You are here

Vụ 39 nạn nhân: Giải pháp trước mắt? [Phần 2]

Tuy vậy, câu hỏi ở đây là ai sẽ làm tất cả những việc này, và làm một cách hiệu quả? Chính quyền với bộ máy quan liêu nhiều tầng nấc liệu có thể? Hay các đoàn thể nhà nước như Mặt trận Tổ Quốc, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên…vốn đã xơ cứng vì bị hành chính hóa, chính trị hóa quá nặng nề?

Chỉ có các tổ chức dân sự tập hợp những con người thực sự quan tâm đến vấn đề này mới có hi vọng giải quyết nó. Số này thường không nhiều, song vì toàn tâm toàn ý nên họ có thể tạo ra sự thay đổi. Chính họ sẽ làm những thước phim sáng tạo nhất cảnh báo di cư bất hợp pháp nguy hiểm tới mức nào. Chính họ sẽ đến làng trên xóm dưới, gõ cửa từng nhà để cung cấp thông tin nhiều nhất có thể cho mỗi gia đình trước khi ra quyết định. Họ cũng sẽ bóc trần những công ty XKLD ăn trên mồ hôi nước mắt của người lao động. Cũng chính họ sẽ tổ chức những chương trình đào tạo ngắn ngày giúp các bạn trẻ biết được quyền lợi hợp pháp mà mình được hưởng khi lao động xứ người, những gì nên và không nên làm để hòa nhập tốt hơn. Từ đó, họ còn có thể thúc đẩy chính phủ nước gửi và nhận lao động ban hành những chính sách tốt hơn cho người lao động xuất khẩu.

Thế còn chính quyền có thể làm gì? Chính quyền không cần làm gì, chỉ cần đừng cản trở những nỗ lực dân sự kể trên là tốt lắm rồi. Duy trì thái độ nhẹ thì dè chừng, nặng thì thù địch với mọi nỗ lực dân sự ngoài vòng kiểm soát từ trước đến nay đã giết chết biết bao thiện chí, đi kèm là ý tưởng và nguồn lực, của người Việt muốn giúp người Việt.

Bởi vậy, ban hành và thực thi một đạo luật về quyền tự do hiệp hội theo chuẩn mực quốc tế là việc vô cùng đơn giản mà chính quyền có thể làm ngay để góp phần giải quyết những vấn đề xã hội mà bản thân họ không thể giải quyết, chẳng hạn như thảm kịch vừa rồi.