Bệnh nhân nhiễm Coronavirus sẽ có triệu chứng khô họng, sốt cao, nhức đầu, toàn thân đau nhức và cuối cùng nếu hệ thống kháng nhiễm của cơ thể không chống lại được con virus đáng sợ này thì sẽ tử vong.
Nhưng cũng có những “bệnh nhân” tuy không nhiễm Coronavirus nhưng kháng thể bị một con virus khác ăn dần thì biểu hiện sẽ thấy được là sự ấm ức không nói thành lời. Sự ấm ức ấy tuy không gây chết người nhưng lại có khả năng làm cho bệnh nhân mất phương hướng, không tập trung được vào công việc cuối cùng đi đến hoang mang và mọi quyết định đều nửa vời, nông nổi.
Con virus làm kháng thể tê liệt ấy đang hiện diện trong cơ thể của rất nhiều cán bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, nó có cái tên rất quen thuộc: “đại cục”.
Khi Coronavirus xuất hiện tại Việt Nam nguồn thông tin của thể giới chứng minh rằng nó xuất xứ từ thành phố Vũ Hán và nơi này đang bị chính quyền Trung Quốc cô lập, cách ly với thể giới bên ngoài để ngăn ngừa virus phát tán. Những người có xuất xứ đi từ Vũ Hán bị thế giới xem như đang mang virus trên người và biện pháp cô lập họ nhằm xác định họ có bị nhiễm bệnh hay không. Trong khi đó chính quyền Đà Nẵng làm ngược lại, cho phép 218 người từ Vũ Hán đến du lịch tại Đà Nẵng và một khách sạn từ chối không cho họ thuê phòng liền bị công an đến hậm họe bắt buộc phải mở cửa cho thuê.
Vì “đại cục” chính quyền Đà Nẵng rước dịch vào nhà.
Không riêng gì Đà Nẵng, cả nước Việt Nam cũng đang mở cửa cho con virus Vũ Hán thông khẩu. Khi người dân lên tiếng đòi hỏi chính phủ phải đóng cửa biên giới thì ông Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh giải thích là không thể đóng cửa biên giới vì hai nước đã có hiệp ước, nếu muốn đóng cửa vì lý do nào đó thì phải thông báo với Trung Quốc và được nước này cho phép.
Vậy là “đại cục” hiển hiện trên một hiệp ước rất là mất chủ quyền.
Phòng chống con virus nguy hiểm này chỉ có cách duy nhất là giữ thân thể không bị virus tấn công qua đường hô hấp, vì vậy khi người dân chạy đôn chạy đáo tìm mua khẩu trang phòng dịch thì hiện tượng nâng giá, đầu cơ xảy ra. Cơn sốt khẩu trang đi liền với cơn dịch Coronavirus, số người chết càng tăng thì sự cần thiết của khẩu trang càng lớn. Tuy nhiên Việt Nam rất hào phóng, mặc cho dân tình hớt hải tìm kiếm tỉnh Lạng Sơn trao tặng hơn 300.000 khẩu trang y tế cho chính quyền Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc.
Chưa hết, mặc dù Bộ đội Biên phòng thiếu khẩu trang trầm trọng chính phủ cũng phớt lờ, họ gửi cấp tốc 10 tấn hàng hóa y tế trong đó có hàng trăm ngàn khẩu trang trao tặng cho Trung Quốc. Bên cạnh đó, Thủ tường Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố: “Đảng và Nhà nước Việt Nam đã quyết định viện trợ bằng hàng hóa, cụ thể là vật dụng y tế cho Trung Quốc trị giá 500.000 đô la để chia sẻ với chính phủ và nhân dân Trung Quốc khi dịch cúm virus corona lan rộng”.
Những trợ giúp này nói lên tình hữu nghị anh em nói lên “đại cục” cần phải giữ gìn vun đắp.
Vì đại cục, UBND thành phố Móng Cái cho biết, 100% người Trung Quốc nhập cảnh qua Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái phải thực hiện quy trình cách ly để theo dõi sức khỏe tại các khách sạn trên địa bàn. Chính quyền địa phương cho biết sẽ bố trí ăn ở miễn phí cho những người này.
Chính quyền thành phố Móng Cái đã yêu cầu chủ các khách sạn tại Móng Cái cho họ ăn nghỉ miễn phí trong thời gian cách ly. Trong khi đó những người Việt trở về từ Vũ Hán bị quân đội cô lập, khoanh vùng tại một khu đất có những căn nhà không thua trại súc vật. Không có bất cứ phương tiện sống nào để sinh tồn, nhất là họ đang bị tấn công bởi con virus mà cả thế giới lo sợ.
Cũng vì đại cục cả mà thôi.
Chính phủ Việt Nam nghĩ rằng trong cách hành xử này Trung Quốc sẽ thấy và dù sao cũng phải biết ơn một đất nước tuy nghèo nhưng rộng lòng hào hiệp. Càng nghĩ như vậy, những biện pháp hào phóng càng nhiều. Cho tới một ngày tấm lòng hào phóng vì đại cục ấy bị Trung Quốc chà đạp thì Hà Nội mới tỉnh ra. Tỉnh ra rồi ấm ức cho cái bệnh “hào phóng cộng sản” của mình.
Đó là ngày 5 tháng 2, sáu ngày sau khi Việt Nam thông báo sẽ chi viện cho Trung Quốc.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc viết trên Twitter rằng quốc gia này “đã nhận được” các khoản viện trợ của quỹ UNICEF và chính phủ 21 nước, nhưng không có Việt Nam trong đó. Đoạn tweet liệt kê 21 nước dường như theo thứ tự ưu tiên các nước láng giềng trước, gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Kazakhstan, Pakistan, tiếp đến là Đức, Vương quốc Anh, Pháp, Italy, Hungary, Belarus, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Các Tiểu vương quốc A rập Thống nhất, Algeria, Ai Cập, Australia, New Zealand, và Trinidad và Tobago.
Cay đắng và ấm ức biết bao.
Bài bình luận gần đây