You are here

Trung lập

Hai hôm nay tôi để ý một số ý kiến cào bằng nước đôi, lên án cả chính quyền lẫn người dân trong việc sử dụng bạo lực, coi đôi bên như nhau.

Tôi phản đối quan điểm này vì nó né tránh câu hỏi trung tâm: Bên nào KHỞI PHÁT bạo lực?

Chắc chắn không phải là dân. Dân không mời cả ngàn lính cơ động về làng, mà lại là lúc nửa đêm về sáng khi mọi người yên giấc ngủ. Lính không về làng thì đã không có đụng độ.

Chưa kể, điều cả ngàn quân vào làng lúc nửa đêm như thế này là theo quy trình nào? Cưỡng chế hay bắt người? Hành chính hay hình sự? Không dựa trên bất kỳ căn cứ pháp lý nào thì phải coi là hành động vô pháp.

Kẻ ra lệnh điều quân đánh úp làng là kẻ khởi phát bạo lực, phải chịu hoàn toàn trách nhiệm cho mọi thiệt hại của thảm hoạ này.

Đối mặt với hành động vô pháp đe doạ mình, dân có quyền chống trả trong khuôn khổ quyền tự vệ chính đáng. Mà thế nào là chính đáng? Chính đáng không phải là không gây ra hậu quả gì, mà là tương xứng với mối đe doạ mà họ đối mặt. Mức độ chống trả của họ có tương xứng với mối đe doạ từ cả ngàn lính cơ động trang bị kỹ càng, đánh úp ban đêm hay không thì mọi người tự đánh giá.

Tổng Giám mục Anh Giáo Nam Phi Desmond Tutu, người đoạt giải Nobel Hoà bình cho những hoạt động chống lại chế độ apartheid (kỳ thị người da đen) từng nói: “Nếu bạn giữ thái độ trung lập trước các bất công, kỳ thực bạn đang đứng về phe áp bức.”

Những người lên án sự chống trả của người dân mong đợi người dân hành động như thế nào? Tự gô mình chịu trói và ở tù rục xương sau đó trong tiếng chép miệng thương xót đãi bôi chưa đầy 5 giây của các bạn hay sao?

Ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh, đây không phải là bài học mà mọi người Việt được học ở trường hay sao? Chúng ta cầu mong những người bị áp bức sẽ đấu tranh phi bạo lực, nhưng đừng hi vọng rằng tất cả họ sẽ không bao giờ chống trả bằng vũ lực - một điều chưa từng diễn ra trên thực tế.

Muốn không có bạo lực, hãy chấm dứt bất công.