You are here

Tết xưa và Tết nay

 

Trong lúc mưa bão đang vần vũ, trong lúc con số 39 đang trở thành biểu chứng định phận của một bộ phận không nhỏ người Việt khi nói về những cuộc tháo chạy, hay những cuộc vượt biên, hay những cuộc dấn thấn với rủi may, khi thế giới đang buồn bã trước tình hình mọi thứ đang xấu đi, môi trường xấu đi, dân chủ đang ngày càng thu hẹp trên đất Hương Cảng hay còn nhiều vấn đề khác đang đe dọa con người… Tôi lại đi nói về chuyện Tết xưa và Tết nay. Nghe có vô duyên quá không?! Thưa, tự dưng, truớc mọi biến chuyển dâu bể cuộc sống, tôi miên man nghĩ về Tết xưa và hình dung về cái Tết sắp tới, có lẽ, một phần do Tết là dịp khởi sự của một năm, Nguyên Đán là buổi đón ánh sáng đầu tiên của mùa Xuân, của năm, và giữa bộn bề cuộc sống, tôi nghĩ về cái mốc khởi sự, nó như một chỉ dấu về những gì đã mất đi của quá khứ hay về một khởi sự nào đó!

Nghĩ về Tết, tự dưng, có lẽ cũng vì tôi từng đến thăm rất nhiều ngôi làng ở Bắc vĩ tuyến 17, những ngôi làng chỉ có người già và trẻ em, những ngôi làng có bề dày thành tích cách mạng cũng rất lẫy lừng, họ từng đưa con tham gia thanh niên xung phong, đưa con đi chiến trận vào Nam những năm 1968, và họ sống trong hẩm hiu những năm sau 1975, để rồi, khi có cơ hội, họ lại đưa con, cháu, những mống huyết thống còn sót lại tiếp tục vượt biên sang một xứ khác để làm ăn, để tìm đường cứu gia đình, để tìm một thứ gì đó mơ hồ tựa như là hi vọng đổi đời. Và công tâm mà nói, cuộc đời của họ đã thực sự thay đổi, nhà cửa khang trang, mọi thứ phương tiện vật chất đều có… Nhưng trả giá cho việc này, không riêng gì 39 thương vong, mà có rất nhiều người đang sống dở chết dở ở xứ người, tương lai khó mà nói mơ hồ hay tươi sáng cho trọn!

Và, tôi cũng chứng kiến những cái Tết ở các ngôi làng chỉ có người già và trẻ em. Người già thì tranh thủ thời gian an toàn hiếm hoi (có con cháu trông nhà nhờ chúng nghỉ Tết) để đi thăm hàng xóm, bà con, còn trẻ con thì tranh thủ buổi tối đi chơi. Mọi thứ vẫn nhộn nhịp và có vẻ rất phồn thịnh bởi hiếm nơi nào người già mừng tuổi nhau vài chục đô la, vài trăm đô la như trong làng, và đương nhiên tiền chỉ xoay vòng trong làng, người này lì xì người kia, người kia lì xì người nọ rồi người nọ lại lì xì người này… Và trẻ con thì cầm vài triệu đến vài chục triệu đồng để đi chơi, có những thanh niên hiếm hoi đón Tết trong làng thì lái xe hiệu sang chảnh, tiêu tiền như nuớc. Nhưng dường như thiếu sinh khí, thiếu một cái gì đó thật khó nói!

Những ngôi làng thừa mứa nhiều thứ nhưng lại thiếu một thứ duy nhất mà ngay trong cả thời tệ hại nhất của đất nuớc này, tức thời kinh tế tập thể, tập trung bao cấp, nó vẫn có được, đó là hơi ấm tình người, tình thân gia đình. Thời đó, mặc dù con người thiếu đói, phải ăn khoai độn, sắn độn, hạt kê, phải tồn tai vật vạ, nhưng sức sống của tình cảm gia đình, sức sống của giá trị nhân văn vẫn ngồn ngộn, người ta tin tưởng vào ngày mai, tin tưởng rằng qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai và người ta có lý do để tồn tại cho dù cực khổ cỡ nào, đó là hơi ấm gia đình, đó là trách nhiệm của người đi truớc với người đến sau, đó là bổn phận san sẻ yêu thương và nuôi lửa yêu thương giữa nhân quần. Điều ấy làm cho cái Tết thiếu mọi thứ, đến gói thuốc cũng mua phiếu phân phối của người khác với giá đắt đỏ, lát thịt heo có thể chẻ làm ba cho bữa cơm ngày Tết và cục giò heo chứa cả thiên đường đầu năm… Nhưng người ta đáng yêu và sống đẹp, người ta không bị ảo tuởng về tiền bạc, người ta không bị phù phiếm hay tự huyễn hoặc mình. Người ta nương tựa vào nhau để sống.

Tết xưa khác với Tết bây giờ, tháng Chạp về, người ta không còn nghĩ đến những hủ dưa kiệu hay những bữa cơm đoàn viên ấm áp giọng quê, mà người ta nghĩ đến thứ gì đó kiểu như “đẳng cấp”. Và thay vì ngồi nhâm nhi lát bánh tét, bánh chưng hay bánh tổ, bánh in để nghe đất trời giấu mình trong mùi hương ngùi Tết, thì người ta lại nghĩ đến những chai rượu tiền triệu, tiền chục triệu, những quán xá rộn ràng và ồn ào réo gọi, những chỗ đậu toàn xe hơi hạng sang và gái chân dài như một chốn để thể hiện sự mạnh mẽ hoặc giả thể hiện tầm cỡ xã hội. Và mọi thứ trở nên lạc lỏng, người ta lạc lỏng ngay trên chính những thứ của mình kiếm được như tiền bạc, nhà cửa, xe cộ, đất đai… Bởi những thứ ấy không gắn với tâm hồn, không xoa dịu vết thương tâm hồn sau những lăn lóc áo cơm, và không những vậy, những thứ ấy càng làm cho tâm hồn họ trở nên chai lì, lạ lỏng và bất chấp. Những thứ chỉ mang lại mặc cảm nhiều hơn là tình cảm. Và cứ như vậy, con người bất chấp mạng sống, bất chấp mọi mất mát để được một thứ to lớn chứa mọi sự mất mát trong đó!

Tết về, tự dưng thấy mọi thứ trở nên lạc lỏng, và ngay cả khái niệm Tết cũng rất ư mơ hồ, nó như một con sứa biển dễ tan thành bọt biển hay một thứ bong bóng xà phòng đang bay trong gió lớn. Nó không còn là cái mốc để từ ấy, con người neo tâm hồn của mình vào mà định dạng, mà nhớ đến như một chốn để quay về. Tết xưa, người ta sẽ hỏi thăm tuổi tác, hỏi thăm sức khỏe, hỏi thăm dự tính cho tương lai và mừng nhau một ly rượu nồng, miếng trầu thơm, mời nhau bữa cơm đạm bạc nhưng ấm tình người, tình xóm làng, quê hương và cả sự tôn trọng, quí mến nhau. Nó khác với Tết bây giờ là dịp người ta ném quà vào nhà nhau như một thứ thế chấp tình cảm hoặc một lời đe dọa về sự hiện hữu của họ trong đường dây hay cú áp phe, mối lái, mánh khóe… Hoặc giả người ta nhìn cái xe, nhìn căn nhà hay nhìn vào túi tiền của nhau như một sự so bì, kèn cựa… Tình yêu, lòng thơm thảo dần vắng bóng nơi ngày Tết.

Và điều này cũng lý giải vì sao con người ngày càng trở nên khô cằn và manh động, nó càng lý giải vì sao hệ thống nhà nước ngày càng trở nên tệ hại và gian lận. Bởi một điều, nó là biểu kế, Tết như một ánh xạ, phản chiếu cái hệ hình của xã hội và đương nhiên, trong một hệ hình méo mó, trong một nền giáo dục và chính trị bệ rạc, nó khó mà phản ánh cái Tết ấm áp, khó để đón ngày mới của lịch pháp hay mùa màng của tạo hóa theo đúng nhịp điệu thiên nhiên, vạn vật mà nó chỉ là một bước nhảy để đi đến chỗ điểm cuối của lộ trình bế tắc. Thật là buồn khi phải nói rằng: Tết lại sắp về!