You are here

Chuyện khẩu trang tăng giá theo sự bùng phát của nCoV-2019

Ảnh của NguyenTrangNhung

Hình: Hai người đeo khẩu trang tại Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc, 22/1/2020 (Nguồn: Stringer/Getty Images)

Nhân dịch nCoV bùng phát mạnh mẽ ở Trung Quốc, một hiệu thuốc ở Bắc Kinh đã tăng giá khẩu trang lên 6 lần so với giá bình thường: 850 nhân dân tệ (gần 3 triệu đồng) 1 hộp khẩu trang 3M mẫu 8511CN, trong khi giá trên mạng chỉ là 145 nhân dân tệ (gần 500 ngàn đồng).[1]

Trong khi đó, Việt Nam cũng có chuyện tương tự. Khẩu trang y tế 3 lớp dùng 1 lần bình thường có giá 1 hoặc 2 ngàn đồng 1 chiếc, được một số nơi bán với giá 100 ngàn đồng/10 chiếc, 150 ngàn đồng/10 chiếc (tương ứng với 10 ngàn đồng/1 chiếc và 15 ngàn đồng/1 chiếc).[2] 

Gây tranh cãi hơn cả là Taseco Airs được cho là bán với giá 35 ngàn đồng/1 chiếc. Sau khi bị mạng xã hội phản ứng gay gắt, công ty này đã phân bua rằng 35 ngàn đồng là cho 2 chiếc, và mức giá này đã có từ lâu.[3] Dù vậy, ông Lê Anh Quốc, Tổng giám đốc công ty đã "khắc phục sai lầm" (theo cách nói của một số báo) bằng cách phát miễn phí 10 ngàn khẩu trang cho người dân tại các điểm bán hàng của mình.)[4]

Cho dù không phải Taseco Airs mới tăng giá theo nCoV (nếu giải thích của công ty này là đúng), thì nhìn chung, việc tăng giá khẩu trang ở VN lên nhiều lần theo nCoV là có thật.

Chuyện tăng giá khẩu trang lên nhiều lần ở Trung Quốc và Việt Nam ở đây gợi lên một vấn đề triết học xoay quanh giá cắt cổ trong thảm họa: Liệu việc tăng giá này có đáng bị phản đối hay không và vì sao.

Michael Sandel, giáo sư tại Đại học Harvard, triết gia chính trị – đạo đức đương đại, qua cuốn sách nổi tiếng 'Justice, what's the right thing to do?' (tên bản dịch tiếng Việt là 'Phải trái đúng sai') đã cung cấp cho chúng ta những lý lẽ đằng sau cả 2 chiều ủng hộ và phản đối, thông qua phân tích vụ siêu bão Charley vào năm 2004 tại Mỹ, một thảm họa dẫn đến giá cả của một số hàng hóa và dịch vụ tăng vọt.[5][6]

Ở chiều ủng hộ, lý lẽ chủ yếu xoay quanh câc ý tưởng về phúc lợi và tự do. Các nhà kinh tế theo trường phái thị trường tự do như Thomas Sowell và Jeff Jacoby là những nhà biện hộ tốt cho chiều này.

Tương tự như trong vụ siêu bão Charley, Sowell hay Jacoby sẽ lập luận rằng việc tăng giá khẩu trang làm hạn chế người tiêu dùng sử dụng và tăng động cơ để những người bán cung cấp mặt hàng này từ những nơi xa xôi với sự kịp thời và sẵn có. 

Với Sowell hay Jacoby, khẩu trang giá cao hơn nhiều lần sẽ khiến nhà sản xuất thấy bõ công để làm ra nhiều khẩu trang hơn đáp ứng nhu cầu gia tăng, và cho dù giá khẩu trang có tăng từ 1 ngàn lên 35 ngàn đi nữa thì chẳng có gì là bất công cả, vì nếu người mua muốn mua và người bán muốn bán, đó đơn giản là sự thuận mua vừa bán. 

Các nhà kinh tế nhìn nhận đây là cách phân bố hàng hóa trong xã hội tự do, và sự can thiệp của nhà nước vào thị trường để ổn định giá khẩu trang sẽ là không thể biện minh được. Riêng Jacoby có thể bồi thêm một lập luận rằng: chỉ trích những người bán khẩu trang giá cao sẽ chẳng làm cho mọi người bảo vệ bản thân (bằng khẩu trang) tốt hơn trước nCoV.

Khái niệm phúc lợi trong lập luận của Sowell và Jacoby thường được hiểu là sự giàu có về mặt kinh tế (mặc dù, đây là một khái niệm rộng hơn). Trong khi đó, khái niệm tự do thường được hiểu là tự do lựa chọn mà không có sự áp đặt, cho dù là đối với đời sống cá nhân hay đối với các giao dịch trên thị trường.

Ở chiều phản đối, lý lẽ chủ yếu xoay quanh các ý tưởng về công bằng và lối sống tốt đẹp. Đại diện cho chiều này một cách nhiệt thành có lẽ là Charlie Crist, Tổng chưởng lý bang Florida tại thời điểm xảy ra siêu bão Charley, người đã "kinh ngạc vì mức độ tham lam của những kẻ sẵn sàng lợi dụng những người đau khổ trong siêu bão".[7]

Nếu Crist ở Việt Nam hay Trung Quốc vào thời điểm này, ông hẳn sẽ phát biểu như trong vụ siêu bão Charley, đại ý rằng chính quyền không thể để người dân phải trả giá trời ơi đất hỡi khi họ đang tìm khẩu trang để bảo vệ mình khỏi nỗi hoảng loạn và khiếp sợ do nCoV gây ra. Ông sẽ bác bỏ quan điểm rằng mức giá đó phản ánh sự thuận mua vừa bán, vì trong tình huống này, người mua không thực sự được tự do lựa chọn, mà buộc phải mua khẩu trang với giá cao để đổi lấy sự an toàn.

Không chỉ có vậy, từ phía những người phản đối giá cắt cổ, nếu nhìn lợi ích của xã hội rộng hơn phúc lợi về mặt kinh tế – khía cạnh mà qua đó phúc lợi thường được nhìn, lợi ích của xã hội phải được cân nhắc trước nỗi khổ của những người không hay ít có khả năng trả mức giá trên trời. Đối với người giàu, 35 ngàn đồng không là vấn đề, hoặc chỉ là vấn đề rất nhỏ, nhưng đối với người nghèo thì khác: 35 ngàn đồng có thể là sự bảo đảm cho cuộc sống của 1 gia đình trong 1 ngày, thậm chí hơn.

Những người phản đối, ngoài chỉ ra bất ổn trong lập luận về tự do (trong thỏa thuận mua bán) và phúc lợi, còn cảm thấy giá cắt cổ là điều gì đó bất công và thiếu đạo đức. Bất công là vì những người bán giá cao không xứng đáng nhận được tiền lời ngất ngưởng từ việc kiếm chác này, và thiếu đạo đức vì tham lam là một tính xấu. Và dù tham lam trong chừng mực nào đó thì chấp nhận được, nhưng tham lam đến mức trắng trợn thì không.

Sự phán xét về đạo đức như vậy luôn tồn tại trong bất cứ xã hội nào, dù tự do đến đâu, chừng nào con người còn là con người, vì chừng đó, con người vẫn có niềm tin hay quan điểm về những phẩm chất hay đức tính nào là đáng được khích lệ, đáng được tưởng thưởng, đáng được tôn vinh, còn những tính cách nào thì nên được hạn chế, và cùng với đó là niềm tin hay quan điểm về lối sống tốt đẹp.

Một hệ thống niềm tin hay quan điểm như vậy sẽ dẫn những người phản đối giá trên trời đến sự cân nhắc về việc liệu có nên đặt ra quy định chống giá trên trời hay không. Và điều này, đến lượt nó, dẫn đến tranh cãi cho một vấn đề tổng quát hơn: đâu là ranh giới giữa pháp luật và đạo đức, và liệu chính quyền có nên trung lập về đạo đức hay không?

Trở lại chuyện về hiệu thuốc tăng giá khẩu trang ở Bắc Kinh, chính quyền Trung Quốc đã phạt hiệu thuốc này 3 triệu nhân dân tệ, tương đương với hơn 10 tỷ đồng, vì đã lợi dụng dịch bệnh nhằm trục lợi khi nhu cầu đối với khẩu trang gia tăng.[8]

Hơn thế nữa, các cán bộ thuộc Văn phòng Giám sát Thị trường của các quận ở Bắc kinh đã tiến hành rà soát tất cả các cơ sở bán thuốc và vật tư y tế, trung tâm thương mại, siêu thị, v.v. trên toàn thành phố để duy trì trật tự thị trường, ổn định giá cả và bảo đảm an toàn dược phẩm trong thời kỳ dịch bệnh bùng phát.[9]

Hành xử này của chính quyền Trung Quốc có tốt không? Tất nhiên, câu trả lời là tùy vào người đọc, vào quan điểm của họ đối với thị trường tự do (thị trường tự do có nên được ủng hộ hay không, và nếu có thì đến mức nào?, v.v), cũng như đối với phúc lợi, và đạo đức. 

Cuối cùng, có một gợi ý cho những ai đang cân nhắc câu trả lời: Hãy thử đặt mình vào vị trí của những người kém may mắn, những người nghèo, và thử xem cảm giác của mình khi mua một mặt hàng với giá trên trời sẽ ra sao. Khi đó, điều chúng ta thực sự muốn là lòng tham được chế ngự, hay lòng tham sẽ thắng thế?

Chú thích:

[1] Tăng giá khẩu trang gấp 6 lần khi virus corona hoành hành, hiệu thuốc bị phạt hơn 10 tỷ đồng
http://kenh14.vn/tang-gia-khau-trang-gap-6-lan-khi-virus-corona-hoanh-ha...

[2] Khẩu trang 1.000 bán giá 35.000 đồng, Taseco Airs đang kiếm lãi từ kinh doanh tại sân bay như thế nào?
https://khoahocdoisong.vn/khau-trang-1-000-ban-gia-35-000-dong-taseco-ai...

[3] Taseco lãi hàng trăm tỷ năm 2019
https://news.zing.vn/taseco-lai-hang-tram-ty-nam-2019-post1040428.html

[4] Như [2]

[5] Trích 'Phải trái đúng sai' về giá cắt cổ trong siêu bão Charley
https://www.nxbtre.com.vn/diem-tin/trich-doc-phai-trai-dung-sai-phan-1-2...

[6] Trong siêu bão Charley năm 2004 tại Mỹ, một nhà thầu báo giá dọn cây đổ khỏi mái nhà là 23.000 USD, một trạm xăng ở Orlando bán túi nước đá bình thường 2 USD với giá 10 USD, một số cửa hàng bán máy phát điện nhỏ bình thường 250 USD với giá 2.000 USD, và một nhà trọ cho thuê một phòng trọ bình thường 40 USD với giá 160 USD. 

[7] Như [5]

[8][9] Như [1]

(Các lý lẽ 2 chiều ủng hộ và phản đối việc tăng giá khẩu trang trong bài viết này dựa theo phân tích của Michael Sandel cho vụ siêu bão Charley.)