You are here

Tôn giáo trong chế độ cộng sản Việt Nam (tiếp theo)

Ảnh của nguyenvubinh

     …

     Những bằng chứng về việc huỷ diệt Phật giáo đã được thực hiện triệt để ở miền Bắc sau 1954. Trước hết nhà cầm quyền quản thúc hoặc giết những vị sư chống lại chính sách tôn giáo của Đảng Cộng sản . Sách Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 3 của Nguyễn Lang (Thích Nhất Hạnh) đã ghi lại:
     - Hòa thượng Thích Mật Thể theo kháng chiến cho đến năm 1961 thì mất. Trong thời gian từ 1957 đến 1961, vì chống lại chính sách tàn phá Phật giáo của nhà nước Cộng sản , ngài đã bị quản thúc, cô lập hoàn toàn ở Hà Tĩnh và Nghệ An.
     - Thiền sư Tố Liên, người có công rất lớn trong việc xây dựng và phát triển cơ sở Phật giáo miền Bắc, và Thiền sư Tuệ Tạng, Thượng thủ Giáo hội Tăng già toàn quốc, đã bị quản thúc, cô lập ở Nam Định.
     - Thiền sư Vĩnh Tường, trụ trì chùa Thần Quang, Hà Nội, người đã đúc pho tượng bằng đồng lớn nhất Việt Nam, đã bị bức tử, phải uống át xít tự tử năm 1955 tại chùa Thần Quang…

     Đối với Công giáo Việt Nam, do gắn bó với hệ thống Công giáo quốc tế và có một tổ chức chặt chẽ, nên đã bị sự tấn công của đảng cộng sản và nhà cầm quyền Việt Nam dữ dội hơn Phật giáo rất nhiều. Chính vì vậy, phần lớn chức sắc Công giáo và giáo dân đã chống lại đảng cộng sản cũng như đứng về phía người Việt Quốc gia. Ngay trước và sau khi ký kết Hiệp định Giơ ne vơ, gần một triệu người Công giáo đã di cư vào miền Nam Việt Nam.

     Sau năm 1975, các lãnh tụ của Phật giáo Hòa Hảo và đạo Cao Đài hay tín đồ có tham gia chính trị đều bị đưa đi các trại cải tạo. Nhà cầm quyền Việt Nam đã cho đóng cửa toàn bộ hơn 3,500 ngôi chùa của PGHH và khoảng hơn 5,000 nơi thờ cúng, tổ sinh hoạt xã hội và văn hóa PGHH…

     2/ Phá hủy niềm tin tôn giáo, phá hủy cơ sở thờ tự, cơ sở văn hóa tâm linh

     Ngoài việc gieo rắc sự sợ hãi chung cho toàn xã hội, và cho tôn giáo theo cách thức nêu trên, đối với tôn giáo, nhà cầm quyền còn thực hiện hai công việc vừa phá hủy niềm tin tôn giáo, vừa gián tiếp gây thêm sự sợ hãi cho người dân. Đó là:

     - Tuyên truyền tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân. Có thể nói, để đối phó với tôn giáo, lãnh tụ của thế giới cộng sản như C.Mác, Lê Nin cũng đã phải tham gia tuyên truyền nhưng khoác dưới vỏ bọc nghiên cứu. Các luận đề để xuyên tạc niềm tin tôn giáo đó là: Trong xã hội cộng sản nguyên thuỷ, do trình độ lực lượng sản xuất thấp kém, con người cảm thấy yếu đuối và bất lực trước thiên nhiên rộng lớn và bí ẩn, vì vậy, họ đã gán cho tự nhiên những sức mạnh, quyền lực to lớn, thần thánh hoá những sức mạnh đó. Đó là hình thức tồn tại đầu tiên của tôn giáo.

     Khi xã hội xuất hiện những giai cấp đối kháng, bên cạnh cảm giác yếu đuối trước sức mạnh của tự nhiên, con người lại cảm thấy bất lực trước những sức mạnh tự phát hoặc của thế lực nào đó của xã hội. Không giải thích được nguồn gốc của sự phân hoá giai cấp và áp bức bóc lột, tội ác, v.v., và của những yếu tố ngẫu nhiên, may rủi, con người thường hướng niềm tin ảo tưởng vào "thế giới bên kia" dưới hình thức các tôn giáo. Theo C.Mác: "Sự nghèo nàn của tôn giáo vừa là biểu hiện của sự nghèo nàn hiện thực, vừa là sự phản kháng chống sự nghèo nàn hiện thực ấy. Tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức, là trái tim của thế giới không có trái tim, cũng giống như nó là tinh thần của những trật tự không có tinh thần. Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân".

     Dựa vào những quan điểm nêu trên, các nhà nước cộng sản đã đánh tráo khái niệm, trộn lẫn tôn giáo với mê tín dị đoan và đưa ra các chính sách để hủy diệt tôn giáo.

     - Một trong những chính sách thâm độc của nhà cầm quyền đối với tôn giáo, đó là việc phá hủy các cơ sở thờ tự, tu luyện của các tôn giáo. Không những thế, nhà cầm quyền cộng sản còn cho phá hủy các cơ sở văn hóa tâm linh như Đền, Đài Miếu Mạo, Đình, Chùa… Việc phá hủy các cơ sở tôn giáo, tâm linh này đã trực tiếp thủ tiêu các không gian sinh hoạt tâm linh của người dân và gián tiếp gây ra nỗi sợ hãi cho người dân. Đối với người dân, những cơ sở tôn giáo tâm linh là nơi linh thiêng, nhưng cộng sản đã dám phá hủy thì chúng không còn giới hạn nào trong việc khủng bố và đàn áp tôn giáo, đàn áp người dân có tín ngưỡng. Nhà văn Hoàng Quốc Hải (tác giả Bão táp triều Trần) đã tổng kết: “Phải nói chính quyền đã có khá nhiều biện pháp cứng rắn trong lãnh vực này (tôn giáo) như cấm các hội lễ, phá chùa, đập tượng, dỡ bỏ hoặc ngăn cấm các đền thờ Mẫu, đưa đi cải tạo, bắt giam các người làm nghề bói toán, đồng cốt nhảm nhí... Đảng viên, đoàn viên phải từ bỏ các tôn giáo mình theo. Trong các gia đình phần lớn không còn bàn thờ tổ tiên. Các chùa chiền ở nông thôn nếu còn sót lại thì hoang phế, quạnh hiu, các điện thờ Mẫu ở các gia đình không được phép tồn tại. Các chùa chiền, đền miếu còn sót lại ở đô thị cũng vắng tanh vắng ngắt. Một số người già lui tới các nơi thờ phụng này, gần như là một sự lén lút. Tưởng như chúng ta đã triệt bỏ được tận gốc của vấn đề”. (Hoàng Quốc Hải: Văn hóa phong tục, Hà Nội, Văn Hóa Thông Tin, 2001, trg 435)…

     (còn nữa)

Hà Nội, ngày 21/01/2020

N.V.B