You are here

Làn sóng tự do hay làn sóng dân chủ cuối cùng (tiếp theo)

Ảnh của nguyenvubinh

     …

     3/ Những câu hỏi được đặt ra

     Câu hỏi đầu tiên được đặt ra là, tại sao có làn sóng đảo ngược sau các làn sóng dân chủ thứ nhất và thứ hai. Sau làn sóng dân chủ thứ ba, tuy không tạo thành làn sóng đảo ngược những cũng đã có không ít các quốc gia dân chủ quay trở lại chế độ độc tài. Theo cách giải thích thông thường của các nhà nghiên cứu về dân chủ trên thế giới hiện nay thì dân chủ là một thể chế phức tạp, và để đạt được dân chủ thì các quốc gia cần có rất nhiều yếu tố từ kinh tế, văn hóa, chính trị. Tuy nhiên, không ai nói được, khẳng định được đó chính xác là những yếu tố nào, và định lượng ra sao?

     Nhìn vào Bảng xếp hạng Chỉ số dân chủ năm 2018 của tạp chí Economist ở Anh, xếp hạng theo 5 tiêu chí: Việc tiến hành bầu cử công bằng và tự do; Các quyền tự do của công dân; Sự hoạt động của chính quyền; Việc tham gia chính trị; Văn hóa chính trị thì trong 167 quốc gia được đánh giá, có 20 nước đạt tiêu chuẩn dân chủ đầy đủ, 55 nước thuộc về dân chủ khiếm khuyết, 39 quốc gia thuộc thể chế hỗn hợp và cuối cùng là 63 quốc gia chuyên chế. Nếu chỉ lấy 114 quốc gia không phải là chuyên chế, thì tại sao cũng chỉ có 20 quốc gia được xếp vào nhóm dân chủ đầy đủ, tức là chưa đầy 1/5 số quốc gia có chỉ số dân chủ đạt mức dân chủ đầy đủ?

    Với việc hình thành và phát triển dân chủ đã vài trăm năm từ những quốc gia đầu tiên có dân chủ, sau này đã có hàng chục quốc gia dân chủ cũng đã phát triển hàng chục năm, ở các lục địa và các quốc gia có những điều kiện địa lý, văn hóa, kinh tế, chính trị khác nhau tại sao rất nhiều quốc gia (hơn 4/5) vẫn không đạt mức dân chủ đầy đủ, hay nói theo cách khác, người dân chưa được hoàn toàn tự do? đã đến lúc chúng ta nên đặt ra một câu hỏi nghiêm túc: Thể chế dân chủ hiện nay trên thế giới có thực sự bảo đảm tự do của con người hay không? Nó có khiếm khuyết gì mà hàng chục năm và hàng trăm năm thực thi (Mỹ được xếp vào nhóm dân chủ khiếm khuyết - chỉ số dân chủ 2018) vẫn chưa bảo đảm tự do hoàn toàn của con người?              

       II/ Sự xuất hiện của Làn sóng dân chủ cuối cùng

     Làn sóng dân chủ cuối cùng có thể được xem như khởi đầu từ “Mùa xuân Ả Rập”, bắt đầu từ năm 2010. Làn sóng cách mạng với các cuộc nổi dậy, diễu hành và biểu tình phản đối chưa có tiền lệ tại các quốc gia ở Ả Rập: Tunisia, Algerie, Ai Cập, Yemen và Jordan, Mauritanie,  Oman, Sudan, Syria, Iraq, Libya, Ả Rập Xê Út và Maroc. Các cuộc biểu tình phản đối có chung một cách sử dụng rộng rãi kỹ thuật chống đối dân sự trong các chiến dịch bao gồm đình công, biểu tình và các cách thức khác. Ba chính phủ bị lật đổ ở Tuynisia, Ai Cập và Libya trong năm 2011.      

     Tiếp nối mùa xuân Ả Rập, cuộc cách mạng hoa Nhài là những phong trào đấu tranh dân chủ lan rộng trên toàn thế giới. Ở châu Mỹ là Venezuela, châu Phi có Zibabwe, châu Á có Hồng Công, Việt Nam, Iran… tuy mỗi nước có những sắc thái và đặc điểm khác nhau, nhưng đều phản ánh khát vọng tự do trong thời đại hội nhập quốc tế.

     Chúng ta cần có sự nhận diện về nguồn gốc, bản chất và xu hướng của làn sóng dân chủ. Sau đó phân tích bối cảnh toàn cầu để chỉ ra được, tại sao làn sóng dân chủ lần này lại là làn sóng tự do, hay là làn sóng dân chủ cuối cùng của nhân loại. Có thể thấy rằng, có những yếu tố nội tại của khát vọng tự do chung của con người, có những ảnh hưởng tích cực từ xu thế toàn cầu hóa, và cũng có những tác động từ những biến cố lớn của thế giới dẫn tới sự ra đời và phát triển của các làn sóng dân chủ. Tựu trung lại, nguồn gốc, bản chất và xu hướng của làn sóng dân chủ bao gồm những yếu tố sau đây.

      - Như cầu tự do luôn tiềm ẩn trong bất cứ cá nhân, cộng đồng dân cư và nhân dân ở tất cả các quốc gia. Nhưng chưa có nhận thức về các quyền con người, về lên đới xã hội thì nhu cầu đó chưa được phát hiện và nuôi dưỡng. Khi có điều kiện tiếp xúc với các kiến thức về quyền con người, về tự do và liên đới xã hội thì con người ý thức được các quyền con người và thân phận hiện tại của họ. Đó chính là khởi nguồn, cơ sở cho những đòi hỏi và đấu tranh của họ. Chính vì vậy, cơ sở đầu tiên, quan trọng nhất, nhận thức của người dân được thay đổi, nâng cao. Sự xuất hiện của Internet, mạng xã hội chính là cơ sở thay đổi nhận thức của người dân trên toàn thế giới, nhất là những quốc gia chuyên chế.

    - Toàn cầu hóa về kinh tế, hay sự liên kết, đầu tư, hợp tác làm ăn giữa các quốc gia cũng là một yếu tố cơ bản đưa tới những đòi hỏi tự do, hay các làn sóng dân chủ. Sự giao lưu về kinh tế, mở rộng thị trường và phát triển kinh tế thị trường của các quốc gia đã tác động tới các quốc gia chuyên chế theo hai hướng chính. Đó là những đòi hỏi (những tiêu chuẩn) trong việc tham gia vào hệ thống thương mại quốc tế, như tiêu chuẩn về thông tin, về lao động, về công đoàn… là một yếu tố góp phần phá vỡ những cấu trúc chuyên chế. Mặt khác, hội nhập về kinh tế đưa tới hai kết quả trái ngược nhau nhưng có cùng hệ lụy. Nếu kinh tế phát triển, một tầng lớp trung lưu ra đời sẽ đòi hỏi những quyền con người như một xu thế tất yếu. Nếu nền kinh tế không phát triển, chính phủ tham nhũng sẽ nhanh chóng đưa người dân vào cùng khổ, và cũng sẽ dẫn tới việc đấu tranh đòi hỏi các quyền lợi cụ thể. Ranh giới giữa việc đòi hỏi quyền lợi cụ thể và các quyền con người sẽ nhanh chóng bị xóa nhòa do nhận thức của người dân và sự xuất hiện của những nhà cách mạng, hoặc chính trị.

     - Những biến động lớn của thời cuộc, của quốc tế thường đưa tới những thay đổi hàng loạt các chế độ theo hai hướng, dân chủ và đảo ngược dân chủ (dân chủ trở thành chuyên chế). Chúng ta đã biết trong lịch sử có hai biến cố lớn, kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai và sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu, đều đã đưa tới một loạt các quốc gia dân chủ. Kết thúc chiến tranh thế giới thứ II, cũng có một số quốc gia rơi vào vòng chuyên chế của chủ nghĩa cộng sản. Các cuộc khủng hoảng kinh tế lớn trong lịch sử cũng có tác động tương tự, cuộc khủng hoảng, Đại suy thoái 1929-1933 đã làm đảo ngược các nền dân chủ, một số quốc gia có nền dân chủ đã sụp đổ…

     (còn nữa)

Hà Nội, ngày 25/12/2019

N.V.B