You are here

Vai trò của quân đội trong các cuộc biểu tình thay đổi chế độ

Ảnh của nguyenvandai

Trong Hiến pháp của tất cả các quốc gia trên thế giới đều ghi nhận quyền biểu tình của người dân. Quyền biểu tình của công dân Việt Nam được qui định tại điều 25 Hiến pháp 2013.


Trong các quốc gia dân chủ, thông thường người dân chỉ thực hiện quyền biểu tình của họ khi không hài lòng với các chính sách của chính phủ. Các chính sách của chính phủ đã làm cho cuộc sống của họ khó khăn, nạn ô nhiễm môi trường hay tham nhũng,...

Và mục đích ban đầu của các cuộc biểu tình là gây sức ép với chính phủ trong việc cải cách các chính sách kinh tế, an sinh xã hội, cải thiện môi trường cũng như chống tham nhũng,...

Nếu các chính phủ cải cách chính sách, cải thiện môi trường, chống tham nhũng,... đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân thì các cuộc biểu tình sẽ chấm dứt. Và chính phủ đó tồn tại đến khi có cuộc bầu cử mới.

Trong trường hợp chính phủ đó không thể cải cách theo nguyện vọng của Nhân dân hoặc Nhân dân mất hết niềm tin vào chính phủ thì cuộc biểu tình sẽ trở thành cuộc cách mạng đường phố để gây áp lực buộc chính phủ phải từ chức, giải tán bằng biện pháp hòa bình. Và cuộc biểu tình lật đổ chính phủ là hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp vì đó là thể hiện ý trí và nguyện vọng của Nhân dân. Sau đó họ sẽ tiến hành bầu cử ra quốc hội và chính phủ mới.

Gần đây nhất, cuộc biểu tình của Nhân dân Bolivia đã buộc Tổng thống Evo Morales phải quyết định từ chức vào ngày 10/11 sau 14 năm cầm quyền. Dưới thời cầm quyền của cựu Tổng thống Evo Morales, Bolivia là quốc gia theo đường hướng XHCN. Nhưng Nhân dân Bolivia đã chán ngán dưới sự lãnh đạo giáo điều của cựu Tổng thống Evo Morales. Và Nhân dân Bolivia quyết định biểu tình để buộc ông Evo Morales phải từ chức, quân đội đã đứng về phía Nhân dân để gây áp lực lên Tổng thống. Mất đi sự ủng hộ của Nhân dân và quân đội, không còn lựa chọn nào, ông Evo Morales phải từ chức và chạy tị nạn sang Mexico.

Và như vậy, Bolivia sẽ sớm trở lại ổn định để tiếp tục phát triển đất nước và chuẩn bị cho một cuộc tổng tuyển cử mới theo nguyện vọng của Nhân dân.

Trong khi đó, cuộc biểu tình của Nhân dân Venezuela đã diễn ra nhiều lần và trong một thời gian dài với qui mô cả triệu người để lật đổ Tổng thống Maduro, nhưng vẫn chưa thành công bởi Maduro vẫn còn được quân đội ủng hộ.

Điều này đã đẩy đất nước Venezuela vào cuộc khủng hoảng trầm trọng và kéo dài. Đất nước chia rẽ, Nhân dân Venezuela thiếu thốn đủ thứ từ thực phẩm, thuốc chữa bệnh, điện nước,... hàng triệu người bỏ nước ra đi, hàng triệu người khác lâm vào cảnh đói khổ,...

Ví dụ về hai quốc gia trên cho thấy vai trò quan trọng của quân đội trong việc bảo vệ lợi ích của đa số Nhân dân và của quốc gia hay chỉ để bảo vệ lợi ích cho một cá nhân, một nhóm người, một đảng chính trị trong xã hội.

Một khi quân đội đứng về phía Nhân dân thì mọi chuyện tốt đẹp sẽ đến với quốc gia, dân tộc đó. Còn nếu quân đội đứng về phía nhà cầm quyền trái với ý nguyện của Nhân dân thì sẽ đẩy cả đất nước, dân tộc vào khủng hoảng, nghèo đói và chết chóc,...

Trong những năm gần đây, nhiều người dân Việt Nam đã thường xuyên sử dụng quyền biểu tình của mình trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia vào các năm 2014, 2015; biểu tình bảo vệ môi trường vào năm 2016(Formosa); chống lại một số dự luật không hợp lòng dân như luật đặc khu, luật an ninh mạng vào năm 2018. Những người dân oan mất đất thì tổ chức các cuộc biểu tình nhỏ lẻ thường xuyên ở Hà Nội và Sài Gòn.

Tuy nhiên các cuộc biểu tình chưa đủ lớn về qui mô số người tham gia cũng như kéo dài thời gian đủ để gây áp lực thay đổi chính trị ở Việt Nam.

Hiện nay, Nhân dân Việt Nam đang phải chịu đựng nhiều nỗi bức xúc cao độ. Từ vấn nạn tham nhũng diễn ra một cách trầm trọng ở mọi ngành, mọi cấp; đạo đức xã hội xuống cấp nghiêm trọng; ô nhiễm môi trường đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của Nhân dân; tai nạn giao thông với hàng chục nghìn người chết và thương tật mỗi năm; Thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng nhiễm độc, thuốc chữa bệnh giả tràn lan khắp thị trường; giáo dục xuống cấp,... Đặc biệt là những vi phạm nhân quyền, vi phạm quyền tự do, dân chủ của Nhân dân.

Qua mạng xã hội cho thấy đa số Nhân dân mất hết niềm tin vào đảng Cộng sản.

Tất cả những nỗi bức xúc đó của Nhân dân như ngọn lửa âm ỉ có thể bùng phát thành những cuộc biểu tình như biển lửa lớn thiêu đốt chế độ cộng sản thành tro tàn bất cứ lúc nào.

Và nếu ở Việt Nam xảy ra như vậy thì vai trò của quân đội là rất quan trọng trong việc quyết định tương lai của đất nước, của dân tộc.

Quân đội đứng về phía nhà cầm quyền cộng sản, có thể máu của Nhân dân sẽ đổ, đất nước Việt Nam sẽ rơi vào khủng hoảng, bất ổn và chia rẽ kéo dài. Chủ quyền, an ninh quốc gia sẽ bị đe dọa nghiêm trọng bởi chủ nghĩa bành trướng, bá quyền Trung Quốc luôn lâm le chờ cơ hội xâm lược nước ta.

Quân đội đứng về phía Nhân dân, chỉ một số nhóm quan chức cao cấp của chế độ Cộng sản sẽ bị tước bỏ quyền lực. Đất nước sẽ chuyển đổi sang nền chính trị dân chủ đa đảng, mở ra một kỷ nguyên mới rực rỡ cho đất nước và dân tộc.

Và quân đội vẫn mãi mãi là quân đội của Nhân dân. Chính quyền dân chủ do Nhân dân bầu lên sẽ quan tâm và đầu tư cho quân nhiều hơn. Xóa bỏ chính sách 3 không, quân đội Việt Nam sẽ là đồng minh với quân đội các cường quốc dân chủ trên thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và các nước Nato,... Chắc chắn, quân đội Việt Nam sẽ đủ sức mạnh để bảo vệ Tổ quốc của mình.

Việt Nam sẽ ổn định nhanh chóng, mọi người dân sẽ được thụ hưởng các quyền tự do, dân chủ và bình đẳng thực sự. Điều này là nền tảng vững bền để xây dựng một nước Việt Nam hùng cường vì tương lai và hạnh phúc của tất cả mọi thế hệ người Việt Nam.