You are here

Bóng đá Việt Nam: một nét son (tiếp theo và hết)

Ảnh của nguyenvubinh

     …

     Thứ hai, các doanh nghiệp có định hướng đúng và mạnh dạn đầu tư vào bóng đá từ giai đoạn ban đầu. Có thể nói rằng, đi tiên phong trong việc đầu tư bóng đá bài bản và công phu là hai doanh nghiệp Hoàng Anh Gia Lai và Gạch Đồng Tâm Long An. Câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai đã hợp tác với trung tâm đào tạo của câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng thế giới Asenal để thành lập một trung tâm đào tạo bóng đá là Asenal JMG. Việc đầu tư đào tạo bóng đá trẻ chuyên nghiệp là bước đi tuyệt vời, vừa tạo ra một thế hệ cầu thủ chuyên nghiệp, vừa làm hình mẫu để các câu lạc bộ và địa phương đi theo. Đến nay, có thể nói Việt Nam có hệ thống các trung tâm đào tạo bóng đá trẻ chuyên nghiệp và bài bản, góp phần quan trọng tạo ra các thế hệ cầu thủ chuyên nghiệp cho nền bóng đá. Thành công của bóng đá Việt Nam ngày hôm nay, về yếu tố con người có công sức không nhỏ của câu lạc bộ bóng đá Hoàng Anh Gia Lai với non nửa các cầu thủ của đội tuyển Việt Nam được đào tạo từ trung tâm Asenal JMG. Không chỉ việc đào tạo, hai câu lạc bộ Đồng Tâm Long An và Hoàng Anh Gia Lai còn là nơi giới thiệu và tài trợ cho hai huấn luyện viên thành công nhất trong bóng đá Việt Nam thời gian qua, ông Calisto và Park Hang Seo. Cũng phải nói thêm rằng, trong thập kỷ từ 2000 - 2010, các doanh nghiệp phát triển cực thịnh, có điều kiện đầu tư vào bóng đá một cách mạnh mẽ và sôi động, tạo cú hích cho cả nền bóng đá.

     Thứ ba, sự quan tâm của người dân Việt Nam tới bóng đá và sự tự do gần như hoàn toàn của báo chí và ngôn luận trong lĩnh vực bóng đá. Có thể nói ít có lĩnh vực nào được người dân quan tâm như bóng đá. Điều này dẫn tới việc những động thái diễn ra xung quanh bóng đá cũng được đặc biệt quan tâm. Kết hợp với việc báo chí trong lĩnh vực thể thao, bóng đá được tự do một cách đáng ngạc nhiên đã tạo ra sức ép đối với những con người và hệ thống quản lý bóng đá. Tôi muốn nhấn mạnh tới sự tự do báo chí trong lĩnh vực bóng đá. Là người thường xuyên đọc các báo về thể thao, bóng đá giai đoạn từ khoảng 1997 cho tới 2010, tôi thực sự ngạc nhiên vì sự tự do của báo chí viết về bóng đá, những đội bóng, liên đoàn, các cá nhân. Hầu như là một sự tự do tuyệt đối. Đến thời điểm mạng xã hội phát triển và bùng nổ, thì không chỉ các nhà báo mà người dân cũng được tham gia phản biện. Phải nói rằng, sự quan tâm đặc biệt tới bóng đá của người dân và sự tự do báo chí trong bóng đá đã góp phần không nhỏ cho việc điều chỉnh cách thức điều hành, quản lý và những ứng xử của các thành phần tham gia của nền bóng đá.

     Thứ tư, tính chuyên nghiệp của nền bóng đá được nâng lên tác động tới nhận thức của các cầu thủ. Nếu như trước đây, việc đào tạo không được bài bản, quản lý sinh hoạt lỏng lẻo, các tiêu cực của hệ thống quản lý… đã làm cho các cầu thủ không xác định bóng đá là một nghề nghiệp nghiêm túc thì sau này, việc được đào tạo bài bản, quản lý khoa học, thu nhập  được nâng cao… các cầu thủ đã ý thức được việc có thể tạo dựng được sự nghiệp trong nghề nghiệp của mình, từ đó có sự rèn luyện, ý thức trong sinh hoạt và nghiêm túc trong nghề nghiệp. Từ sự cố gắng của các cầu thủ, tính chuyên nghiệp của bóng đá lại được nâng lên, và đó là những nền tảng cho sự thành công.

     Trên đây là một số yếu tố đã góp phần tạo ra nền tảng cho một nền bóng đá, mà trên nền tảng đó, các đội tuyển bóng đá quốc gia gặt hái những thành công. Xét trên bình diện chuyên môn và trực tiếp, thành công của bóng đá Việt Nam do hai yếu tố quan trọng: Một là, tìm được một huấn luyện viên tài năng, hiểu  biết về con người Việt Nam và nền bóng đá của chúng ta. Có thể nói, thành công của các đội tuyển bóng đá Việt Nam thời gian vừa qua có công sức rất lớn của huấn luyên viên người Hàn Quốc, ông Park Hang Seo; hai là, thể lực và sức khỏe của các cầu thủ bóng đá Việt Nam đã được cải thiện cơ bản, bảo đảm sức khỏe từ đầu đến cuối trận đấu. Chúng ta biết rằng, cầu thủ (con người) Việt Nam vốn nhanh nhẹn, khéo léo. Nhưng trước đây, ngay cả giai đoạn thành công (vô địch AFF Cup 2008) dưới thời huấn luyện viên Calisto, đội tuyển của chúng ta thi đấu tốt nhưng vẫn có những yếu tố mong manh, có thể thua và sụp đổ bất cứ lúc nào. Nhưng dưới thời huấn luyện viên Park Hang Seo, chúng ta xem đội tuyển thì đấu không còn cảm giác lo lắng như trước đây nữa. Ngoài việc hệ thống phòng ngự được huấn luyện viên này đặc biệt chú trọng, thì yếu tố sức khỏe giúp cho cầu thủ tập trung từ đầu đến cuối trận đấu là yếu tố mấu chốt giúp cho các đội tuyển thành công và giữ được thành quả của mình. Có được điều này là do các cầu thủ được đào tạo từ nhỏ, có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý. Hiện nay các câu lạc bộ cũng thực hiện khẩu phần ăn bảo đảm dinh dưỡng khoa học và hợp lý cho các cầu thủ.

     Đối với nền bóng đá Trung Quốc, cá nhân tôi không có thông tin và không nghiên cứu. Nhưng đối chiếu những yếu tố tạo nên thành công của bóng đá Việt Nam, có thể có vài suy đoán. Trước hết, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng được khuyến khích đầu tư vào bóng đá như ở Việt Nam, nhưng cuộc chiến nhằm kiểm soát bóng đá giữa câu lạc bộ và đơn vị chủ quản chắc chắn không thuận lợi như ở Việt Nam. Lý do là quy mô và tiềm lực các đơn vị chủ quản của Trung Quốc rất lớn, không yếu ớt như ở Việt Nam (một tỉnh của Trung Quốc lớn bằng một quốc gia, và tiềm lực đầu tư cho vài đội bóng không phải là vấn đề quá lớn như ở Việt Nam). Hệ thống quản lý của liên đoàn bóng đá Trung Quốc (vẫn còn tiềm lực lớn) cũng vì vậy mà vẫn còn nhiều tiếng nói quyết định, dẫn tới việc áp dụng hệ thống quản lý khoa học và tiến tiến của các nền bóng đá trên thế giới khó khăn hơn. Tức là sự buông tha của cơ chế đối với bóng đá ở Trung Quốc diễn ra khó khăn và chậm chạp hơn của Việt Nam. Vấn đề nữa là, sự tự do của báo chí trong lĩnh vực thể thao và bóng đá của Trung Quốc có lẽ không thể so sánh được với Việt Nam, đồng nghĩa với sự phê phán và phản biện cho nền bóng đá rất hạn chế. Những vấn đề này có thể đã làm cho nền bóng đá của Trung Quốc chưa thoát hoàn toàn ra khỏi cơ chế cũ dẫn tới thành quả không được như ở Việt Nam thời điểm hiện tại./.

Hà Nội, ngày 26/11/2019

N.V.B