You are here

CON ĐƯỜNG VÀO TÒA GIÁM MỤC HÀ TĨNH, ĐIỀU GÌ ẨN GIẤU ĐẰNG SAU? – Phần I

Ảnh của nguyenhuuvinh

Mới đây, báo Hà Tĩnh đăng bài viết: Vì sao tuyến đường 3,7km ở TP Hà Tĩnh thi công 8 năm vẫn chưa xong?

Đây là con đường đi liên huyện, từ thị trấn Thạch Hà xuống huyện Lộc Hà và quan trọng là con đường này đi vào Tòa Giám mục Hà Tĩnh. Mọi giao dịch của giáo dân, giáo phận và những cơ quan khác, các giáo xứ, Giáo phận khác đến Tòa Giám mục Hà Tĩnh đều đi lại qua con đường này.

Những hệ lụy từ con đường đào lên để đó cho đến nay, đã gần chục năm qua gây ra cho người dân nơi đây là rất nghiêm trọng. Những tai nạn, thương vong rồi bụi bặm, bùn lầy, ngập lụt… từ khi con đường này bắt đầu đến nay, người dân chỉ biết chịu đựng.

Câu hỏi đặt ra, là biết bao công trình không hẳn cấp thiết như tượng đài, nhà nọ nhà kia khắp nơi thì được đầu tư, kể cả những công trình hàng ngàn tỷ đồng nhưng chưa nghiệm thu đã bộc lộ những hư hỏng đến mức không thể giải thích và không thể chấp nhận như Dự án nâng cấp tuyến đường ven biển Xuân Hội- Thạch Khê – Vũng Áng đến 1.500 tỷ thì tiền và tiến độ vẫn cứ đốc thúc nhanh chóng? Còn con đường thuộc địa phận Thành phố thì kéo dài triền miên?

Câu trả lời của cán bộ là “Kinh phí thiếu”. Vậy nhưng thực tế chưa hẳn là như vậy.

Con đường vào Văn Hạnh quê tôi được khởi công cách đây mới có… 8 năm. Tám năm cho một dự án mà theo nguyên tắc, phải hoàn thành trong 5 năm là tối đa. Còn theo dự án, thì chỉ cần 240 ngày sẽ hoàn thành.

Thế nhưng, 8 năm đã qua và cho đến nay vẫn là một con đường đau khổ và nguy hiểm. Nhưng nó vẫn cứ trơ gan cùng tuế nguyệt và gây hại cho người dân tại đây.

Giải thích cho điều này, cán bộ Thành phố Hà Tĩnh cho rằng do thiếu kinh phí, do không bố trí được nguồn vốn để thi công…

Thực tế, đây là một công trình chứa nhiều khuất tất khó hiểu từ khi lập Dự án, đến thiết kế, thi công.

Theo dõi quá trình thực hiện dự án này, đó là một quá trình làm ngược. Bất chấp những quy định quy trình đơn giản nhất của một dự án ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống dân sinh.

Trên hết, đó là sự coi thường tính mạng, tài sản của người dân.

Sâu xa hơn, không loại trừ những nguyên nhân khác mà qua nhiều năm theo dõi, chúng tôi thấy xuất hiện đằng sau đó khá rõ ràng: Con đường này đi vào Giáo phận Hà Tĩnh.

Vì sao một dự án đang được tiến hành bằng cách làm ngược, và những bất cập ở đó ra sao.

Chúng tôi sẽ phản ánh trong những bài viết sau đây.

Một cuộc "đối thoại"

Sau nhiều lần bị mời mọc, đến tuần cuối cùng của tháng 11/2019, mẹ tôi được UBND Xã Thạch Trung mời lên làm việc. Nội dung buổi làm việc, là yêu cầu bà phá dỡ ngôi nhà trên đất của cha ông bao đời nay để nhà nước làm đường.

Theo lời của cán bộ Thành phố Hà Tĩnh và Xã Thạch Trung, thì hiện nay, đã có chương trình đền bù đất đai tái định cư. Nhưng do phía nhà nước làm chưa xong hạ tầng, chưa định giá bán cho dân được nên chưa thể giao đất, yêu cầu gia đình phá ngôi nhà hiện nay để làm đường, chờ đến khi nào có đất đai thì sẽ bán lại đất tái định cư cho dân theo giá mà họ quy định.

Đây không phải lần đầu tiên, một bà già hơn 80 tuổi nhận được yêu cầu này. Trước đây đã nhiều lần, Thành phố có giấy yêu cầu bà phá nhà, giao đất để làm đường, xong rồi sau này có tiền đền bù sau và có đất thì giải quyết sau. Nhưng bà đã từ chối.

Không chỉ riêng gia đình tôi, mà cả những gia đình khác trong xóm đều nhận được yêu cầu tương tự.

Điều khá ngạc nhiên, là UBND Thành phố và Xã khá kiên trì, dù dân đã cự tuyệt, vẫn liên tục gửi giấy yêu cầu đập nhà, giao đất cho Dự án, sẽ đền bù sau khi nào có tiền, có đất.

Đến trụ sở Ủy Ban Nhân dân Xã Thạch Trung, có đầy đủ thành phần cán bộ của Thành phố và Ủy ban, chủ tịch xã, cán bộ Dự án…

Chủ tịch UBND Xã Thạch Trung cùng các cán bộ khác phát biểu nêu yêu cầu như lần trước:

- Đề nghị gia đình cho đập bỏ ngôi nhà hiện tại trên đất của gia đình, bàn giao mặt bằng để thi công, chờ đến khi nào khu tái định cư được thi công xong, khi đó mới định giá và bán cho gia đình sau.

Bà đã phát biểu như sau:

- Tôi đã nhiều lần nhận được giấy yêu cầu dỡ nhà để làm đường, kể từ khi gia đình tôi chưa nhận được đền bù tiền bạc, với lời hứa của cán bộ là khi nào có kinh phí thì sẽ đền bù sau.

Tôi cũng đã được Ủy ban mời lên xã để yêu cầu ký kết văn bản tự nguyện dỡ nhà, giao đất rồi chờ đến khi nào nhà nước có tiền thì sẽ đền bù sau.

Vấn đề này, tôi đã nhiều lần nói với các cán bộ Ủy ban nhiều cấp rằng không thể yêu cầu chúng tôi như vậy được. Đã có dự án của nhà nước, thì có chương trình hẳn hoi, có kế hoạch, kinh phí đền bù cho dân, chứ không thể như mấy bà bán rau ngoài chợ đi mua chịu rồi hứa hôm sau có tiền thì trả mà không có thì thôi.

Tôi đã hơn 80 tuổi, tôi cho phá nhà theo lời hứa của Ủy Ban, rồi đến khi tôi chết vẫn chưa có đất cho con tôi làm nhà cho cháu ở thì chúng nó lôi tôi đậy đi đòi à?

- Người dân chúng tôi có ngôi nhà để ở, luật pháp quy định rõ ràng về quyền có nơi ở và sự bất khả xâm phạm chỗ ở của người dân. Lẽ ra, nhà nước lo cho dân, cần đền bù, cấp đất cho dân ở ổn định trước khi làm đường, chứ không phải như con chim hoặc con chuột cứ chui ra bờ bụi ngủ rồi chờ khi nhà nước làm ơn mới được có nơi ở.

Các cán bộ ở đây sạch sẽ ấm áp, chứ nếu xuống xem dân tình chúng tôi ở dưới xóm thì biết cuộc sống chúng tôi ra sao. Con đường làm đã gần chục năm, bây giờ như một bãi lầy mà ai đi qua cũng khiếp sợ. Bao tai nạn đã xảy ra với người dân chúng tôi, thương vong cũng đã có, một trận mưa đổ xuống thì đường như ruộng cấy, trẻ con đi học, ông bà già đi lễ không đi được vậy Ủy ban nghĩ gì?

- Quy định nào của nhà nước là khi thực hiện dự án làm đường là bắt dân đập nhà làm đường trước, đền bù giải phóng mặt bằng sau?

- Quy định nào của nhà nước là kinh phí của Dự án đưa vào làm đường trước rồi đền bù sau?

- Làm con đường mà thiết kế không có mương thoát nước, đất bùn đổ lên đường, mưa một trận ào vào ngập nhà dân không có chỗ ở mà bao năm không ai biết đến, trách nhiệm của chính quyền và Dự án ở đâu?

Chỉ cần một trận mưa như hôm trước, bao nhiêu bùn đất nước bẩn đổ vào nhà dân gây ốm đau, bệnh tật dân cứ chịu. Gia đình tôi, nước ào vào vườn, xô đổ cả mấy chục mét hàng rào nhưng đã làm đơn cho đến nay, vẫn không có bất cứ ai hỏi han đến, coi như không có chuyện gì xảy ra. Trách nhiệm của chính quyền và Ban quản lý Dự án ở đâu?

- Tại sao một dự án làm đường cả 18 mét, mà không thiết kế mương thoát nước thì ai là người thiết kế và ai là người chịu trách nhiệm?

- Về phía gia đình tôi, đất đai của gia đình tôi từ cha ông để lại đến hơn 400 mét vuông. Bao gồm đất đai làm được một ngôi nhà 3 gian nhà ngoài, 3 gian nhà ngang, nhà bếp, chuồng nuôi bò, lợn, chuồng nuôi vịt gà và cả một cái sân rộng. Cả gia đình 3 thế hệ chúng tôi ở đó.

Sau bao đợt mở rộng đường, gia đình tôi đã hiến đất cho nhà nước không đòi một xu đền bù nào về đất đai, cho đến nay, từ hơn 400 mét vuông, nay chỉ còn 160 mét vuông và từ nay thì chúng tôi không hiến đất nữa, bởi có dự án là có kinh phí đền bù hẳn hoi.

Việc Ủy ban và nhiều cơ quan yêu cầu gia đình tôi và các gia đình khác phải dỡ nhà để làm đường khi chưa đền bù xong là việc hết sức vô lý.

Chúng tôi là con người chứ không phải con chồn con cáo mà đào hang để ở, mà có đào hang cũng phải có đất mới đào được.

- Trước đây, khi vận động hiến đất làm đường, Chủ tịch Xã đã khẳng định là khi gia đình con cái lớn, chỉ cần có đơn, là có đất cấp cho gia đình vì đã cống hiến nhiều đất đai cho nhà nước làm đường. Vậy mà bao năm nay, khi con cái chúng tôi ở riêng làm đơn xin mua, vẫn không được giải quyết cho đến nay. Trong khi thử xem cán bộ ở đây có bao nhiêu đất đai mang tên những ai?

Trong khi lời hứa của UBND Xã qua các thời kỳ đã không được thực hiện với chúng tôi nên chúng tôi không còn lòng tin nữa.

- Cán bộ Ủy ban nói rằng: Việc đề nghị này là xuất phát từ yêu cầu của Cha xứ và Ban hành giáo, chúng tôi đã làm việc với cha xứ về vấn đề này. Cha xứ bảo là ngài không có trách nhiệm vận động phá nhà dân để cho dự án nợ tiền và nợ đất mà phải đảm bảo quyền lợi cho dân. Vì thế yêu cầu UBND không nại ra ý kiến là theo yêu cầu của cha xứ hoặc BHG hoặc bất cứ ai không có quyền hạn và trách nhiệm.

Trước tết, nhân dịp Thánh lễ Thành lập Giáo phận mới, UBND Xã cũng nại ra lý do là yêu cầu của Giáo xứ và Giáo phận đề nghị dỡ nhà để làm đường. Lơi dụng cha quản xứ mới về chân ướt chân ráo không hiểu gì về tình hình địa phương, nên họ đã báo với cha xứ là gia đình tôi yêu cầu đất trung tâm Thành phố. Cha xứ đã không hiểu vấn đề khi đó, và bây giờ, sau mấy tháng ở Văn Hạnh, thì đã hiểu ra sự tình.

- Cán bộ nói rằng có đất mà chưa giao cho dân, vì chưa làm xong giá cả để bán. Vậy khi chúng tôi phá nhà làm dự án xong, đất đai thổ cư của chúng tôi đền bù được 5 triệu/mét vuông. Nhưng khi đền bù đất tái định cư thì xã bán giá trên trời theo ý xã chúng tôi lấy tiền đâu để mua được mà ở?

Tại sao có những nơi đã xong vẫn không giao đất cho dân?

Cả buổi họp, các cán bộ từ Chủ tịch cho đến các ban ngành, không ai trả lời được câu nào của bà đã đặt ra.

Buổi họp kết thúc mà không có một biên bản hoặc bất cứ giấy tờ nào ghi nhận.

Có lẽ UBND và các cán bộ rỗi rãi quá nên mời lên chơi cho đỡ buồn thì phải.

Thế nhưng, ngay ngày hôm sau, gia đình lại tiếp tục nhận được một văn bản khác của UBND Thành phố, lại yêu cầu đập nhà để giao đất.

Kỳ lạ với Dự án đường Văn Hạnh này.

Có lẽ, con đường qua Văn Hạnh quê tôi, bộ máy chính quyền và những hoạt động, những âm mưu ở nơi này cần một loạt các bài viết rõ ràng hơn, thì mọi người mới có thể hiểu được những gì đang xảy ra ở nông thôn Việt Nam. Nhất là nơi có Tòa Giám mục Giáo phận Văn Hạnh này.

Có lẽ hàng ngày các Giám mục, Linh mục Giáo phận Hà Tĩnh cũng như các nơi khác và người dân khắp nơi đi qua hoặc về văn phòng Giáo phận tại Văn Hạnh có việc sẽ chỉ thấy những khó khăn bẩn thỉu nhưng chưa hiểu được những ẩn ý đằng sau việc làm con đường này.

Là người đã trăn trở nhiều với những thay đổi ở quê hương, tôi hiểu rất rõ những mưu đồ, những cách làm âm mưu đằng sau con đường này là gì. Tiếc rằng nhiều người chưa hiểu hết, kể cả một số linh mục.

Do vậy, có lẽ tôi sẽ dành thời gian để viết về con đường này rõ hơn trong các bài viết tiếp theo.

(Còn nữa)

Ngày 4/12/2019

J.B Nguyễn Hữu Vinh