You are here

Bóng đá Việt Nam: một nét son

Ảnh của nguyenvubinh

     Trong thời gian gần 2 năm qua, bóng đá Việt Nam đã gặt hái được những thành tích vô cùng đáng khích lệ, và chưa từng có trong lịch sử. Năm 2018, đầu tiên là giải U23 châu Á tổ chức tại Thường Châu, Trung Quốc (tháng 01/2018), đội tuyển U23 Việt Nam đã vào tới trận chung kết giải đấu và chỉ chịu thua Uzbekistan với tỷ số 2-1 vào phút cuối cùng của trận đấu kéo dài 120 phút. Vào tháng 8/2018, đội Olympic Việt Nam xuất sắc lọt vào nhóm 4 đội mạnh nhất tại ASIAD (còn gọi là Á Vận hội). Tháng 12 cùng năm, đội tuyển quốc gia Việt Nam vô địch giải Bóng đá Đông Nam Á (AFF cup) lần thứ 2. Năm 2019, lần đầu tiên đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam vào Tứ kết giải bóng đá Vô địch châu Á (Asian Cup), ngoài ra còn kể tới giải bóng đá giao hữu King’s Cup 2019 tổ chức tại Thái Lan, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan và chỉ chịu mất chức vô địch trong loạt sút luân lưu.

     Hiện tại, đội tuyển bóng đá quốc gia đang tham gia Vòng loại thứ hai WorldCup 2022 ở bảng G với thành tích 3 trận thắng, hai trận hòa được 11 điểm đứng đầu bảng đấu. Đội tuyển U22 Việt Nam mới lên đường tham dự SEA game 30 tổ chức tại Philippine.

     Thành tích bóng đá Việt Nam trong hai năm qua đã đặt ra câu hỏi thú vị, tại sao bóng đá Việt Nam lại có thể tạo ra kỳ tích, một loạt thành công vang dội như vậy trong một đất nước độc tài toàn trị, một nền kinh tế nửa maphia nửa kế hoạch, một xã hội ruỗng nát về tất cả mọi phương diện? và tại sao cũng cùng cơ chế, cấu trúc và xã hội toàn trị, Trung Quốc còn đi trước Việt Nam về bóng đá, lại không có được thành tích như của Việt Nam?

     Nếu như thành công của bóng đá Việt Nam chỉ dừng lại ở một vài giải đấu, một vài trận thắng vang dội thì có lẽ cũng không tạo ra một sự ngạc nhiên đến như vậy. Thành công này chứng tỏ sự trưởng thành toàn diện của một nền bóng đá, chính vì vậy chúng ta cần tìm hiểu điều gì đã tạo ra một nền tảng bóng đá có thể xây dựng lên các đội tuyển quốc gia cạnh tranh sòng phảng với các nền bóng đá lớn trong khu vực.

     Là một người đam mê bóng đá từ khi còn trẻ, theo dõi hầu hết các giải bóng đá lớn trên thế giới, và trước đây thường đặt, mua các báo viết về bóng đá để đọc, tôi có quan sát nền bóng đá Việt Nam, sự chuyển mình, thay đổi của bóng đá Việt Nam là một minh chứng thú vị về sự xã hội hóa, về sự buông tha của cơ chế, và sự tự do ngôn luận, báo chí trong lĩnh vực bóng đá. Có thể nói, bóng đá là lĩnh vực tự do hoàn toàn trong một nhà nước toàn trị, cốt lõi thành công của bóng đá Việt Nam chính là sự tự do gần như hoàn toàn của tất cả các thành phần tham gia vào nền bóng đá. Tựu trung lại, có những nguyên nhân lớn sau đây đã dẫn tới sự thay đổi toàn diện của nền bóng đá nước nhà.

     Thứ nhất, khởi nguồn, nguyên nhân của mọi nguyên nhân cho thành công của bóng đá Việt Nam, đó là sự xã hội hóa bóng đá, hay nói cách khác, đó là sự buông tha của cơ chế đối với lĩnh vực bóng đá. Chúng ta đều biết, trong các xã hội toàn trị nói chung và Việt Nam nói riêng, bất kỳ một lĩnh vực nào cũng được quản lý bởi một hệ thống khổng lồ bao gồm những quan chức ngu xuẩn, một đội ngũ con ông cháu cha cũng ngu dốt, lười nhác không kém và tham nhũng đục khoét không từ một thứ gì. Nguyên nhân của sự buông bỏ cơ chế quản lý thối nát, ngu dốt và cồng kềnh trong bóng đá chính là do sự cạn kiệt nguồn lực, tức là hết tiền. Đó là thời điểm những năm của thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Các doanh nghiệp được khuyến khích tham gia đầu tư vào bóng đá. Tuy nhiên, sự buông bỏ này cũng không phải dứt khoát và trọn vẹn ngay từ đầu. Theo truyền thống và quán tính, việc tận dụng các doanh nghiệp ban đầu cũng chỉ lợi dụng để hệ thống quản lý có thành tích và duy trì sự quản lý, can thiệp của mình. Nhưng sự phát triển nửa nạc nửa mỡ của bóng đá, tức là đơn vị chủ quản của các đội bóng vẫn thuộc sở thể dục thể thao, các doanh nghiệp đổ tiền vào bóng đá không được toàn quyền quyết định về chuyên môn, quản lý không thể tạo ra một môi trường bóng đá chuyên nghiệp được. Sự giằng co quyền kiểm soát đội bóng giữa các nhà đầu tư và đơn vị chủ quản kéo dài vài chục năm mới ngã ngũ. Các đội bóng của Việt Nam hiện nay hầu như thuộc quyền quản lý toàn diện của các doanh nghiệp.

     Hệ thống các đơn vị chức năng của liên đoàn bóng đá cũng phải vật vã dứt bỏ phương thức quản lý cũ, duy ý chí và áp đặt để theo kịp với những chuẩn mực chung của bóng đá chuyên nghiệp. Một trong những lý do quan trọng, là tiêu cực trong bóng đá đã bị xã hội lên án nặng nề, bị mổ xe tới nơi tới chốn và điểm mặt chỉ tên từng cá nhân.

     Khi mà việc cố níu kéo cơ chế cũ không thành thì bản thân Liên đoàn bóng đá cũng phải tự đổi mới, đi theo hướng quản lý bóng đã chuyên nghiệp của các quốc gia có nền bóng đá phát triển. Và Liên đoàn cũng đã rút được kinh nghiệm, muốn có được chút lộc lá, cần phải dựa vào thành tích của các đội bóng, với những khoản thưởng khổng lồ của các doanh nghiệp, đơn vị và cá nhân. Chính vì vậy càng thúc đẩy Liên đoàn áp dụng cách quản lý hiệu quả của các nền bóng đá tiên tiến. Giải vô địch bóng đá quốc gia và hệ thống các giải đấu đã và đang bắt nhịp với phương thức điều hành và quản lý chuyên nghiệp…

     (còn nữa)

Hà Nội, ngày 25/11/2019

N.V.B