You are here

Chuyến xe tử thần, chính quyền trách nhiệm gì?

Ảnh của canhco

Ngày 23 tháng 10, 39 thi thể được tìm thấy trong một chiếc xe tải ở Essex, phía Đông Bắc của London. Lý do là họ bị nhốt trong xe đông lạnh có độ lạnh -25 độ âm, không dưỡng khí và không thể thoát ra ngoài. Tất cả nạn nhân tự chấp nhận điều nguy hiểm này để được vào Anh làm việc dù là bất hợp pháp vói những ngành nghề bị cấm.

Nhân viên phản ứng khẩn cấp của Anh bị sốc khi thấy hàng chục thi thể chồng chất lên nhau. Những người bị nhốt trong container có thể đã đập tay dữ dội vào cửa với mong muốn được thoát ra, để lại những dấu tay đẫm máu. Tất cả gồm 39 người lúc đầu ai cũng tường họ là người Trung Quốc vì trước đây cũng có trường hợp tương tự gây nên cái chết của 58 người Trung Quốc nhập cảnh bất hợp pháp vào Anh, tuy nhiên một vài giờ sau xuất hiện tin nhắn của em Phạm Thị Trà My gửi cho mẹ còn ghi lại trên chiếc phone cầm tay của em người ta mới biết trong những nạn nhân có cả người Việt Nam. Một ngày sau, một thanh niên khác được phát hiện là anh Nguyễn Đình Lượng, quê quán tại xã Thanh Lộc, huyện Can Lộc, Tỉnh Hà Tĩnh được thân nhân xác định là đã chết trong chuyến xe này. Cứ mỗi giờ qua người dân Nghệ An, Hà Tĩnh lại như ngồi trên lửa đỏ vì họ biết một trong ba chuyến xe chở di dân bất hợp pháp có người thân của mình.

Cuối cùng thì hãng tin Reuters phỏng vấn linh mục Đặng Hữu Nam tại giáo xứ Mỹ Khánh được linh mục Nam xác định rằng có khả năng phần đông trong số 39 nạn nhân đều là người Việt Nam.

Có lẽ vì họ là người công giáo trong hai tỉnh Nghệ An Hà Tĩnh nên Linh mục Nam biết được qua hệ thống nhà thờ. Sự xác nhận này tuy chưa được chính phủ Anh công nhận vì theo những thủ tục pháp lý cần thêm nhiều bằng chứng như thông tin hình ảnh từ gia đình tại Việt Nam cũng như xét nghiệm DNA cần thêm nhiều thời gian mới biết đích thực có phải là người Việt Nam hay không nhưng dư luận theo dõi thông tin trên mạng xã hội đã biết gần như chắc chắn qua hình ảnh của vài cộng đồng công giáo đã tổ chức tưởng niệm 39 nạn nhân này tại nhà thờ Chung Hà Nội và vài giáo xứ tại Nghệ An.

Nước Anh tỏ ra thông cảm sâu sắc với niềm đau mà nhiều người cho là khủng khiếp trong chuyến xe tử thần này. Nhiều người tập trung đốt nến đầu nguyện cho 39 nạn nhân và một phái đoàn của Anh đã tới Nghệ An và Hà Tĩnh để tiếp xúc với thân nhân người bị nạn nhằm giúp đỡ cho họ có thể sang Anh để nhận thi hài người quá cố.

Anh là nước chủ nhà, nơi có sự cố đau thương xảy ra và vì vậy họ cảm thấy có trách nhiệm đối với những người xấu số. Đại sứ quán Việt Nam tại Anh có thể đã và đang trợ giúp chính phủ Anh trong việc nhận diện nạn nhân, tuy nhiên cộng đồng người Việt khắp nơi trên toàn thế giới cần thêm một vài thông tin từ đại sứ quán để vấn đề không bị che đậy hay biến dạng.

Chính phủ Anh không lạ gì những vụ buôn người vào nước của họ để làm những công việc bất hợp pháp như trồng cần sa trong nhà và cung cấp chúng cho xã hội đen gây bất ổn trong cộng đồng người nhập cư bất hợp pháp tại Anh.

Trong bối cảnh tình trạng mua bán người giữa Việt Nam và Vương quốc Anh ngày càng nghiêm trọng, Đại sứ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland - ông Gareth Ward đã viết một bài bình luận về chủ đề này và được Soha đăng lại có nội dung cảnh báo với những hình ảnh thật kinh hoàng. Ông Gareth Ward cho biết người Việt Nam đang bị mua bán sang Anh để làm các công việc nguy hiểm, trái pháp luật, phục vụ lợi ích của các băng nhóm tội phạm có tổ chức. Khác với các nạn nhân bị mua bán sang các nước láng giềng với thủ đoạn thường gặp như bắt cóc, gạ gẫm hay lừa gạt, những nạn nhân người Việt Nam tại Anh là những người tự nguyện ra đi, với giấc mơ về một miền đất hứa, kì vọng về cơ hội cải thiện kinh tế cho bản thân và gia đình.  Rất nhiều trong số họ là những người đến từ những huyện còn khó khăn của Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Trên danh nghĩa "giúp đỡ" làm giả giấy tờ, làm giả hồ sơ hay giúp vượt biên trái phép, bọn buôn người thu lợi rất lớn từ các nạn nhân. Chi phí cho hành trình do những băng nhóm tội phạm đưa người bất hợp pháp từ Việt Nam sang Anh dao động từ 30.000 USD đến 50.000 USD.

Ông Gareth Ward ghi lại những công việc mà người dân Việt Nam phải trả giá để hoàn thành ước mơ đổi đời của mình, những công việc tạm thời với tiền công rẻ mạt như làm móng tay, trông trẻ, phụ bếp, dọn khách sạn trở nên rất khó khăn, với áp lực là gánh nợ trên vai, số đông những người nhập cư bất hợp pháp chấp nhận đi trồng cần sa để kiếm tiền trả nợ. Họ cũng biết trồng cần sa là bất hợp pháp và mạo hiểm nhưng chỉ khi thật sự bắt tay vào công việc, họ mới thấm thía cảm giác cô đơn, ngột ngạt và tù túng cũng như nỗi sợ hãi, nỗi ám ảnh có thể bị cướp, bị đánh đập, bị bắt và bị trục xuất.

Để tránh bị lộ, những căn nhà dùng để trồng cây thường bịt kín các cửa sổ để không có ánh sáng cũng như mùi phát tán ra ngoài. Những người có nhiệm vụ chăm sóc cây thường bị buộc sống ở trong nhà. Do sống trong môi trường nhiệt độ cao, không có không khí, tiếp xúc với phấn hoa, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thuốc kích thích,... người trồng cây cần sa trong nhà kín chịu nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe thậm chí để lại di chứng về sau như ảnh hưởng đến thần kinh và đến đường hô hấp.”

Nước Anh đã phản ứng tích cực đối với bon trung gian và tỏ ra thông cảm cho người Việt bị thiếu thông tin nên thường sa chân vào vòng vây của bọn buôn người để xảy ra thảm kịch như ngày hôm nay. Người dân trên mạng xã hội tuy đau xót cái đau của người cùng tiếng nói nhưng cũng không thể chịu nỗi sự im lặng đáng lên án của giới chức trách nhiệm của đất nước này.

Trước tiên là ông Nguyễn Phú Trọng, với tư cách là Chủ tịch nước ông ấy lẽ ra phải có ngay hành động thích hợp như chia buồn với gia đình nạn nhân, lên án bọn buôn người, chỉ đạo hệ thống công an nhân dân phải ngay lập tức mở hồ sơ các vụ án trước đây cũng như bây giờ nhằm tìm cho ra thủ phạm nào đứng phía sau thu tiền và làm các loại giấy tờ để một người Việt Nam có thể an nhiên bước lên máy bay ra nước ngoài tìm đường vào chỗ chết.

Chì có cơ quan xuất nhập cảnh mới có thể giúp bọn buôn người trót lọt nhất là các loại giấy tờ mà một thường dân không dễ gì xin được.

Giới chức trách nhiệm thứ hai là Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Anh. Sứ quán Việt Nam hơn ai hết biết rõ ai đang có mặt trong khu vực đại sứ quản lý. Tòa đại sứ cũng biết rất rõ bọn buôn người gốc Việt tại Anh đã hoạt động như thế nào để có thể thành công khi đưa một lúc vài trăm người từ Việt Nam sang Anh làm những công việc phi pháp.

Nếu Việt Nam là một quốc gia dân chủ, minh bạch trong việc điều hành đất nước thì việc bọn buôn người lộng hành sẽ là mục tiêu giám sát và tiêu diệt của chính phủ. Tuyên truyền về sự nguy hiểm khi bỏ tiền đi mua cái chết cũng là trách nhiệm của chính phủ, và tuyệt nhiên mọi trách móc từ người dân đối với sự vô trách nhiệm của chính quyền hiện nay là điều có thể hiểu và chấp nhận được.

Chính quyền từng rất thành công trong nhiều vụ bắt bớ người tranh đấu hay các phần tử hải ngoại trở về hoạt động thì không lý gì không thể bắt bọn buôn người đang công khai dụ dỗ háng trăm người dân tại các làng quê Nghệ An, Hà Tĩnh vào chỗ chết.