You are here

Vi nhựa – Đáng lo đối với sức khỏe hay không?

Ảnh của NguyenTrangNhung

Hình: Túi trà lọc bằng nylon sẽ cho ra hàng tỷ hạt vi nhựa (Nguồn: Lynda Sanchez/Unsplash)

Một nghiên cứu gần đây cho thấy toàn bộ hành tinh dường như bị ô nhiễm vi nhựa (microplastic). Các nhà khoa học tìm thấy vi nhựa ở khắp mọi nơi.[1] 

Quanh ta, vi nhựa có trong không khí, các sản phẩm tẩy rửa, làm sạch (như kem đánh răng, sữa rửa mặt), quần áo, và thậm chí là cả thức ăn (nhất là hải sản) và nước uống.

Ở những nơi hay trong những thứ mà con người ít tiếp xúc hơn, như biển, sông, hồ, núi, tuyết, băng, v.v, vi nhựa cũng có mặt.

Hô hấp và ăn uống là hai hoạt động chính mà qua đó con người nạp vi nhựa vào cơ thể mỗi ngày. Chẳng hạn, uống một lít nước đóng chai là uống cả vài chục hạt vi nhựa.[2] Hay, một ví dụ ấn tượng hơn nhiều: uống một túi trà lọc với túi bằng nylon là uống hơn 11 tỷ hạt vi nhựa và hơn 3 tỷ hạt nano (hạt có kích thước nano) tan ra từ túi nylon đó.[3]

Quỹ Thế giới Bảo vệ Thiên nhiên (World Wide Fund for Nature), trong một báo cáo vào tháng 6 vừa qua, ước tính rằng một người trung bình ăn khoảng 5 gam vi nhựa mỗi tuần, tức khoảng 2,60 lạng vi nhựa mỗi năm.[4] Một nghiên cứu cũng vào tháng 6 năm nay ước tính một người ăn khoảng 39 ngàn đến 52 ngàn hạt vi nhựa mỗi năm, và hít cũng chừng đó, tùy độ tuổi và giới tính.[5]

Không có định nghĩa thống nhất về vi nhựa, nhưng các nhà nghiên cứu thường xem vi nhựa là các mảnh nhựa dưới 5 mm.[6]

Vi nhựa ảnh hưởng đến sức khỏe của con người ra sao?

Theo một nghiên cứu vào năm nay của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về vi nhựa trong nước uống, không có bằng chứng chắc chắn cho thấy vi nhựa trong nước uống gây rủi ro cho con người. Tuy nhiên, tổ chức này khuyến nghị cần có nhiều nghiên cứu hơn để hiểu cách thức vi nhựa lan truyền trong môi trường và đi vào cơ thể người.[7][8]

Thực tế là có rất ít nghiên cứu về vi nhựa đối với sức khỏe của con người nói riêng, mặc dù có rất nhiều nghiên cứu về vi nhựa nói chung, trong đó có các nghiên cứu test-tube (các nghiên cứu được thực hiện trong ống nghiệm) và các nghiên cứu trên động vật.

Một trong số rất ít nghiên cứu như vậy là nghiên cứu vào năm 1998 cho thấy vi nhựa có trong mô phổi bị ung thư, và kết luận được đưa ra là vi nhựa có thể là tác nhân góp phần vào nguy cơ của bệnh ung thư phổi.[9]

Các nghiên cứu test-tube và các nghiên cứu trên động vật cho thấy tác động tiêu cực của vi nhựa, mặc dù không thể được khái quát hóa cho con người, song gợi ý rằng vi nhựa có thể có hại cho sức khỏe của con người.[10]

Vi nhựa, cũng như các vi hạt khác, khi có kích thước đủ nhỏ, có thể xâm nhập vào các bộ phận của cơ thể, như một số nghiên cứu đã chỉ ra.[11][12]

Nhà khoa học môi trường Kevin Thomas, giám đốc Liên minh Khoa học Sức khỏe Môi trường Queensland, Úc, nói rằng có bằng chứng cho thấy các hạt ở kích thước nano (không nhất thiết có nguồn gốc từ nhựa) có thể khiến hệ thống miễn dịch của chúng ta phản ứng ở cấp độ tế bào. Ông nghĩ rằng nếu có khả năng vi nhựa gây hại cho chúng ta, thì đó là khi chúng ở kích thước ấy.[13] 

Tiến sỹ Melanie Bergmann, người đang thực hiện một nghiên cứu về vi nhựa tại Viện Alfred Wegener Nghiên cứu Cực và Biển, Đức, cũng có lo lắng tương tự, khi cho biết ở kích thước nano, vi nhựa có thể xâm nhập vào màng tế bào và di chuyển dễ dàng vào các cơ quan.[14]

Các cố vấn khoa học của Ủy ban châu Âu cho biết trong báo cáo 'Các nguy cơ của ô nhiễm vi nhựa đối với môi trường và sức khỏe' vào tháng 4 năm 2019 rằng: "Mặc dù các bằng chứng hiện có cho thấy ô nhiễm vi nhựa hiện nay không gây nguy cơ rộng rãi cho con người hay môi trường, song có căn cứ quan trọng để quan tâm và thực hiện phòng ngừa."[15] 

Báo cáo vừa nêu đưa ra một số khuyến nghị như mở rộng chính sách ngăn ngừa và giảm ô nhiễm vi nhựa trong không khí, đất, nước; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, trao đổi khoa học về ô nhiễm vi nhựa nói riêng và ô nhiễm nhựa nói chung.

Theo Bruce Gordon, một thành viên trong nghiên cứu của WHO được nói đến ở trên, phản ứng tốt nhất cho vấn đề là giảm ô nhiễm nhựa bằng cách loại bỏ nhựa sử dụng một lần và thúc đẩy tái chế và các giải pháp thay thế.[16]

Chú thích:

[1] Revealed: microplastic pollution is raining down on city dwellers
https://www.theguardian.com/environment/2019/dec/27/revealed-microplasti...

[2][3] Those fancy tea bags? Microplastics in them are macro offenders 
https://www.theguardian.com/food/2019/sep/30/those-fancy-tea-bags-nylon-...

[4] No plastic in nature: Assessing plastic ingestion from nature to people
https://wwf.fi/app/uploads/9/3/m/urcue1dmjetxn1otmy2wc0/plastic-ingestio...

[5] Human consumption of microplastics
https://pubs.acs.org/doi/abs/10.1021/acs.est.9b01517

[6] How worried should we be about microplastics?
https://www.theguardian.com/environment/2019/oct/02/how-worried-should-w...

[7] Microplastics in drinking-water
https://apps.who.int/iris/bitstream/handle/10665/326499/9789241516198-en...

[8] Microplastics in water: no proof yet they are harmful, says WHO
https://www.theguardian.com/environment/2019/aug/22/microplastics-in-wat...

[9] Microplastics 'significantly contaminating the air', scientists warn
https://www.theguardian.com/environment/2019/aug/14/microplastics-found-...

[10] Are microplastics in food a threat to your health?
https://www.healthline.com/nutrition/microplastics

[11] Transport of nanoparticles across an in vitro model of the human intestinal follicle associated epithelium
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/15946828

[12] Nanosphere and microsphere uptake via Peyer's patches: observation of the rate of uptake in the rat after a single oral dose
https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/037851739290202D

[13] Như [6]

[14] Như [9]

[15] Environmental and health risks of microplastic pollution
https://ec.europa.eu/info/publications/environmental-and-health-risks-mi...

[16] Như [8]