You are here

Tôn giáo trong chế độ cộng sản Việt Nam (tiếp theo và hết)

Ảnh của nguyenvubinh

     …     

     Với các chiến thuật và bước đi nêu trên, tôn giáo ở Việt Nam đã bị biến chất hoàn toàn. Những nội dung, giáo lý và nghi lễ chỉ còn lại hình thức. Một hệ quả tất yếu đưa tới với các tôn giáo đã bị biến chất là: 1- im lặng, không đả động hay phản đối cái xấu, cái bất công và cái ác do chế độ gây ra, dù cái ác có đến mức rõ ràng hay đã tràn lan khắp nơi trong xã hội; 2- chủ yếu phát triển những sinh hoạt tôn giáo mang nặng hình thức như các lễ nghi, rước sách, đình đám, xây cất những nơi thờ tự nguy nga, ra nước ngoài tu học, xuất ngoại để lo đời sống tâm linh cho người Việt hải ngoại…; 3- coi nhẹ những sinh hoạt nặng phần nội tâm như dạy giáo lý, phát triển hội đoàn, nhất là tránh rao giảng về lương tâm, ý thức trách nhiệm đối với xã hội trong việc chống ác, chống bất công do chế độ gây ra, tránh thể hiện tinh thần liên đới với các nhà tranh đấu tự do dân chủ (như cầu nguyện cho họ, ủng hộ họ…); 4- im lặng chấp nhận cho chế độ xen vào việc tổ chức nội bộ, bổ nhiệm nhân sự…

     2/ Biến tôn giáo thành công cụ, tay sai và tổ chức ngoại vi phục vụ chế độ

     Không chỉ làm biến chất tôn giáo, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam còn thực hiện việc biến các tôn giáo thành công cụ, tay sai và thành tổ chức ngoại vi phục vụ cho chế độ. Các tôn giáo bị biến chất, bị cài cắm người vào hàng ngũ chức sắc, và buộc phải quy phục nhà nước để được hoạt động thì việc làm tay sai, làm công cụ cho nhà nước là diễn tiến hoàn toàn tự nhiên, bình thường. Việc các tôn giáo làm công cụ, tổ chức ngoại vi phục vụ chế độ biểu hiện trên các phương diện sau.

     - Các tôn giáo đều có đại diện tham gia Ban tôn giáo chính phủ, tham gia Mặt trận tổ quốc các cấp. Mặc dù nhà cầm quyền dùng chiêu bài tôn giáo không làm chính trị để phê phán, tấn công những người lên tiếng chống bất công, chống cái ác nhưng lại hoàn toàn lờ đi việc ép các tôn giáo có đại diện trong các tổ chức của nhà nước. Việc tham gia các tổ chức như trên để đại diện các tôn giáo nắm được chủ trương đường lối chính sách của đảng trong các lĩnh vực và vận động tín đồ, giáo dân thực hiện các đường lối, chủ trương, chính sách đó.

     - Các tôn giáo phải nhận một số nhiệm vụ như tuyên truyền một số chính sách của đảng cộng sản (hạn chế sinh đẻ; vận động tín đồ, giáo dân đi bầu cử, đi nghĩa vụ quân sự, làm thủy lợi…); một số trách nhiệm mà đúng ra chế độ phải cáng đáng như: săn sóc các bệnh nhân siđa, nghiện hút, săn sóc người già.

     - Các tôn giáo đứng về phía nhà nước trong việc chống lại nhưng phê phán vi phạm tự do tôn giáo của quốc tế. Đây là nhiệm vụ quan trọng và khá thường xuyên của các tôn giáo khi đã chấp nhận trở thành công cụ cho nhà cầm quyền.

     - Cuối cùng, đương nhiên là việc các tôn giáo phải làm là phê phán những cá nhân, chức sắc hoặc tín đồ, giáo dân lên tiếng đấu tranh cho tự do tôn giáo hay tự do dân chủ, nhân quyền nói chung.

     3/ Duy trì liên tục việc cấm đoán, đàn áp và bức hại các tôn giáo ly khai

     Việc cấm đoán các tôn giáo ly khai được thực hiện thông qua một hệ thống các quy định bằng pháp luật về các việc như:

     - Công nhận tư cách pháp nhân, tức là một tôn giáo muốn hoạt động được, muốn được hoạt động phải được nhà nước công nhận, cho phép. Đối với những tôn giáo mà nhà nước kiểm soát được hoặc khống chế được thì các giấy phép được cấp một cách dễ dàng. Ngược lại, các tôn giáo của người dân tự lập ra, các tôn giáo không quy phục đảng cộng sản đều không được cấp phép hoạt động.

     - Các sinh hoạt tôn giáo tập trung nhiều người đều phải xin phép, chỉ được thực hiện các sinh hoạt đó khi có giấy phép của nhà cầm quyền các cấp.

     - Về các quan hệ quốc tế, Điều 35 trong Pháp lệnh Tôn giáo Tín ngưỡng quy định: “Khi tiến hành các hoạt động quan hệ quốc tế sau đây phải có sự chấp thuận của cơ quan quản lý Nhà nước về Tôn giáo ở trung ương: 1. Mời tổ chức, người nước ngoài vào Việt Nam hoặc triển khai chủ trương của Tổ chức Tôn giáo nước ngoài ở Việt Nam; 2. Tham gia hoạt động Tôn giáo, cử người tham gia khóa đào tạo về Tôn giáo ở nước ngoài”.

     - Đối với vấn đề nhân sự của các tôn giáo, nhà cầm quyền kiểm soát việc huấn luyện, tấn phong, bổ nhiệm các chức sắc, nhất là chức sắc lớn. Mọi tín đồ muốn trở thành tu sĩ hay chức sắc đều phải ghi danh tại UBND cấp xã (Pháp Lệnh Tôn giáo điều 21.2). Việc tuyển chọn, đào tạo, phong chức, bổ nhiệm và thuyên chuyển các chức sắc tôn giáo đều phải xin phép nhà nước, có được nhà nước chấp nhận thì mới thực hiện được. Ứng viên vào các chức vụ cao cấp trong các tôn giáo phải được nhà nước cấp trung ương xét duyệt và chấp nhận thuận thì tôn giáo mới được phong chức cho họ…

    Việc đàn áp và bức hại các tôn giáo lý khai cũng được duy trì liên tục. Gần đây, các báo cáo vi phạm tín ngưỡng, tự do tôn giáo liên tục cập nhật các thông tin đối với quốc tế. Đó là những hành vi rất phản cảm, và càng ngày càng gia tăng mức độ khốc liệt, dã man.

     + Sách nhiều, phá hoại các buổi Lễ, tưởng niệm như các ngày Lễ húy, kỵ Đức Thầy Phật giáo Hòa Hảo, đạo Cao Đài. Phá hoại, sách nhiễu những cơ sở đào tạo, tu tập của các tôn giáo như Tin lành Menonite, Đan viện Thiên An, Chùa Liên Trì II của Hòa thượng Thích Không Tánh và tu sĩ Thích Đồng Long…

     + Đánh đập, khủng bố các vị chức sắc tôn giáo, các tu sĩ, đan sĩ… như vụ đánh đập, cắt râu Chánh trị sự Cao Đài Hứa Phi, khủng bố và đe dọa đại đức Thích Ngộ Chánh, đánh đập mục sư Nguyễn Hồng Quang, mục sư  Phạm Ngọc Thạch… tu sĩ Đan viện Thiên An và rất nhiều người khác.

     + Cô lập, uy hiếp, xúi bẩy phật tử  từ bỏ các cơ sở tôn giáo họ đang tham gia. Chùa Phước Bửu (Bà Rịa - Vũng Tàu) bị các cán bộ tôn giáo, các cán bộ địa phương vận động người dân, uy hiếp phật tử không theo, không tham gia vào các hoạt động của Chùa… ngoài ra, nhà cầm quyền còn đánh phá những cá nhân, gia đình ủng hộ, liên hệ với các cơ sở tôn giáo, nhằm cắt đứt liên đới xã hội của các tôn giáo độc lập với người dân, với người đấu tranh. Ví dụ vụ đánh phá doanh nghiệp anh Nguyễn Thanh Hải ở Vũng Tàu…

     + Đập phá các cơ sở tôn giáo, thờ tự. Điển hình nhất gần đây là chùa Liên Trì của hòa thượng Thích Không Tánh, chùa An Cư của thượng tọa Thích Thiện Phúc ở Đà Nẵng, chùa Linh Sơn ở Dak Lăk, cướp đất ở Đan viện Thiên An (Huế)... ./.

Hà Nội, ngày 23/01/2020

N.V.B