấn bầm dập.”

Nhà báo Lã Minh Luận cũng đến gặp cụ Dư Thị Thành, vợ của cụ Kình rồi kể lại: “Bà lôi ra dưới gầm giường một bao tải quần áo đầy máu me của ông ấy... (cụ khóc)... Nhà cửa, tất cả đều bị lục tung, bản đồ đất dán trên tường bị xé bỏ hết. Người ta bê mất đi cái hòm gỗ có để bản đồ, hồ sơ giấy tờ đất đai... đều ở trong ấy hết... Lấy hết rồi bác ạ! (cụ khóc...)". Tôi nói: "Sao biết họ rục rịch tấn công vào làng mà chẳng cất giấu đi nơi khác cho an toàn?". Cụ Thành bảo: "Có ai ngờ được đâu. Ông cụ nhà tôi tin vào ông Trọng chống tham nhũng lắm! Ông ấy tin ông Trọng, ủng hộ ông Trọng, ủng hộ Đảng tuyệt đối... Ai ngờ đâu được bác ơi!". Cụ lại khóc... Tôi hỏi tiếp: "Ngoài bê mất hòm tài liệu đất đai, họ còn lấy đi cái gì nữa không?". Cụ trả lời: "Nó lấy mất chiếc ô tô trả góp của vợ thằng Uy, bê mất hai cái két sắt của nhà Công và nhà Chức."

Còn Giáo sư Hoàng Xuân Phú cho rằng: Người dân Đồng Tâm không hề có lỗi trực tiếp hay gián tiếp đối với cái chết của ba sĩ quan công an. Họ không hề làm gì khiến ba sĩ quan công an bị rơi xuống hố kỹ thuật. Và họ cũng không hề đổ xăng xuống hố kỹ thuật rồi châm lửa đốt ba sĩ quan công an, như phía công an đã cáo buộc…

Việc giết hại cụ Lê Đình Kình và việc giết hại ba sĩ quan công an đều là tội ác. Hai tội ác giết người ấy đều phải bị khởi tố, điều tra và đem ra xét xử nghiêm khắc. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố 20 bị can người Đông Tâm về hành vi giết người thi hành công vụ. Việc đó cũng na ná như đội quân xâm lược mà lại cáo buộc người dân bản xứ tội giết người, khi họ sử dụng quyền tự vệ chính đáng của mình.”

Đội quân xâm lược mà Giáo sư Hoàng Xuân Phú nhắc chắc không ai khác hơn bọn giặc Trung Quốc thế nhưng TS. Đinh Hoàng Thắng, một nhà ngoại giao nổi tiếng của Việt Nam thì than thở: “Chưa có một cuộc chiến tranh nào trong lịch sử Việt Nam được cả chính quyền lẫn các sử quan “lãng quên nhanh nhất” và “bỏ chạy một cách kỹ lưỡng nhất” (từ của GS. Trần Ngọc Vương). Bộ lịch sử 15 tập, dày hơn 10.000 trang, với khoảng 290.000 dòng, trong đó dành cả chục ngàn dòng về cuộc chiến ý thức hệ từ 1954 đến 1975 – cuộc chiến mà Trung Quốc đã “tận tình giúp” để ta “đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng” – trong khi đó chỉ chép vẻn vẹn có mười một dòng về cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược. Sau hơn 4 thập kỷ, người ta cố tình tung hoả mù lên tính chính danh của cuộc chiến. Không giám gọi kẻ xâm lược là địch, các chiến sỹ ta hy sinh thì khó khăn lắm mới được vinh danh là liệt sỹ. Chứ không phải chết ngày hôm trước thì ngay hôm sau đã được truy tặng “Huân chương Chiến công hạng nhất”. Quả là một kỷ lục về sự “nhập nhằng ý thức hệ!”

Người dân Việt Nam không cần cuốn lịch sử do Đảng viết bởi vì những vết đạn của giặc ngoài lẫn thù trong vẫn còn in trong lòng người dân 6 tỉnh biên giới 41 năm về trước và Đồng Tâm ngày nay, thưa Tiến Sĩ.