You are here

16 năm khu kinh tế mở Chu Lai: Vì sao không thành công?

Ảnh của NguyenTrangNhung

Hình: Khu kinh tế mở Chu Lai (Nguồn: Internet)

Như đã cho thấy trong bài viết trước, theo một số tác giả, khu kinh tế mở (KKTM) Chu Lai không (hay chưa) thành công, mặc dù có nhiều ưu đãi chung lẫn riêng.[1]

Vậy đâu là những nguyên nhân của sự không thành công của Chu Lai?

Theo Vũ Ngọc Hoàng, nguyên bí thư tỉnh Quảng Nam, đó là sự thiếu quyết tâm chiến lược và sự chỉ đạo của Chính phủ đã không quyết liệt.[2] 

Một số nguyên nhân khác nằm ở thực tiễn quản lý KKTM Chu Lai được cho thấy từ nghiên cứu của Vũ Thành Tự Anh,[3] bao gồm:

  1. nhiều quyết định chính sách về quy hoạch, phát triển cơ sở hạ tầng, cấp giấy phép đầu tư và tài chính bị chi phối bởi các lợi ích riêng, 
  2. quyền hạn quyết định các vấn đề về ngân sách của Ban Quản lý (BQL) rất hạn chế, 
  3. BQL và chính quyền địa phương không có quyền hạn thực tế để tham gia thực nghiệm chính sách, 
  4. quy trình ra quyết định dựa trên sự đồng thuận tập thể; 
  5. năng lực và sự cam kết của các cán bộ thực hiện hạn chế; 
  6. vị trí địa lý là rào cản đối với nhà đầu tư nước ngoài. 

Theo Huỳnh Thế Du và các cộng sự, một trong các vấn đề của Chu Lai là không có sự khác biệt đáng kể về chính sách giữa các dự án trong và ngoài KKTM, do tất cả chính sách quan trọng ở Chu Lai đều do chính quyền Quảng Nam quyết định.[4] 

Nếu căn cứ vào các yếu tố thành công cho các khu tại Việt Nam được rút ra từ luận văn của người viết bài này,[5] bao gồm: (1) vị trí địa lý thuận lợi, (2) năng lực và quyết tâm của lãnh đạo cao, (3) chính sách ưu đãi hấp dẫn, (4) môi trường kinh doanh lành mạnh, (5) có các nhà đầu tư chiến lược, thì sự không thành công của Chu Lai có thể được lý giải là do Chu Lai thiếu các yếu tố thành công đó.

Một, vị trí của Chu Lai tuy có chút lợi thế, đó là ở gần ven biển và gần Đà Nẵng, nhưng yếu tố này không phát huy nhiều tác dụng khi đặt vào các ngành trọng tâm tại Chu Lai (sản xuất lắp ráp ô tô và du lịch), và thêm vào đó là không tạo ra nhiều sự kết tụ về mặt kinh tế cũng như không thực sự trở thành một vùng trung tâm (dù là trung tâm công nghiệp hay trung tâm về một lĩnh vực khác). 

Hai, năng lực của lãnh đạo không cao, trong khi quyết tâm của lãnh đạo mang tính thời điểm hơn là chiến lược, khi ngoài Chủ tịch tỉnh năm 2002, ông Nguyễn Xuân Phúc, không ai khác thể hiện quyết tâm tương tự ông trong việc thu hút được một nhà đầu tư như Trường Hài. 

Ba, các chính sách ưu đãi tuy đã hơn hết các khu kinh tế khác, nhưng không thực sự nổi bật, nên không thực sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, nhất khi đặt bên cạnh các yếu tố kém hoàn thiện khác. 

Bốn, môi trường kinh doanh nhìn từ năng lực cạnh tranh của tỉnh Quảng Nam là khá ổn (tỉnh Quảng Nam có chỉ số năng lực cạnh tranh từ khá cao đến cao, đặc biệt là luôn trong top 10 từ 2015 đến 2018[6]) song có bất cập trong thủ tục hành chính về đất đai, tiếp cận mặt bằng mở rộng kinh doanh, thuế và vốn vay, đồng thời, chủ trương, chính sách, sáng kiến của tỉnh không được thực hiện đúng ở cấp cơ sở.[7] 

Và năm, cho đến nay, Chu Lai chỉ có Trường Hải là nhà đầu tư chiến lược duy nhất. 

Ngoài ra, nếu tính yếu tố thứ sáu cho thành công – có thể được rút ra từ nghiên cứu trên đây của Vũ Thành Tự Anh – là quyền tự trị cao, để một khu kinh tế có thể tự quyết các chính sách quan trọng một cách nhanh chóng và hiệu quả, thì Chu Lai cũng thiếu yếu tố này.

Tóm lại, Chu Lai thiếu nhiều yếu tố cho thành công, vì vậy, cải thiện các yếu tố này là cần thiết để Chu Lai cải thiện thành tựu phát triển kinh tế.

Chú thích:

[1] 16 năm khu kinh tế mở Chu Lai: Thành công hay thất bại?
https://www.rfavietnam.com/node/5753

[2] Vũ Ngọc Hoàng (2018), "Về khu kinh tế mở Chu Lai", Kỷ yếu 15 năm thành lập khu kinh tế mở Chu Lai

[3] Vũ Thành Tự Anh (2012), "Khu kinh tế mở Chu Lai: Phòng thí nghiệm cho đổi mới thể chế và chính sách ở một số nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung"

[4] Huỳnh Thế Du và đ.t.g (2014), "Từ khu kinh tế đến phát triển và liên kết vùng: Tạo đột phá thể chế"

[5] Luận văn 'Dự báo hiệu quả của các đặc khu tại Việt Nam nhìn từ kinh nghiệm của Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam' 
http://www.viet-studies.net/kinhte/NguyenTrangNhung_DuBaoDacKhu.pdf

[6] PCI Việt Nam (2019), "PCI của Quảng Nam qua các năm"
http://pcivietnam.org/ho-so-tinh/quang-nam

[7] Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam (2013), "Cải thiện chỉ số PCI"
http://www.dpiqnam.gov.vn/Default.aspx?tabid=109&Group=4&NID=1034&cai-th...

(Nhiều đoạn trong bài viết này được dẫn từ luận văn thạc sỹ Chính sách công của người viết với đề tài 'Dự báo hiệu quả của các đặc khu tại Việt Nam nhìn từ kinh nghiệm của Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam' tại Đại học Fulbright Việt Nam.)