Che giấu thông tin là bệnh kinh niên bất trị của người cộng sản, bất cứ cộng sản nước nào, và điển hình nhất là cộng sản Trung Quốc, nước được nhìn nhận là một cường quốc chỉ đứng thứ hai sau Mỹ, nhưng cũng là nước có kinh nghiệm che dấu thông tin bài bản nhất.
Trong thế giới tư bản rất nhiều người không thể hiểu tại sao chính quyền Trung Quốc tuy hùng mạnh là vậy lại không muốn cho người dân của họ biết những thông tin mà đáng ra họ có quyền được biết. Từ số liệu kinh tế đến những chính sách vĩ mô của chính phủ. Từ thực trạng đất đai cho tới những dự án mà chính phủ đang thực hiện tại nước ngoài…tất cả những thông tin này đều bị bưng bít và ngay cả những định chế thế giới cũng khó lòng vượt qua được những tấm màn bí ẩn mà chính phủ Trung Quốc buông xuống.
Tuy nhiên, khi một cơn dịch bệnh hay thiên tai xảy ra việc che dấu thông tin có thể làm cho vấn đề trầm trọng hơn vì xã hội sống trong một vòng vây phong tỏa mọi con số cần thiết để người dân hay ngay cả các cơ sở y tế có thể ứng phó với tình trạng người chết, bị thương hay bị lây lan một chứng bệnh truyền nhiễm nào đó.
Khi dịch bệnh Coronavirus xảy ra chính quyền Trung Quốc đã ngăn cản mọi tin tức có liên quan đến nó không được rò rỉ ra khỏi Vũ Hán nơi mầm bệnh bắt đầu. Công an sách nhiễu 8 nhân viên y tế của Vũ Hán trong đó có nhiều bác sĩ và y tá không cho họ cơ hội thông báo về con virus nguy hiểm này mặc dù họ là chuyên viên y tế hiểu rất rõ việc làm cần thiết là báo động về những gì mà Vũ Hán phải nhận lãnh. Chính phủ trung ương đã không chấp nhận tung tin này ra với cộng đồng và chấp nhận phương án bao phủ người dân với thế giới bên ngoài trong đó có cả những nước rất quan tâm và thừa khả năng nghiên cứu virus để tạo ra vaccine cần thiết.
Bên cạnh những thông tin nhỏ giọt và không chính xác, chính quyền còn bị cáo buộc là đã mua chuộc một tổ chức quan trọng nhất của thế giới là WHO (World Health Organization, Tổ chức y tế thế giới) để tổ chức này trong tư cách chính danh và đủ uy tín để xác nhận tình trạng khẩn cấp hay không của một trận dịch đang xảy ra tại một nước nào đó. Ban bố tình trạng khẩn cấp nhằm báo động với thế giới về mức nguy hiểm của dịch bệnh và khi lệnh này được ban hành thì những biện pháp cách ly với nước bị dịch bệnh tấn công sẽ được cả thế giới áp dụng. Trung Quốc không muốn đất nước của mình bị cách ly với thế giới bên ngoài nên mọi nỗ lực dồn vào vận động WHO nhằm che bớt con số thật của nạn nhân bị nhiễm và đã chết trong cơn dịch.
Trung Quốc có thể giấu được người dân trong nước nhưng không thể giấu cả thế giới về sự thực đang xảy ra.
Cả thế giới chú ý tới mọi cử chỉ của WHO vì đây là nơi đầu tiên mà các con số về Coronavirus sẽ được công bố. Từ khi dịch bệnh xuất hiện người ta không thấy một dấu hiệu nhanh lẹ nào từ tổ chức này. Bà Satoko, chuyên gia của WHO tại Việt Nam cho rằng tất cả các trường hợp ca bệnh xâm nhập đến các quốc gia hiện nay đều có tiền sử đi từ TP. Vũ Hán hoặc đã từng đến đây. Tỷ lệ tử vong khi nhiễm nCoV tại Trung Quốc khoảng 3-4%, số ca bệnh nặng 20-25%.
Theo VOA thì trước đó ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc của WHO đã có những tuyên bố rõ ràng về quan điểm của WHO: chưa cần thiết tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Ông Tedros cho biết mặc dù đây là trường hợp khẩn cấp ở Trung Quốc nhưng nó vẫn chưa trở thành một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu. Do số lượng các trường hợp hạn chế đã lan ra bên ngoài Trung Quốc cho đến nay và Trung Quốc nỗ lực kiểm soát ổ dịch, WHO xác định vẫn còn quá sớm để sử dụng chỉ định. Vào thời điểm này, không có bằng chứng về sự lây truyền từ người sang người bên ngoài Trung Quốc.
Thế nhưng, ngày 30 tháng 1 đúng một tháng sau, WHO tuyên bố dịch bệnh do Coronavirus mới gây ra tại Trung Quốc là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã thông báo tin này trong cuộc họp báo vào tối thứ năm tại Geneva. Dịch bệnh mới, phát hiện lần đầu tại Trung Quốc vào ngày 31/12/2019 và đã lây lan qua 18 quốc gia.
Trước đó ông Tedros Adhanom Ghebreyesus đã tới Trung Quốc và bức ảnh ông chụp chung với Chủ tịch Tập Cận Bình gây nghi ngờ cho người sử dụng mạng. Có điều gì đó khuất tất trong cái vội vã bắt tay mà người ta cho rằng để nhận bổng lộc hơn là cái bắt tay ngoại giao thông thường.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus còn nhiều lần lên tiếng khuyến khích thế giới không nên cô lập Trung Quốc vì nước này có những hành động chống Coronavirus rất hiệu quả. Không những thế ông Tedros còn vận động Nhân Hàng Thế giới cho Trung Quốc được vay gần 700 triệu USD để chống dịch cúm nhưng Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass cho biết tổ chức này đang hỗ trợ kỹ thuật cho Trung Quốc để giúp nước này ứng phó với dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV), và sẽ không cho nước này vay một khoản vay mới nào.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus trong vai trò đại diện WHO chính thức thay tên gọi của Coronavirus mà thế giới quen gọi là Dịch Vũ Hán ("Wuhan's Epidemic" hay "Wuhan Epidemic") mà báo chí toàn cầu sử dụng trước đây bằng cái tên Covid-19. Ông Tedros nói rằng quyết định chính thức đặt tên cho virus corona là Covid-19 được đưa ra nhằm tránh sự kì thị về nơi bắt nguồn của virus.
Người ta đặt câu hỏi tại sao ông Tedros Adhanom Ghebreyesus lại tỏ ra năng nổ với Trung Quốc như vậy và cuối cùng thì câu trả lời đã có: Ông Giám đốc WHO không làm tròn sứ mệnh y tế của mình mà ông ta đang đóng vai một chính trị gia thân cộng đang hết lòng bảo vệ chế độ Bắc Kinh thay vì bảo vệ sinh mạng của người dân Trung Quốc.
Và không ai ngạc nhiên khi một lá thư đòi ông phải từ chức có hơn 350 ngàn chữ ký đang được ký tiếp cho đủ số 500 ngàn để gửi cho Liên Hiệp Quốc. Có thể ông ta sẽ thoát vì Liên Hiệp Quốc cũng từng có những điều tiếng che giấu thông tin cho cánh hẩu, nhưng dù sao thì việc yêu cầu ông từ chức là lên tiếng cho Tập Cận Bình biết rằng người dân trong nước của họ có thể bị bịt miệng nhưng thế giới không bao giờ làm ngơ cho trò chơi gian xảo của Bắc Kinh nhằm đối phó với toàn thế giới này.
Bài bình luận gần đây